(KTSG) - Mobile-money là một hình thức thanh toán dựa trên hạ tầng viễn thông, cho phép người dùng thực hiện các giao dịch nạp, rút tiền, chuyển khoản, mua sắm hàng hóa và dịch vụ thông qua tài khoản di động mà không cần đến tài khoản ngân hàng. Hình thức thanh toán mới này được kỳ vọng sẽ phủ sóng sâu rộng đến các vùng nông thôn, miền núi, những khu vực thiếu hạ tầng ngân hàng truyền thống và hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện...
- Nhìn lại chiến lược chuyển đổi số của các ngân hàng
- Các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử
Thí điểm với nhiều kỳ vọng
Việt Nam đã bắt đầu thí điểm mobile-money từ cuối năm 2021. Ba nhà mạng lớn tham gia triển khai dịch vụ gồm Viettel, VNPT và MobiFone. Mục tiêu của việc thí điểm là mang đến trải nghiệm thanh toán điện tử tiện lợi cho nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Đặc biệt, dịch vụ này tập trung vào những người chưa có tài khoản ngân hàng hoặc không quen dùng các ứng dụng ví điện tử hay tài khoản ngân hàng vốn cần nhiều thao tác đăng ký. Qua đó, Chính phủ muốn mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các tiện ích số. Đồng thời, kết quả thí điểm có thể giúp cơ quan quản lý kiểm định tính an toàn, tính tiện lợi và nhu cầu thực tế của thị trường đối với mobile-money. Vì vậy, thời hạn thí điểm ban đầu được ấn định trong hai năm nhằm làm cơ sở xây dựng khung pháp lý chính thức.
Trong quá trình triển khai, nhiều nỗ lực tuyên truyền đã được thực hiện nhằm tăng cường hiểu biết của người dân về mobile-money. Các nhà mạng liên tục hợp tác với các bên cung cấp dịch vụ để người dùng có thể thanh toán dễ dàng tại điểm bán, tạo điều kiện chuyển tiền, nhận tiền hay thanh toán hóa đơn viễn thông, điện, nước.
Những tín hiệu khởi đầu khả quan
Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng 10-2024, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ mobile-money là hơn 10 triệu. Trong đó, có 6,69 triệu tài khoản đang hoạt động, chiếm khoảng 66,73% tổng số tài khoản đăng ký. Đáng chú ý, có 7,18 triệu khách hàng thuộc nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, chiếm 72% tổng số người đăng ký và sử dụng. Mặc dù mobile-money mới đạt hơn 10 triệu khách hàng sau gần ba năm thí điểm, con số này vẫn còn khiêm tốn so với số khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán khác trên thị trường. Tuy vậy, so với mốc xuất phát điểm là 0 vào cuối năm 2021, dịch vụ đã có bước tăng trưởng ấn tượng.
Thời gian thí điểm đã kết thúc, nhưng khung pháp lý chính thức vẫn chưa được ban hành. Dự thảo quy định mới chỉ dừng ở dạng đề cương. Sự chậm trễ này khiến mobile-money rơi vào trạng thái “lơ lửng”: không thể dừng cũng không thể mở rộng, do lo ngại rủi ro pháp lý.
Về cơ cấu thị trường, Viettel chiếm 74% thị phần, VNPT-Media 21% và MobiFone 5%. Mạng lưới địa điểm kinh doanh được thiết lập với 11.889 điểm, trong đó 63% nằm ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Bên cạnh đó, mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 276.051 đơn vị, phần lớn là các đơn vị cung cấp dịch vụ thiết yếu như điện, viễn thông, nước, giáo dục và dịch vụ công.
Tổng giá trị giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ được thanh toán thông qua dịch vụ mobile-money đạt khoảng 1.520 tỉ đồng với 108,9 triệu giao dịch. Thực tế sử dụng cho thấy người dân ở vùng sâu, vùng xa có thể nạp tiền mặt vào tài khoản mobile-money tại các điểm giao dịch của nhà mạng. Sau đó, họ chuyển tiền cho người thân ở những khu vực khác hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ cơ bản có giá trị nhỏ. Điều này giúp tiết kiệm thời gian đi lại và tránh rủi ro mang tiền mặt. Nó cũng góp phần thiết lập thói quen không dùng tiền mặt, đồng thời tạo hiệu ứng cộng hưởng cho các dịch vụ tài chính khác.
Kết quả bước đầu đã cho thấy quá trình thí điểm về cơ bản thành công khi đáp ứng được một phần kỳ vọng của Chính phủ trong việc đưa dịch vụ tài chính số đến nhóm người thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa. Mặc dù bị hoài nghi về khả năng cạnh tranh do sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức thanh toán điện tử khác tại Việt Nam, kết quả thí điểm mobile-money cho thấy dịch vụ này vẫn có dư địa phát triển lớn ở thị trường ngách. Nó cũng phù hợp với mục tiêu phổ cập tài chính số, không ai bị bỏ lại phía sau. Sau thời gian thí điểm, có thể khẳng định mobile-money đã góp phần làm phong phú bức tranh thanh toán điện tử ở Việt Nam, cùng với ví điện tử, Internet banking, QR code và các nền tảng thanh toán khác.
Khoảng trống pháp lý
Tuy đã đạt những thành tựu bước đầu như số người đăng ký, lượng giao dịch ngày càng tăng, song hành trình thí điểm mobile-money không phải không có trắc trở. Quá trình thí điểm mobile-money đã làm bộc lộ hàng loạt bất cập.
Trước hết là sự chồng chéo trong quy định giữa các bộ, ngành liên quan đến thanh toán, ngân hàng, viễn thông. Điều này xuất phát từ bản chất của mobile-money nằm ở lằn ranh giữa dịch vụ tài chính và dịch vụ viễn thông.
Các quy định về khách hàng và phát triển mạng lưới kinh doanh đang trở nên lỗi thời, cản trở sự phát triển. Quy định yêu cầu thuê bao phải kích hoạt và sử dụng trong ba tháng liên tục mới được đăng ký dịch vụ rõ ràng không phù hợp với khách hàng chuyển mạng giữ số hay hòa mạng mới. Bên cạnh đó, hạn mức giao dịch 10 triệu đồng/tháng cho mỗi tài khoản cũng không tương xứng với nhu cầu và thu nhập của người dân. Mobile-money vẫn chưa kết nối, liên thông giữa các nhà mạng cũng như với thẻ trả trước. Quy định xác thực giao dịch còn cứng nhắc, chưa phù hợp với các giao dịch nhỏ, thường xuyên, định kỳ. Tất cả những điều này khiến mobile-money kém tiện lợi và thiếu sức cạnh tranh, trong khi lẽ ra dịch vụ này cần dễ dùng, nhanh gọn, đơn giản hơn để được đón nhận rộng rãi.
Tiếp theo, nhiều người dùng vẫn lo ngại về tính an toàn, bảo mật của tài khoản mobile-money, nhất là khi họ ít hiểu biết về công nghệ và dễ bị lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn hoặc bị lợi dụng kẽ hở xác thực danh tính. Ngoài ra, quy định yêu cầu điểm kinh doanh phải là pháp nhân vẫn chưa phù hợp với mục tiêu mở rộng dịch vụ tại vùng nông thôn, miền núi, biên giới và hải đảo.
Theo Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9-3-2021, thời hạn triển khai thí điểm chỉ là hai năm. Sau đó, Nghị quyết 192/NQ-CP ngày 18-11-2023 của Chính phủ tiếp tục gia hạn thí điểm đến hết ngày 31-12-2024.
Như vậy, thời gian thí điểm đã kết thúc, nhưng khung pháp lý chính thức vẫn chưa được ban hành. Dự thảo quy định mới chỉ dừng ở dạng đề cương. Sự chậm trễ này khiến mobile-money rơi vào trạng thái “lơ lửng”: không thể dừng cũng không thể mở rộng, do lo ngại rủi ro pháp lý.
Sự chậm trễ trong việc xây dựng khung pháp lý chính thức điều chỉnh mobile-money không chỉ phản ánh vấn đề thủ tục hành chính rườm rà mà còn cho thấy cách quản lý có phần bị động, thận trọng quá mức của các cơ quan chức năng đối với những mô hình mới liên quan đến công nghệ và tài chính. Bởi hầu hết đề xuất cải cách thường phải trải qua quá trình tham vấn, lấy ý kiến kéo dài, sau đó là thủ tục kiểm duyệt của nhiều cơ quan dẫn đến chậm tiến độ.
Tình trạng “khoảng trống pháp lý” này không phải là lần đầu xuất hiện. Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã liên tục thảo luận về việc áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) với mong muốn tạo môi trường pháp lý linh hoạt để doanh nghiệp và nhà đầu tư thử nghiệm sản phẩm FinTech mới. Tuy nhiên, đến nay, những quy định cụ thể về sandbox vẫn chưa được ban hành chính thức, khiến cho các mô hình, dịch vụ FinTech vẫn ở dạng thí điểm hoặc hoạt động chui và thiếu định hướng lâu dài.
Việc thiếu một khung pháp lý rõ ràng có thể kìm hãm sự phát triển của mobile-money và FinTech nói chung. Nhà đầu tư và doanh nghiệp vì ngại rủi ro pháp lý nên không dám đổ nguồn lực lớn vào một lĩnh vực thiếu tính ổn định và dễ rủi ro. Trong khi đó, người dân cũng mất niềm tin, không dám sử dụng dịch vụ mới hoặc luôn lo ngại về tính hợp pháp, tính an toàn trong bối cảnh tội phạm mạng, lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi. Tình trạng này, nếu tiếp tục kéo dài, có thể khiến thị trường kém sôi động và cả ngành FinTech khó cất cánh.
Câu chuyện mobile-money ở Việt Nam, từ giai đoạn thí điểm hứa hẹn đến tình cảnh khoảng trống pháp lý hiện tại, là minh chứng cho thấy chỉ có tinh thần chủ động, sớm ban hành chính sách phù hợp mới giúp FinTech đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế. Ngược lại, cách quản lý thận trọng kéo dài sẽ vô tình cản trở bước tiến, khiến chúng ta tụt hậu so với khu vực trong cuộc đua phát triển thanh toán số.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM.