Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Môi trường sống của ai?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Môi trường sống của ai?

Nguyễn Khắc Giang

(TBKTSG) - Một người từ xa trở về sẽ dễ dàng nhìn thấy sự thay đổi nhanh chóng của Hà Nội. Chỉ sau một vài tháng, các cao ốc nối nhau mọc lên, đường sá được mở rộng, hàng loạt trung tâm thương mại mới mở ra chào đón khách.

Thủ đô là một công trường khổng lồ, nơi các hoạt động xây dựng diễn ra không ngừng nghỉ. Nếu phát triển được đo bằng mức độ mở rộng kinh tế, đó là những dấu hiệu đầy lạc quan.

Mảng xanh và bụi mịn

Ô nhiễm không khí: Đừng như đà điểu chui đầu xuống cát

Môi trường sống của ai?
Người ta sẽ tặc lưỡi cho qua nếu hôm nay tắc đường hơn một tí, ngày mai bụi hơn một tí, nhưng cuộc sống về cơ bản vẫn “cố một tí là được”. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Nhưng nếu chất lượng sống được ưu tiên, mọi thứ không chỉ toàn màu hồng. Bước xuống sân bay Nội Bài, bầu trời xanh nhìn thấy qua cửa sổ máy bay sẽ bị thay thế bởi lớp khói bụi mịt mù bao phủ toàn bộ thủ đô những ngày cuối năm. Phố xá ngày càng đông đúc, và ở nhiều nơi, việc di chuyển vào giờ cao điểm trở nên bất khả. Hà Nội đang dần trở thành một đô thị nơi không gian sống đang chết mòn.

Với những ai quanh năm bon chen tồn tại ở đây, điều này không dễ nhận ra. Như chuyện chú ếch bị đun nóng dần trong thau nước, chúng ta sẽ không để ý đến những thay đổi diễn ra chậm chạp trong khoảng thời gian dài. Người ta sẽ tặc lưỡi cho qua nếu hôm nay tắc đường hơn một tí, ngày mai bụi hơn một tí, nhưng cuộc sống về cơ bản vẫn “cố một tí là được”. Nhưng nếu bạn tách biệt khỏi không gian sống đó một thời gian, bằng một kỳ nghỉ hai tuần ở Đà Nẵng chẳng hạn, sẽ thấy môi trường sống ở thủ đô đi xuống đến mức nào.

Thực trạng ở Hà Nội đã được cảnh báo từ lâu, trước cả khi thành phố được mở rộng vào năm 2008. Nhưng trong cả quãng thời gian dài đó, người ta chỉ bàn về phát triển kinh tế, với kỳ vọng rằng khi cuộc sống khấm khá lên thì vấn đề môi trường sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. Kỳ vọng đó trở thành ảo vọng: sẽ không thể phủ khăn lên vết thương hở và mong đợi nó tự lành.

Cuộc sống vốn dĩ đã không hoàn hảo. Dù công bằng là đòi hỏi hợp lý, chúng ta chỉ có một thế giới để sống, và vẫn phải hành động bất kể thái độ của những người xung quanh.

Câu chuyện về Hà Nội có nét tương đồng với những vấn đề của biến đổi khí hậu ở nước ta. Từ hơn chục năm đổ lại đây, Việt Nam luôn được xếp trong danh sách quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Những cảnh báo nhanh chóng trở thành sự thực: trong thời gian qua nhiều địa phương đã trở thành nạn nhân của những thay đổi thời tiết bất thường, từ đợt hạn hán kỷ lục ở đồng bằng sông Cửu Long cho đến những trận mưa lớn chưa từng có ở miền Bắc.

Cuối tháng 10-2019, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications cho rằng miền Nam - gồm cả đô thị lớn nhất nước là TPHCM - sẽ ngập trong nước biển vào giữa thế kỷ này. Nghiên cứu mới dự báo mức rủi ro tăng gấp 3 lần so với các ước đoán trước về tác động của nước biển dâng. Đã có nhiều tranh cãi xung quanh tính chính xác của nghiên cứu trên, nhưng rõ ràng sự khác biệt chỉ mang tính thời điểm.

Nếu không phải là vào năm 2050, thì tai họa cũng sẽ đến vào năm 2100. Khi đẩy cuộc tranh luận sang những tiểu tiết ngoài lề, chúng ta bỏ qua vấn đề chính: biến đổi khí hậu là có thật, và chúng ta “cần phải làm gì đó” để hạn chế những tác động tiêu cực.

Tất nhiên, phần lớn những thay đổi bất thường đó nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta. Có những vấn đề mà Việt Nam lại là nạn nhân từ chính sách của các quốc gia khác - như việc phát triển thủy điện bừa bãi trên sông Mêkông. Nhưng dù nguyên nhân khởi phát từ đâu, thì chúng ta vẫn phải sẵn sàng thích ứng với hoàn cảnh mới.

Trên văn bản, các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu được đưa ra từ năm 2008. Từ đó đến nay, vấn đề này bắt đầu được chú ý hơn, và được thảo luận rộng rãi ở các cơ quan ra quyết sách khác nhau. Nhưng thảo luận và đề ra một vài chương trình hành động không có nghĩa là ưu tiên về chính sách: biến đổi khí hậu vẫn chỉ là chuyện xa xôi khi đặt lên bàn cân của tăng trưởng kinh tế.

Bất chấp sức ép giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm bụi mịn, nhiệt điện than vẫn chiếm vị trí số 1 về nguồn cấp phát điện. Theo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến năm sau, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than sẽ chiếm 42,7% công suất nguồn toàn hệ thống và chiếm 49,3% sản lượng điện(1).

Sẽ không công bằng nếu dồn hết trách nhiệm thích ứng biến đổi khí hậu cho chính quyền. Như ví dụ về điện than nêu trên, với EVN, những phàn nàn từ các nhà hoạt động môi trường rõ ràng là dễ chịu hơn nhiều so với hàng triệu khách hàng tiêu thụ, vốn sẽ không dễ dàng trả giá điện cao hơn cho những công nghệ phát điện sạch hơn.

Với nhiều người, ứng phó biến đổi khí hậu hay cải thiện môi trường sống là một nhiệm vụ riêng lẻ của Nhà nước, và không mấy liên quan đến cuộc sống của bản thân. Họ muốn có không gian sống trong lành hơn, nhưng lại không muốn từ bỏ những thói quen tiện lợi nhưng không bền vững như sử dụng túi nylon dùng một lần hay lệ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân. Sẽ không thể “thích ứng” được gì với những quan điểm như vậy.

Trồng thêm cây hay gia cố hệ thống đê điều là không đủ để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Giải quyết một vấn đề dài hạn cần những giải pháp dài hạn, bao gồm cả việc thay đổi toàn diện từ ưu tiên chính sách, hoạt động kinh doanh, cho đến lối sống của mỗi người. Môi trường sạch không rẻ: năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời có giá cao hơn nhiều so với nhiệt điện than, cũng như việc đi lại bằng phương tiện công cộng sẽ không thể thuận tiện như ô tô và xe máy.

Vấn đề còn phức tạp hơn khi đóng góp của Việt Nam vào lượng phát thải chung của toàn cầu là không đáng kể. Nếu các nước lớn - cụ thể là Mỹ và Trung Quốc - không có những thay đổi đột phá về cách sử dụng năng lượng, môi trường sống của những quốc gia nhỏ như Việt Nam vẫn sẽ tệ đi bất chấp nỗ lực có lớn đến đâu.

Thực tế, các thỏa ước chống biến đổi khí hậu toàn cầu bị đình trệ bởi Mỹ từ chối nhượng bộ. Với nhiều bên, đây không chỉ là vấn đề về lợi ích kinh tế mà còn là công bằng: tại sao các nước đang phát triển phải gánh chịu chi phí lớn để giảm phát thải khí nhà kính, trong khi các nước phát triển - vốn được hưởng lợi từ thời kỳ bùng nổ nhiên liệu hóa thạch trước đó - lại lẩn tránh trách nhiệm?

Nhưng, cuộc sống vốn dĩ đã không hoàn hảo. Dù công bằng là đòi hỏi hợp lý, chúng ta chỉ có một thế giới để sống, và vẫn phải hành động bất kể thái độ của những người xung quanh. Hơn nữa, phấn đấu vì môi trường toàn cầu nghe giáo điều và to tát, nhưng thực tế nhiều hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu trước tiên sẽ cải thiện cuộc sống của chính cộng đồng gần gũi xung quanh.

Giảm phát thải khí nhà kính - đặc biệt ở trong những ngành công nghiệp nặng hay nhiệt điện than - sẽ trực tiếp giúp không khí trong lành hơn. Trồng nhiều cây xanh không chỉ làm tăng kích thước “lá phổi” tự nhiên, mà còn khiến đô thị trở nên mềm mại và duyên dáng hơn. Sử dụng xe đạp hay đi bộ nhiều sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh hơn. Cải thiện môi trường sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, bởi thế, phục vụ lợi ích của chính mình hơn là cho một ai khác. 

(1) https://www.evn.com.vn/d6/news/Tong-quan-ve-phat-trien-nhiet-dien-than-o-Viet-Nam-6-12-24125.aspx

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới