Thứ Sáu, 9/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Môi trường kinh doanh cải thiện, nhưng thách thức nào cho tăng trưởng?

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cả phía cung và cầu trong nền kinh tế đang phát đi những tín hiệu tích cực hơn so với giai đoạn trước, đồng thời báo hiệu tăng trưởng kinh tế sẽ còn khởi sắc hơn nữa trong những quí kế tiếp. Tuy nhiên, những thách thức nào đang ở phía trước?

Các doanh nghiệp thép đầu ngành được các công ty chứng khoán dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận rất cao trong năm nay.

Tín hiệu tích cực từ phía cung lẫn cầu

Chỉ số nhà quản lý thu mua (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam có tháng thứ hai liên tiếp đạt mốc 54,7 điểm, phản ánh các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất trong nước đang phục hồi ấn tượng. Với số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh và là tháng thứ tư tăng liên tiếp, các nhà sản xuất cũng tăng mạnh sản lượng trong tháng 7-2024, đánh dấu mức nhanh thứ hai được ghi nhận, chỉ sau mức của tháng đầu tiên thu thập dữ liệu là tháng 3-2011.

Như vậy, sau khi có 10/12 tháng nằm dưới mốc 50 điểm trong năm 2023, có lúc chạm đáy ở 45,3 điểm vào tháng 5-2023, PMI ngành sản xuất Việt Nam đã có sáu tháng vươn trở lại lên mốc trên 50 điểm trong bảy tháng đầu năm 2024. Diễn biến này giúp tăng thêm sự lạc quan về một giai đoạn tăng trưởng kinh tế tốt hơn đang bắt đầu, góp phần kéo niềm tin kinh doanh lên cao hơn cho giai đoạn kế tiếp.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bảy tháng đầu năm 2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023, đảo chiều so với mức giảm 0,8% của kỳ bảy tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%), đóng góp đến 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong bảy tháng qua.

Việc một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại trong thời gian gần đây, cũng như Cục Dự trữ liên bang Mỹ được dự báo sẽ bắt đầu giảm lãi suất cơ bản đô la Mỹ từ cuộc họp tháng 9 tới, kỳ vọng sẽ thúc đẩy cầu tiêu dùng của các nước này tăng trưởng mạnh mẽ hơn, giúp đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục khởi sắc.

Ở phía cầu, trong bảy tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2023, có thấp hơn mức tăng 10,6% của cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, cầu tiêu dùng cũng đã được bù đắp bởi số lượng đơn hàng xuất khẩu mới đang tăng trở lại. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, giúp Việt Nam tiếp tục xuất siêu 14,08 tỉ đô la Mỹ.

Một điểm đáng chú ý nữa là kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ đầu năm 2024 cũng đã bắt đầu tăng nhanh hơn xuất khẩu, với mức tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 212,9 tỉ đô la Mỹ. Trong năm 2023 hoạt động nhập khẩu chậm lại đã gây lo ngại ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế trong tương lai, nhưng với giá trị nhập khẩu các mặt hàng máy móc thiết bị, nguyên vật liệu tăng cao hơn trong bảy tháng qua, cho thấy các doanh nghiệp đang quay lại chu kỳ mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh trước triển vọng kinh tế khả quan hơn.

Lạm phát cũng có dấu hiệu tăng nhanh hơn so với trước, với chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 vừa qua tăng 0,48% so với tháng trước và bình quân bảy tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ. Nguyên nhân bởi giá các nguyên nhiên liệu đầu vào lên cao, nhưng có lẽ cũng phản ánh sức cầu tiêu dùng trong nền kinh tế đang phục hồi nhanh hơn và gây sức ép lên giá cả.

Như vậy, có thể thấy cả phía cung và cầu trong nền kinh tế đang phát đi những tín hiệu tích cực hơn so với giai đoạn trước, đồng thời báo hiệu tăng trưởng kinh tế sẽ còn khởi sắc hơn nữa trong những quí kế tiếp. Trong cuộc họp Chính phủ ngày 5-8-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng “tháng sau cao hơn tháng trước, quí sau tốt hơn quí trước”.

Thách thức phía trước?

Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7%. Sau khi đạt 5,7% trong quí 1, GDP của Việt Nam đã đạt mức tăng 6,9% trong quí 2 vừa qua. Gần đây Ngân hàng HSBC đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 từ 6% lên 6,5% khi tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu lan rộng. Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam tăng bình quân 6,4% trong giai đoạn 2024-2029, là nước ASEAN duy nhất thuộc nhóm 10 nước tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới.

Mặt bằng lãi suất thấp cùng với tăng trưởng tín dụng tích cực hơn đang góp phần hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn từ đầu năm đến nay. Dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế đạt mức tăng trưởng 6% trong nửa đầu năm nay, cao hơn mức tăng 4,7% của cùng kỳ năm 2023, trong đó có không ít ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng đến hai con số chỉ sau sáu tháng.

Trong khi đó, dù mặt bằng lãi suất tiền gửi đã bắt đầu đi lên trở lại kể từ đầu quí 2 đến nay, nhưng vẫn đang thấp hơn đáng kể so với cùng thời điểm năm ngoái. Tương tự, lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, khi hoạt động tín dụng cũng đang bị cạnh tranh quyết liệt. Mới đây nhất, ngày 5-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) và lãi suất tín phiếu, đều từ mức 4,5% xuống còn 4,25%.

Dù vậy, sẽ vẫn có một số thách thức cho tăng trưởng trong những tháng cuối năm nay. Đầu tiên là hoạt động thương mại có thể đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực hơn trước việc chi phí vận chuyển đường biển tiếp tục leo thang, đặc biệt trước nguy cơ xung đột tại Trung Đông lan rộng hơn, với sự đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran. Chỉ số giá cước container thế giới tổng hợp Drewry đã tăng đến 3,3 lần trong vòng một năm qua. Một số công ty cho biết nhu cầu hàng xuất khẩu đã bị ảnh hưởng bởi chi phí vận chuyển cao.

Không chỉ vậy, với đặc thù là nền kinh tế có độ mở cao, chi phí vận chuyển cao hơn cùng với giá nhiều loại hàng hóa neo cao trên thị trường thế giới cũng có thể gây sức ép nhiều hơn lên lạm phát. Giá cả cao hơn tất yếu sẽ lại kìm hãm sự phục hồi của cầu tiêu dùng, trong khi các doanh nghiệp sẽ phải cân đo đong đếm lại các kế hoạch mở rộng kinh doanh cho giai đoạn kế tiếp.

Việc một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại trong thời gian gần đây, cũng như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ bắt đầu giảm lãi suất cơ bản đô la Mỹ từ cuộc họp tháng 9 tới, kỳ vọng sẽ thúc đẩy cầu tiêu dùng của các nước này tăng trưởng mạnh mẽ hơn, giúp đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục khởi sắc.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý là kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể mang đến những hệ quả khó lường. Trường hợp ông Donald Trump tái đắc cử có thể sẽ dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh thương mại khác, với những quốc gia đang xuất siêu lớn vào Mỹ, như Việt Nam. Khi đó, không chỉ hoạt động thương mại, mà dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng đứng trước những rủi ro bất định.

Cuối cùng, sức ép lạm phát nếu tiếp tục gia tăng cũng sẽ khiến dư địa nới lỏng chính sách bị thu hẹp, hoặc thậm chí có thể phải đảo chiều thắt chặt trở lại cho mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô. Với rủi ro nợ xấu vẫn đang đi lên, chính sách tái cơ cấu nợ được gia hạn đến hết năm nay nhưng nợ tái cơ cấu có thể tiếp tục chuyển thành nợ xấu khi hết thời hạn tái cơ cấu, tăng trưởng tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn, thì nỗi lo lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn là có cơ sở.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới