Mô hình Sở Kế hoạch - Tài chính còn gây băn khoăn
Tư Hoàng
![]() |
Việc đăng ký kinh doanh ở nhiều địa phương đang quá tải. Ảnh TL. |
(TBKTSG Online) – Việc hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Kế hoạch- Tài chính ở cấp tỉnh đang gây nhiều tranh luận.
Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4-4-2014 của Chính phủ, cơ quan soạn thảo là Bộ Nội vụ đề nghị sau khi hợp nhất Sở Tài chính (TC) và Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) sẽ đối tên thành Sở Tài chính - Kế hoạch.
Cơ quan soạn thảo nhận xét, chức năng, nhiệm vụ của hai có mối quan hệ liên thông với nhau, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính và bố trí cân đối các nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có sự giao thoa về nhiệm vụ giữa hai sở này kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ. Theo đó, để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính, ngân sách, khắc phục sự giao thoa nhiệm vụ giữa phạm vi quản lý nhà nước của hai sở, việc hợp nhất Sở KHĐT với Sở TC thành Sở Kế hoạch - Tài chính là cần thiết.
Theo đó, sắp xếp hợp nhất thành một sở, đổi tên thành Sở Kế hoạch - Tài chính; đồng thời sắp xếp lại, hợp nhất các tổ chức bên trong của hai sở có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, bảo đảm tinh gọn; sắp xếp số lượng cấp phó của tổ chức bên trong sở.
Sở mới được rút gọn ba tổ chức theo hướng hợp nhất các phòng chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tương ứng. Cụ thể: Phòng Tài chính đầu tư (Sở TC) với Phòng Tổng hợp, Quy hoạch (Sở KHĐT); Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp (Sở TC) với Phòng Khoa giáo, văn xã (Sở KHĐT); Phòng Tài chính doanh nghiệp (Sở TC) với Phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (Sở KHĐT). Cơ cấu tổ chức của sở mới gồm: Văn phòng, Thanh tra và không quá 10 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; đối với thành phố Hà Nội và TPHCM được thành lập thêm một phòng để quản lý riêng về công sản và thành lậpmột chi cục thay cho một phòng chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính doanh nghiệp.
Bộ Nội vụ cho rằng việc hợp nhất sẽ có tác động tích cực như giảm đầu mối tổ chức sở và đầu mối tổ chức bên trong sở, dẫn đến giảm đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, chi thường xuyên... Theo đó, thực hiện việc tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách cho việc chi lương.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cho rằng, động thái này tạo lòng tin cho nhân dân về việc Nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện tiến trình cải cách hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm chi tiêu ngân sách công, việc thực hiện các dịch vụ công, phục vụ người dân được tốt hơn.
Quan điểm này được một số bộ, ngành ủng hộ như Bộ Tài chính, Trà Vinh, Ninh Bình, Hải Dương, Đồng Tháp.
Nhiều nơi không ủng hộ
Tuy nhiên, một số bộ và địa phương như Bộ KHĐT, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cân nhắc việc hợp nhất Sở TC với Sở KHĐT thành Sở Kế hoạch - Tài chính vì nhiệm vụ hai sở này quá lớn và quan trọng tại địa phương.
Trong bản góp ý cho dự thảo nghị định nói trên, Bộ KHĐT tỏ ra dè dặt với phương án này.
Bộ này giải thích, việc đề xuất hợp nhất hai sở chưa được đề cập cụ thể trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, hay Chính phủ.
Sở KHĐT và Sở TC là hai sở lớn tại các địa phương có chức năng nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, tham mưu cho UBND cấp tỉnh quản lý trong hai lĩnh vực quan trọng là phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển và tài chính – ngân sách. Trong thực tiễn, hai sở vẫn hoạt động độc lập, bình thường, phát huy tốt vai trò của mình, vừa phối hợp vừa kiểm soát giám sát lẫn nhau trong quá trình hoạt động. Việc hợp nhất như vậy sẽ không đảm bảo được tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, việc hợp nhất cơ học hai sở còn gây khó khăn trong việc quản lý, chỉ đạo điều hành từ cấp trung ương, gây khó khăn trong điều hành, hướng dẫn thực hiện chức năng nhiệm vụ, cũng như quy rõ trách nhiệm khi thanh tra, giám sát.
Bộ KHĐT đề nghị Bộ Nội vụ xây dựng và cung cấp đề án khảo sát, điều tra, đánh giá tác động về việc sáp nhập một số sở thuộc UBND cấp tỉnh; lấy và tổng hợp đầy đủ ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, đặc biệt là của 63 UBND cấp tỉnh vì đây là đối tượng chịu tác động trực tiếp trước khi trình Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ. Hiện nay, rất nhiều UBND cấp tỉnh chưa có ý kiến về việc này.
Bộ này đề nghị thêm, cần xem xét có quy định đặc thù về số lượng phó giám đốc đối với các sở của Hà Nội và TPHCM như Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định.
Trong khi đó, cũng có một số địa phương như Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Thái Bình đề nghị không hợp nhất Sở TC với Sở KHĐT thành Sở Kế hoạch -Tài chính vì nhiệm vụ hai sở này quá lớn và quan trọng tại địa phương.