Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mỗi héc ta lúa, nông dân ĐBSCL chỉ có lợi nhuận 7,2 triệu đồng?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2021-2022 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước khoảng 3.266 đồng/kg, tăng 198 đồng/kg so với vụ đông xuân 2020-2021. Tuy nhiên, ý kiến của những người trong cuộc, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2021-2022 ở ĐBSCL tăng cao hơn rất nhiều.

Giá thành sản xuất lúa bình quân vụ đông xuân 2021-2022 ở ĐBSCL chỉ 3.266 đồng/kg?. Ảnh: Trung Chánh

Trong báo cáo "Sơ kết sản xuất cây trồng vụ đông xuân 2021-2022; kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông và vụ mùa 2022 các tỉnh vùng Nam bộ và ĐBSCL", Cục Trồng trọt dẫn con số ước tính giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2021-2022 của Bộ Tài chính cho thấy giá thành sản xuất lúa bình quân ở ĐBSCL tăng 198 đồng/kg so với vụ đông xuân 2020-2021 (giá thành vụ đông xuân 2020-2021 là 3.068 đồng/kg- PV).

Còn nếu so sánh với vụ đông xuân 2019-2020 thì vụ đông xuân 2021-2022 có giá thành sản xuất lúa bình quân chỉ tăng khoảng 157 đồng/kg.

Báo cáo của Cục Trồng trọt dẫn thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương ĐBSCL thì cho thấy vụ đông xuân 2021-2022 giá thành sản xuất các tỉnh ước tăng khoảng 15-20% so với cùng kỳ do giá vật tư đầu vào tăng.

Cục Trồng trọt cũng dẫn số liệu của Bộ Tài chính ước giá bán lúa bình quân của nông dân ĐBSCL là khoảng 5.500 đồng/kg, trong khi năng suất lúa là 7,2 tấn/ha. Theo cách tính này, người nông dân có doanh thu trên mỗi ha lúa trong vụ đông xuân 2021-2022 là khoảng 39,6 triệu đồng.

Trao đổi với KTSG Online về ước tính giá thành sản xuất lúa bình quân vụ đông xuân 2021-2022 ở ĐBSCL, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An- đơn vị có thực hiện liên kết, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân- khẳng định: “Mức giá thành nêu trên là không đúng thực tế”.

Theo bà Liên, so với vụ đông xuân 2019-2020, giá thành sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 này tăng thêm khoảng 10 triệu đồng/ha, tức khoảng 1 triệu đồng/công. “Lúc trước, một bao phân u-rê có giá chỉ 350.000 đồng, một bao phân DAP là 580.000 đồng. Thế nhưng, bây giờ u-rê là 800.000 đồng/bao; DAP 1,2 triệu đồng/bao”, bà Liên dẫn chứng và cho biết thêm, tất cả các khoản chi phí thuê nhân công, phun xịt thuốc, chi phí làm đất... đều tăng cao.

Với mức chi phí sản xuất tăng khoảng 10 triệu đồng/ha, trong khi Cục Trồng trọt công bố bình quân năng suất lúa vụ đông xuân 2021-2022 ở ĐBSCL ước đạt gần 7,2 tấn/ha. Như vậy, mỗi công lúa (1.000 m2) bình quân ở ĐBSCL sẽ cho năng suất 720 kg, trong khi chi phí sản xuất tăng thêm mỗi công như thông tin của doanh nghiệp nêu trên là khoảng 1 triệu đồng. Điều này có nghĩa, giá thành sản xuất lúa tăng thêm trên 1.300 đồng/kg, tức giá thành sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 rơi vào khoảng 4.400-4.500 đồng/kg, chứ không phải khoảng 3.266 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV khẳng định, với mức chi phí phân, thuốc, nhân công tăng "khủng khiếp" như vừa qua, thì việc giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2021-2022 chỉ tăng khoảng 200 đồng/kg so với cùng kỳ là không hợp lý. “Lao động tăng; thuốc bảo vệ thực vật tăng, có loại tăng 100%; giá phân bón tăng, có loại tăng 100%”, ông dẫn chứng và cho rằng giá thành sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 tăng khoảng 70% so với những năm trước.

Theo ông Thành, mọi năm chi phí đầu vào sản xuất lúa rơi vào khoảng 17-18 triệu đồng/ha, tức 1,7-1,8 triệu đồng/công, trong khi chi phí đầu vào, nhân công tăng như vậy (70%), tức mỗi công chi phí sản xuất phải tăng thêm khoảng 1,1 triệu đồng.

Với năng suất lúa vụ đông xuân 2021-2022 là khoảng 720 kg/công, thì chi phí tăng thêm ở vụ đông xuân này là khoảng 1.400-1.500 đồng/kg, tức giá thành sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 rơi vào khoảng 4.500-4.600 đồng/kg.

Như vậy, từ những thông tin từ các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, bao tiêu sản phẩm cho nông dân như của ông Thành, bà Liên thì giá thành sản xuất lúa hiện khoảng 4.500 đồng/kg, tức chi phí đầu tư là khoảng 32,4 triệu đồng/ha. Tính sơ bộ, mỗi ha sản xuất lúa, nông dân chỉ thu được mức lợi nhuận rất khiêm tốn là khoảng 7,2 triệu đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới