Mỗi người cần một cơ hội
Tuyết Ân
![]() |
GS. Trương Nguyện Thành (đứng) đang làm việc với các kỹ thuật viên tại Viện khoa học tính toán TPHCM. Ảnh: Tuyết Ân. |
(TBKTSG) - “Nhiều người hỏi tôi vì sao cống hiến. Nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi nhận công việc ở viện là quyết định mang tính cá nhân, trong tâm thế của một người làm khoa học. Mỗi người đều có thể sống và chia sẻ với người khác khi có cơ hội”. GS.TS. Trương Nguyện Thành trò chuyện về trách nhiệm viện trưởng ở Viện Khoa học tính toán TPHCM.
Là giáo sư cao cấp tại Đại học Utah và điều hành một công ty phần mềm ở Mỹ, trong ba năm qua GS. Trương Nguyện Thành đồng thời đảm nhận chức Viện trưởng Viện Khoa học tính toán TPHCM. Ông cho biết ông không có đủ thời gian để làm nhiều việc nhưng ông muốn “chia sẻ bản thân” với công việc ở viện vì ý nghĩa xã hội của nó.
Hàng năm, GS. Thành về Việt Nam giảng dạy và tìm cơ hội mang các sinh viên trong nước sang Đại học Utah làm đề án nghiên cứu sinh.
Ông kể: “Công việc của tôi ở đâu cũng thế, nếu có cơ hội giúp các bạn trẻ tôi đều không bỏ qua. Nhưng tôi gắn bó với Việt Nam, đơn giản vì đây là nơi tôi được sinh ra. Tôi bùi ngùi khi thấy các bạn trẻ có khả năng nhưng không tìm được cơ hội. Người có khả năng nhiều nhưng cơ hội ít là sự lãng phí cho xã hội”. Ông kể, thời niên thiếu cày ruộng, cùng quẫn, ông chỉ ước có một cơ hội. Ông lờ mờ rằng mình có khả năng nhưng không biết nó đến đâu. May mắn là những người thầy đã trao cho ông cơ hội, “đó là bước ngoặt quyết định số phận cũng như cách hành xử của tôi sau này”, ông tâm sự.
Với tấm bằng nghiên cứu sau tiến sĩ ở Mỹ, ông có nhiều cơ hội làm giàu từ rất sớm từ những lời mời hấp dẫn của các doanh nghiệp nhưng ông đã chọn nghề dạy học, “vì đó là nghề có điều kiện mang lại nhiều cơ hội cho người khác”. Và may mắn là ông có thể sống bằng đồng lương (được trả thỏa đáng) để có thể tận tâm với khoa học.
Vài cơ hội cho vài sinh viên Việt Nam cũng giống như muối bỏ biển. Có một trung tâm nghiên cứu quy tụ nguồn nhân lực cho khoa học tính toán thì cơ hội sẽ lớn hơn rất nhiều. Nó sẽ gián tiếp mang đến những cơ hội mới cho xã hội. Ông nói: “Tầm ảnh hưởng của viện sẽ cao hơn nhiều so với nỗ lực của cá nhân tôi hay của một nhà khoa học nào. Chính vì thế tôi đảm nhận trách nhiệm viện trưởng và xúc tiến thành lập viện từ năm 2008”.
Ông cũng có một công ty riêng. Nói về việc điều hành công ty của chính mình, ông cho biết đó là nơi phát triển các đề án nghiên cứu, xem những sáng kiến của ông khi ra thị trường sẽ có hình hài ra sao. “Mô hình doanh nghiệp là thử thách lớn cho một nhà khoa học nhưng nó có thể khơi dậy trí sáng tạo của bản thân tôi. Còn trách nhiệm viện trưởng là thách thức lớn thứ hai, nó mang ý nghĩa thúc đẩy ngành khoa học tính toán của Việt Nam, nó đòi hỏi tôi tìm cách khơi dậy năng lực sáng tạo ở giới trẻ”.
Chiến lược là thu hút các tài năng trẻ
Hai năm qua, Viện Khoa học tính toán TPHCM phát triển được 40 nhân sự, trong đó có bốn tiến sĩ trẻ từ nước ngoài về. Để được vậy, viện đã phải có những đột phá, đặc biệt là việc tìm các đề án để tăng thu nhập cho mỗi người, giúp họ giảm bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền mà tập trung cho nghiên cứu. Môi trường làm việc cũng phải năng động để thu hút những nghiên cứu sinh trẻ từ nước ngoài trở về.
GS. Thành cho rằng tình hình ở hầu hết các ngành khoa học tại Việt Nam là đang có khoảng trống rất lớn về con người. Nói khác đi, đa số những nhà khoa học nhiều kinh nghiệm đã già trong khi đội ngũ kế thừa chưa đào tạo được. Thực tế này là do một thời gian dài, giới giáo sư phải giảng dạy quá nhiều giờ, thiếu hoạt động hướng dẫn nghiên cứu sinh nghiên cứu đề tài và viết báo cáo khoa học. Sinh viên thì thiếu môi trường thực nghiệm. Đây là hạn chế lớn cho công việc nghiên cứu khoa học.
Ai cũng thấy Việt Nam có tiềm năng phát triển công nghệ cao, nhưng muốn phát triển được phải đi trước về con người, rồi mới đến cách thức và các điều kiện nghiên cứu. Các nhà khoa học Việt kiều có khả năng đóng góp thường đang giữ những trọng trách ở nước ngoài, không có nhiều thời gian. Những nhà khoa học trong nước đã về hưu thì có thể cố vấn nhưng vẫn phải có giới khoa học trẻ tuổi xắn tay áo làm.
Chính vì thế, chiến lược của viện là thu hút các nghiên cứu sinh trẻ, để đến năm 2015, viện phải tự hoạt động được với đội ngũ trong nước. Hiện tại muốn đào tạo bậc tiến sĩ nghiên cứu mất ít nhất năm năm, tiến sĩ nghiên cứu và quản lý mất tám năm. Ông tính toán đến năm 2015, viện có tối thiểu 100 nhân sự cho năm phòng lab, trong đó khoảng 40% là tiến sĩ, mỗi người có hai hoặc ba cử nhân trợ lý.
Nhưng 200 nhân sự vào năm 2015 là con số mà ông đang kỳ vọng. “Lúc đó, viện mới có thể tạo thương hiệu với các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D) quốc tế và sánh được với Singapore, Malaysia hay Thái Lan...”.
Cơ hội từ ngành khoa học mới
Mỗi năm, GS. Thành về Việt Nam bốn lần để giải quyết các công việc hành chính tại viện. Các hoạt động nghiên cứu được điều hành từ xa và giải quyết trực tuyến. Công việc chuyên môn chủ yếu làm việc qua e-mail và hàng tuần họp qua mạng với các nhân viên tại Việt Nam và các nhà khoa học ở Canada, Úc, Ba Lan và Mỹ (những người đang hướng dẫn các đề tài khoa học cho các nghiên cứu sinh của viện). Ông cho biết cách làm này giúp giữ mối quan hệ với giới khoa học nước ngoài và kết nối viện với các trung tâm nghiên cứu quốc tế. “Chúng ta đang cần sự quan tâm và ủng hộ của những nhà khoa học có kinh nghiệm và tiếng tăm trong giới khoa học để phát triển”, ông nói.
Theo GS. Thành, từ năm 2003, hội đồng khoa học Mỹ đã đưa ra nhận định: khoa học tính toán là ngành quan trọng nhất trong kỷ nguyên này. Đó cũng là ngành khoa học hàng đầu của nhiều quốc gia hiện nay. Ngành khoa học tính toán mới thực sự phát triển từ giữa thập niên 1980 sau khi máy tính ra đời với những ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực cũng như các công trình nghiên cứu. Công việc thực nghiệm trên máy tính giúp tính toán chính xác nhằm hạn chế các rủi ro và xác định mức chi phí thấp nhất trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Giáo sư giải thích: “Ví dụ, chúng ta ứng dụng khoa học tính toán để tính lưu lượng nước, thổ nhưỡng, độ ẩm, mạch ngầm... để biết lý do tại sao xảy ra lũ lụt tại miền Trung, có cần xả nước các đập thủy điện hay không. Nếu dùng khoa học tính toán mô phỏng chất lượng nước, dòng chảy của các con sông có thể phục vụ cho nhà quản lý đưa ra những quyết định kiểm soát môi trường kịp thời. Hay để phát triển ngành du lịch biển hay đóng tàu, cần quy hoạch các bãi biển ra sao. Việc thiết kế các con tàu sao cho phù hợp về độ bền, trọng lực, thậm chí mẫu mã nhằm giảm rủi ro và chi phí...”.
Vấn đề của viện là chiến lược nghiên cứu, đầu tư như thế nào, thời điểm nào chọn tham gia vào khu vực nào, ứng dụng nào khả thi... Khi xây dựng được nhân lực và thương hiệu cho viện thì khả năng thu hút gia công từ các công ty R&D quốc tế là bước đi khả thi nhất để nâng dần năng lực của đội ngũ nghiên cứu. Song song đó, viện thực hiện các đề án phù hợp với nhu cầu trong nước. Đây là cách làm thành công của Ấn Độ, Malaysia.
Bên cạnh việc thu hút các tiến sĩ trẻ về nước, viện cũng tính tới chương trình đưa người tham gia các chương trình đào tạo ở nước ngoài. Hiện tại, các nghiên cứu sinh thường đi theo các chương trình tài trợ, nhưng trong tương lai sẽ đi theo chương trình đặt hàng nghiên cứu để có những tiến sĩ chuyên ngành theo nhu cầu trong nước. Hy vọng từ 5-10 năm sau, mô hình này là hướng phát triển khoa học cho Việt Nam.
GS. Thành cho biết: “Công việc lúc nào cũng khó, cái mới lại càng khó và phải xác định làm khoa học là luôn gặp khó khăn ở phía trước. Nhiều lúc mệt mỏi về các thủ tục hành chính ở viện, tôi vò đầu tự trách mình sao phải ôm mớ bòng bong vào người. Nhưng rồi ý nghĩ tạo ra một nơi cho lớp trẻ dấn thân với khoa học đã giúp tôi tiếp tục công việc tại đây”.