Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mở thị trường vốn cho doanh nghiệp SME và startup

Lưu Minh Sang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Với doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp có tiềm năng phát triển tốt, giải quyết vấn đề vốn không khó, nhưng doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp mà triển vọng phát triển còn chưa thực sự rõ ràng thì không dễ. Một “sân chơi” riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp yếu thế huy động vốn là điều cần làm.

SME là nhóm doanh nghiệp dễ chịu tổn thương, nhưng cũng có khả năng tái khởi động kinh doanh và phục hồi nhanh chóng nếu được đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính đầy đủ và ổn định. Ảnh: MINH DUY

SME và startup huy động vốn – khó trăm bề

Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đều là trụ cột của nền kinh tế, là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo. Tại Việt Nam, SME chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp trên toàn quốc, đóng góp khoảng 40% GDP và 29% ngân sách quốc gia. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, đây là nhóm doanh nghiệp dễ chịu tổn thương, nhưng cũng có khả năng tái khởi động kinh doanh và phục hồi nhanh chóng nếu được đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính đầy đủ và ổn định.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2014 tại khu vực châu Á cho thấy, hầu hết SME gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tài chính và thiếu vốn là một bước cản mang yếu tố cốt lõi đối với sự phát triển của SME(1). Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (2021) thực hiện tại Việt Nam cũng thể hiện rằng, nguồn tài trợ vốn chủ yếu cho các SME hiện nay vẫn đến từ kênh tín dụng ngân hàng nhưng cũng kèm theo không ít thách thức.

Theo Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam năm 2020 (PCI 2020), có đến 41% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng; tăng trưởng tín dụng đối với SME ở mức khá thấp, chỉ khoảng 3% mỗi năm. Đặc biệt, SME dường như khó tiếp cận với các nguồn tài trợ vốn dài hạn khi mà có hơn 80% các khoản vay tín dụng ngân hàng có thời hạn dưới một năm. Khẩu vị phổ biến của các ngân hàng khi cho vay là đòi hỏi tài sản bảo đảm phải là bất động sản hay các tài sản có tính thanh khoản cao cũng là nguyên nhân khiến SME không đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng(2).

Trong khi đó, thị trường vốn những năm qua, dù có nhiều bước tiến đáng kể về bề rộng lẫn chiều sâu, nhưng nhìn chung chưa phủ sóng được đến các SME hay doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Thị trường trái phiếu còn khá sơ khai và thị trường cổ phiếu vẫn đậm chất truyền thống cũng làm “bít đường” tiếp cận thị trường vốn đối với phần lớn SME và startup.

Nghiên cứu của OECD (2021) phản ánh thực trạng về việc thiếu vắng khung pháp lý cho việc tài trợ bằng vốn chủ sở hữu cho các SME và startup tại Việt Nam. Các hoạt động của nhà đầu tư thiên thần hay quỹ đầu tư mạo hiểm cũng vì thế mà thiếu sự sôi động và không đạt được sự đóng góp đáng kể. Minh chứng rõ nét là hầu hết các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam đều được thành lập tại nước ngoài (phần lớn là Singapore)(3).

Nhìn chung, SME hay các startsup đều có những đặc tính cố hữu như tính dễ tổn thương, dễ thất bại, rủi ro cao, thiếu thốn tài sản hữu hình làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, khả năng công bố thông tin kém, mô hình quản trị doanh nghiệp chưa định hình. Chính những đặc tính này khiến cho việc huy động vốn, đặc biệt là vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp này trở nên “khó trăm bề” khi tiếp cận với thị trường tài chính truyền thống như kênh tín dụng ngân hàng hay thị trường chứng khoán tập trung. Chính vì lẽ đó, đòi hỏi các quốc gia phải có chiến lược và chính sách xây dựng các công cụ tài chính mới, mang tính thay thế để thúc đẩy tài chính dài hạn phục vụ cho SME và các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao như startup.

Xu hướng về thị trường vốn cho SME

Để tạo điều kiện cho các SME có thể tiếp cận nguồn vốn thông qua thị trường vốn, nhiều quốc gia đã tiến hành xây dựng hoặc thử nghiệm việc xây dựng thị trường vốn dành cho SME theo định hướng tăng trưởng bên cạnh thị trường chứng khoán truyền thống. Thị trường này có thể phân thành hai loại: thị trường tập trung hoặc thị trường phi tập trung có tổ chức. Đáng chú ý là, một số quốc gia còn xây dựng sàn giao dịch chứng khoán với những cơ chế đặc thù dành cho các SME và startup.

SME hay các startsup đều có những đặc tính cố hữu như tính dễ tổn thương, dễ thất bại, rủi ro cao, thiếu thốn tài sản hữu hình làm tài sản thế chấp cho các khoản vay, khả năng công bố thông tin kém, mô hình quản trị doanh nghiệp chưa định hình. Chính những đặc tính này khiến cho việc huy động vốn, đặc biệt là vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp này trở nên “khó trăm bề”.

Theo thống kê từ Hiệp hội các sở giao dịch thế giới (WFE) vào cuối năm 2017, số lượng sàn giao dịch dành cho SME tại các khu vực trên thế giới lần lượt như sau: Bắc Mỹ có 4 sàn, 24 sàn tại khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi, 15 sàn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Từ các kết quả nghiên cứu thực nghiệm của WFE hay của Ủy ban châu Âu cho thấy, các sàn giao dịch dành cho SME đã trở thành một kênh hỗ trợ hữu hiệu cho các SME trong việc huy động vốn và giúp các nhà đầu tư thoái vốn dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí.

Tại châu Á, rất nhiều quốc gia cũng lần lượt xây dựng và vận hành thị trường vốn dành cho SME như Nhật Bản (với mô hình của sở giao dịch Tokyo AIM dành cho doanh nghiệp tăng trưởng), Hàn Quốc (với sàn KONEX), Trung Quốc (với sàn Bắc Kinh vừa thành lập năm 2021), Thái Lan (với sàn LiVE Exchange vừa ra mắt tháng 9 vừa rồi) hay Ấn Độ, Malaysia, Singapore cũng đã có những bước đi rất cụ thể.

Trong đó, Hàn Quốc là một trong những quốc gia điển hình và tiên phong trong việc thiết lập một sàn giao dịch dành riêng cho các SME khởi nghiệp sáng tạo – Sàn Giao dịch Chứng khoán Korea New Exchange (KONEX). KONEX được thành lập năm 2013 với mục tiêu hỗ trợ cho các SME có tiềm năng tăng trưởng cao có thể tiếp cận nguồn vốn trực tiếp từ thị trường vốn. Phương thức vận hành của KONEX được thiết kế như một thị trường giao dịch chứng khoán được cải cách để phù hợp với những đặc thù của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Gần đây, sáng kiến thành lập sàn LiVE Exchange của Thái Lan hay sự ra đời của Sở giao dịch Chứng khoán Bắc Kinh cũng là một trường hợp đáng chú ý trong xu hướng xây dựng thị trường vốn phục vụ cho SME và các startup(4).

Nhìn chung, thể chế và cách vận hành thị trường vốn dành cho SME của các quốc gia không hoàn toàn giống nhau, nhưng vẫn tồn tại nhiều điểm chung, cụ thể như sau: (i) quy định về điều kiện phát hành hay niêm yết đối với SME sẽ được giảm thiểu đáng kể so với các doanh nghiệp trên thị trường truyền thống; (ii) trình tự, thủ tục phát hành, niêm yết được đơn giản hóa để giảm chi phí; (iii) nghĩa vụ về công bố thông tin, quản trị công ty, báo cáo và các nghĩa vụ khác liên quan đến quan hệ với nhà đầu tư cũng được giảm thiểu và được thực hiện với những cơ chế hỗ trợ; (iv) giới hạn phạm vi nhà đầu tư tham gia thị trường là các nhà đầu tư tổ chức hoặc nhà đầu tư cá nhân có năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư.

Ngoài ra, hệ sinh thái phục vụ cho thị trường vốn dành cho SME và các startup cũng đóng vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững của thị trường này. Vì vậy, các quốc gia thường quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển hoạt động đầu tư mạo hiểm trở thành kênh cung cấp vốn rủi ro ban đầu cho các SME. Bên cạnh đó là phát triển mạng lưới các chuyên gia, cố vấn tài chính, pháp lý để hỗ trợ các SME trong việc thực hiện trình tự, thủ tục, đảm bảo nghĩa vụ tuân thủ. Điều này đòi hỏi phải song hành cùng với các chính sách hỗ trợ tài chính của chính phủ với các bên có liên quan như ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư, các SME phát hành và niêm yết trên sàn giao dịch vốn dành riêng cho SME cũng như có chính sách khuyến khích đối với mạng lưới cố vấn, hỗ trợ.

Gợi mở cho Việt Nam

Rõ ràng, thị trường vốn dành cho SME nói chung và các startup nói chung là một nhu cầu cấp thiết và là một thành phần quan trọng trong chiến lược tổng thể của các quốc gia về phát huy tiềm lực tăng trưởng, đổi mới của các SME. Không chỉ dừng lại ở việc mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho các SME mà còn giúp giáo dục tài chính cho các doanh nghiệp này để họ sớm nhận ra lợi ích của thị trường vốn, làm quen với những yêu cầu chuyên nghiệp của thị trường. Qua đó, thúc đẩy tính chuyên nghiệp, minh bạch trong hoạt động của SME và chính các SME sẽ là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của thị trường chứng khoán truyền thống trong tương lai.

Tại Việt Nam, với sự ra đời của Luật Chứng khoán năm 2019, việc tổ chức thị trường chứng khoán dành cho các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện niêm yết, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã được ghi nhận như là một chức năng của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Đây là bước chuẩn bị quan trọng về mặt pháp lý cho việc hình thành thị trường vốn cho SME và startup trong thời gian sắp tới.

Hiện nay, sàn UpCom do Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội quản lý đang được xem là một “sân chơi” dành cho một bộ phận SME là các công ty đại chúng. Tuy nhiên, số lượng SME tham gia thị trường và thụ hưởng hiệu quả từ thị trường này còn khá khiêm tốn. Mặc dù vậy, người viết cho rằng kinh nghiệm vận hành thị trường UpCom cung cấp những nền tảng tốt phục vụ cho việc hình thành một thị trường vốn dành riêng cho các SME có tiềm năng tăng trưởng hay các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong tương lai.

———

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM
(1) Xem: https://www.adb.org/sites/default/files/publication/31179/reiwp-121.pdf
(2) Xem: https://www.ifc.org/wps/wcm/connect/66714e46-a671-4240-b779-4d87deae7158/CPSD-Vietnam-Executive-Summary-VI.pdf?MOD=AJPERES&CVID=nM391Ax
(3) Xem: https://www.oecd.org/cfe/smes/VN%20SMEE%20Policy%20highlights%20VN.pdf
(4) Xem thêm: https://www.nishimura.com/en/articles/live-exchange-stock-market-for-smes-and-startups.html và https://www.china-briefing.com/news/beijing-stock-exchange-for-smes-what-we-know/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới