(KTSG Online) - Ban quản lý dự án Thăng Long (đơn vị chuẩn bị dự án) đã trình Bộ GTVT và Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú (giai đoạn I) theo phương thức PPP (Hợp đồng BOT) mà khởi đầu bằng việc mời các nhà đầu tư quan tâm đến nghe những điểm mới được Chính phủ áp dụng khi đầu tư vào dự án này, như cơ chế chia sẻ doanh thu.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn I) theo hình thức BOT đã được Bộ GTVT giao cho Ban quản lý dự án (BQLDA)Thăng Long lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre FS) và Bộ GTVT đã gửi cho các bộ, ngành có liên quan lấy ý kiến thẩm định. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành cho dự án và trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư cuối tháng 1-2022. Đến nay, dự án đã đủ điều kiện để phê duyệt chủ trương đầu tư nên BQLDA Thăng Long trình lại Bộ GTVT báo cáo Pre FS để có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án.
Đây là dự án nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển giữa tỉnh Đồng Nai với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, giảm tải cho Quốc lộ 20 đang quá tải.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 60,1 km, điểm đầu tại Km0+00, giao với Quốc lộ 1 tại Km1892+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Điểm cuối tại Km60+100 (qua vị trí giao cắt với Quốc lộ 20 tại Km69+400), thuộc địa phận xã Phú Trung, Tân Phú, Đồng Nai (kết nối dự án cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc). Tổng mức đầu tư cho dự án sơ bộ khoảng 8.365, 6 tỉ đồng. Trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 là 1300 tỉ đồng; vốn nhà đầu tư huy động (vốn BOT) khoảng 7065 tỉ đồng (trong số này vốn vay thương mại chiếm 80% và 20%là vốn chủ sở hữu). Đã có phương án mức giá, phí dịch vụ được áp dụng cho từng thời kỳ đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, đảm bảo 20 năm 3 tháng nhà đầu tư sẽ hoàn vốn và chuyển giao lại dự án cho cơ quan có thẩm quyền.
Đây là dự án đầu tiên dự kiến áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định của Luật PPP trong quá trình kinh doanh, khai thác dự án.
Cụ thể: khi doanh thu thực tế cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng PPP thì nhà đầu tư chia sẻ 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính với Nhà nước; sau khi Kiểm toán Nhà nước thực hiện phần tăng doanh thu.
Cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu: Khi doanh thu thưc tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP; Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế. Tuy nhiên, phần chia sẻ này áp dụng trọng khi đáp ứng các điều kiện sau: (1) Quy hoạch, chính sách thay đổi làm giảm doanh thu , (2) đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP theo quy định nhưng chưa đảm bảo doanh thu tối thiểu là 75%. Kiểm toán nhà nước sẽ kiểm toán phần giảm doanh thu này.
Nguồn vốn dự kiến sử dụng để chi trả phần giảm doanh thu sẽ lấy từ nguồn ngân sách trung ương.
BQLDA Thăng Long dự kiến sẽ đăng tải thông báo mời khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư theo quy định và tiến hành các bước tiếp theo ngay khi Báo cáo Pre FS được Chính phủ phê duyệt, để khởi công trong năm 2022 hoặc năm tiếp theo.