Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mổ xẻ bức tranh kinh tế TPHCM quí 1-2023

Bùi Trinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Theo thông cáo của Tổng cục Thống kê (TCTK), kết quả tăng trưởng kinh tế quí 1-2023 của năm thành phố trực thuộc trung ương cho thấy TPHCM có mức tăng trưởng thấp nhất, chỉ đạt 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu trên cổng thông tin điện tử của TPHCM, sự thay đổi giá GRDP (GRDP deflectors) của TPHCM trong quí 1-2023 so với quí 1-2022 là 2,9%, trong khi đó chỉ số giá CPI bình quân của quí 1-2023 so với cùng kỳ năm trước là 4,5%; điều này phần nào cho thấy sự thay đổi về thu nhập từ sản xuất và lợi nhuận của các doanh nghiệp trên địa bàn là khá cam go.

Để ý rằng đối với cả nước thì chỉ số thay đổi giá GDP (GDP deflector) quí 1-2023 là 4,2% trong khi chỉ số giá CPI bình quân của quí 1-2023 so với cùng kỳ năm trước là 4,18% (tức là chỉ số giá CPI bình quân so với cùng kỳ tương đương với chỉ số thay đổi giá GDP).

Trong quí 1-2023, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của TPHCM chỉ tăng trưởng 4,7%. Ảnh minh họa: N.K

Khu vực dịch vụ (chiếm hơn 65% GRDP của TPHCM) tăng 2,07% đóng góp 1,53 điểm phần trăm trong tốc độ tăng chung, trong đó có đến 5/9 ngành có chỉ số lan tỏa và độ nhạy cao của thành phố có mức tăng trưởng âm, như vận tải kho bãi; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội; khu vực công nghiệp và xây dựng.

Đặc biệt những ngành có chỉ số lan tỏa cao về giá trị tăng thêm như ngành xây dựng giảm sâu đến 20%, hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 16,2%. Như đã biết, mức độ quan trọng của một tỉnh hoặc vùng chính là mức độ lan tỏa của các ngành trong vùng đó đến cả nước.

Nhiều ngành có mức độ lan tỏa cao của TPHCM suy trầm có thể sẽ dần lan đến các tỉnh khác của đất nước trong quí 2, quí 3... hoặc thậm chí kéo dài đến năm sau nếu TPHCM không nhanh chóng hồi phục.

Do các tỉnh, thành phố ở Việt Nam không tính GRDP từ phía cầu, nhưng cũng có thể nhìn cầu đầu tư và cầu tiêu dùng qua vốn đầu tư và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.

Xét về vốn đầu tư trên địa bàn TPHCM, quí 1-2023 so với cùng kỳ năm trước theo giá hiện hành chỉ tăng 4,4%, trong khi chỉ số CPI bình quân tăng 4,5% và chỉ số thay đổi giá trị tăng thêm ngành xây dựng và công nghiệp chế biến - chế tạo tương ứng là 3,5% và 3,7%.

Điều này có nghĩa là cầu đầu tư hầu như không tăng, thậm chí có thể giảm. Nhìn kỹ hơn về các loại hình đầu tư có thể thấy hầu như các loại hình đầu tư đều giảm trong quí 1-2023, chỉ có hai khu vực sở hữu có mức đầu tư cao hơn mức bình quân chung của nền kinh tế TPHCM là khu vực tư nhân và đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - FDI (tăng trưởng 19,4% theo giá hiện hành).

Như vậy nếu không có khu vực FDI thì tăng trưởng GRDP của TPHCM có thể âm. Tất cả các nguồn đầu tư từ Nhà nước như vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước, vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực nhà nước)... đều có tăng trưởng âm.

Xét về tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ theo giá hiện hành thì trong quí 1-2023 TPHCM chỉ tăng trưởng 4,7%. Để ý rằng cả nước tính chung quí 1-2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.505.300 tỉ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 10,3%. Như vậy, có thể thấy tăng trưởng cầu tiêu dùng của TPHCM theo giá so sánh có thể âm khá sâu.

Cả cầu đầu tư và cầu tiêu dùng của TPHCM đều rất yếu. Điều này là đặc biệt nghiêm trọng vì nhu cầu cuối cùng và sản xuất của TPHCM lan tỏa đến các vùng khác rất mạnh, chỉ số lan tỏa của TPHCM cao gấp 1,5 lần các tỉnh phía Bắc; 1,7 lần các tỉnh miền Trung và 1,9 lần các tỉnh phía Nam.

Cụ thể hơn, tiêu dùng của TPHCM lan tỏa đến các vùng khác cao hơn chỉ số này của các tỉnh phía Bắc 1,6 lần, các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Nam là 1,72 lần. Đầu tư cũng lan tỏa mạnh đến sản xuất của các vùng khác. Sự suy trầm của kinh tế TPHCM tất yếu sẽ kéo theo sự suy trầm của nền kinh tế cả nước.

Một điều hơi lạ là tăng trưởng về thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm lại cao hơn tăng trưởng GRDP của TPHCM (1,14% so với 0,7%). Theo Hệ thống các tài khoản quốc gia của Liên hiệp quốc, thuế sản phẩm không đóng góp vào tăng trưởng.

Để nhanh chóng đưa TPHCM tăng trưởng trở lại, cần có những biện pháp thiết thực để đẩy mạnh đầu tư và kích thích tiêu dùng, như giảm lãi suất, giảm thuế, tăng đầu tư công, giảm các quy định, thủ tục hành chính rườm rà...

Việc tính toán lại và công bố số liệu GRDP các tỉnh của TCTK là một cố gắng cực lớn, tuy nhiên người viết bài này có kiến nghị nhỏ: TCTK khi tính toán GRDP các tỉnh cần rà soát kỹ chỉ số giá GRDP (GRDP Deflector) các tỉnh theo ngành và so sánh với chỉ số giá GDP (GDP Deflector) theo ngành của cả nước, ngoài ra cũng cần so với CPI bình quân so với cùng kỳ năm trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới