Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mỗi viên ngọc trai có nhiều chuyện kể

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mỗi viên ngọc trai có một tem truy xuất nguồn gốc, có một lý lịch rõ ràng “ngọc trai nuôi cấy tại Phú Quốc, Việt Nam” và có nhiều câu chuyện để kể và gắn kết cảm xúc với khách hàng. Đó là triết lý của ông Hồ Phi Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV ngọc trai Ngọc Hiền.

Kiểm tra chất lượng ngọc trai ở Công ty Ngọc Hiền. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Địa chỉ tổ 1, ấp Dương Tơ, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là tổng hành dinh của Công ty TNHH MTV Ngọc trai Ngọc Hiền chuyên về nuôi trai lấy ngọc. Nơi này trưng bày và bán các mặt hàng làm từ trai nuôi nhưng du khách đến đây không chỉ để đắm mình vào thế giới ngọc trai, các sản phẩm mỹ nghệ từ trai, ốc, gốm sứ vớt dưới biển… mà còn được thăm các trang trại của Ngọc Hiền, khám phá nghề nuôi trai lấy ngọc.

Khám phá nghề nuôi trai lấy ngọc

Rời trụ sở chính, du khách lên xe đến trang trại của công ty ở Rạch Vẹm, xã Gành Dầu, rộng 5.000 mét vuông mặt đất và 500 héc ta mặt biển. Chỉ cần bước chân xuống những khu nhà nổi trên mặt biển xanh màu ngọc bích, gió thổi mát rượi, du khách sẽ lạc vào một cuộc du ngoạn, khám phá đặc sắc. Du khách đi tàu ra khu vực nuôi để thu hoạch trai.

Ông Hoàng Văn Thanh, người quản lý trang trại, cũng là người đã gắn bó với nghề nuôi cấy ngọc trai của công ty từ năm 1997 đến nay, cho biết, vùng biển Rạch Vẹm nước sạch, ấm, ít gió, thức ăn dồi dào là nơi rất thích hợp để nuôi trai lấy ngọc. Trai tự ăn phù du, sinh vật biển để nuôi lớn mình và làm sạch nước biển nhưng chúng rất dễ bị tổn thương nên một tuần phải rửa các lồng trai một lần để giúp chúng sạch sẽ, dễ kiếm ăn, phòng bệnh, khỏe mạnh, nhanh lớn. Tất cả quy trình nuôi cấy, thu hoạch ngọc trai đều được công ty Vinacontrol kiểm định khắt khe.

Hôm tôi đến cũng là ngày thu hoạch trai Pinctada maxima - loại trai môi vàng cho hạt ngọc to tròn mà Công ty Ngọc Hiền mất 10 năm mới nghiên cứu thành công việc cấy nhân vào nội tạng trai. Người nói kẻ làm nhịp nhàng, chẳng mấy chốc, những lồng trai Pinctada maxima nuôi tròn năm năm đã được kéo lên đầy khoang. Trai mang về nhà nổi, du khách trực tiếp mổ trai để lấy ngọc. Khi du khách chọn được viên ngọc và mẫu mã thiết kế ưng ý, đội ngũ kỹ thuật viên sẽ chế tác thành những món trang sức với nhiều phong cách khác nhau, từ thời trang, sành điệu đến quý phái, sang trọng kết hợp với vàng, bạc, kim cương...

Trang trại nổi trên biển cũng là nơi du khách có thể thỏa thuê tham quan, tắm biển, thưởng thức các món ăn được chế biến từ thịt trai… và cuối cùng là vui vẻ ra về với những món đồ trang sức quý giá cùng những ký ức tươi đẹp với một trong những ngành nghề độc đáo nhất đảo Ngọc. Nguyễn Ngọc Minh, du khách đến từ TPHCM, chia sẻ cảm giác hứng thú và tin cậy của mình khi được trải nghiệm cả quá trình ra đời chiếc vòng ngọc trai mà mình sở hữu.

Bà nói: “Để chứng minh mình sở hữu nông trại nuôi cấy ngọc trai duy nhất ở đảo Phú Quốc, với Công ty Ngọc Hiền, không gì thuyết phục bằng mời du khách vén màn bí mật đại dương bằng cách trải nghiệm từ đầu đến cuối nghề nuôi trai lấy ngọc. Đeo chiếc vòng gắn với rất nhiều trải nghiệm của cả một ngày lênh đênh trên biển Phú Quốc, tôi có nhiều cảm xúc hơn những món trang sức chỉ mua một cách đơn thuần”.

Nâng niu viên ngọc trai Pinctada maxima ở nông trại nuôi cấy hôm nay, lại nhớ về những đồng loại của chúng đang hồi sinh khắp vùng biển Phú Quốc. Trước thực trạng khai thác quá mức làm tổn hại đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài trai ngoài tự nhiên, Công ty Ngọc Hiền cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang - trong các năm 2017-2019 - đã thả bốn đợt trai giống Pinctada maxima với tổng số lượng lên đến 48.993.000 con vào Khu bảo tồn biển Phú Quốc tại hòn Vang.

Đây là những con giống được công ty nhân giống tại trang trại ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trị giá số con giống là từ 24-25 tỉ đồng. Ngọc Hiền là đơn vị duy nhất tại Việt Nam nhân giống thành công trai môi vàng Pinctada maxima để nuôi thương phẩm cấy ngọc.

Rón rén vào chốn thương trường

Năm 1989, học hết cấp 3, Hồ Phi Thủy (sinh năm 1972) rời quê nhà ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào miền đất lạ Phú Quốc tìm việc làm. Ở nơi bốn bề là biển, không vốn liếng, không người thân thích, Thủy đành chọn nghề thợ lặn làm kế sinh nhai.

Năm 1995, Công ty Okawa của Nhật Bản đến Phú Quốc đầu tư cơ sở nuôi trai lấy ngọc, Thủy đăng ký vào làm thợ lặn và nhanh chóng ghi dấu ấn với tài dò bụng biển lành nghề, tác phong hoạt bát, phong cách làm làm việc chuyên nghiệp và lối sống thân thiện, hòa đồng. “Do lặn giỏi, có năng suất cao nên tôi được ông chủ Nhật Bản để ý và giao việc nhiều hơn những công nhân khác. Nhờ đó, tôi có điều kiện học hỏi kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai qua các công việc như lặn biển, thăm dò, kiểm soát vùng nuôi cấy và theo dõi xử lý ngọc trai”, ông Thủy nhớ lại.

Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á ập đến, các ông chủ Nhật Bản không còn đủ khả năng chèo chống Công ty Okawa. Họ tuyên bố phá sản và rao bán công ty với giá 350 triệu đồng. Chưa một lần có ý niệm làm ông chủ, vốn liếng lại chẳng bõ bèn gì, nhưng nếu nhắm mắt nhìn cả đống tài sản: nhà xưởng, lồng nuôi trai, bàn cấy nhân, bàn mổ ngọc… vốn thân thuộc với mình là vậy mà nay bỗng chốc bị hắt hủi, nằm đắp chiếu hoặc tan đàn xẻ nghé, Thủy quặn từng khúc ruột.

Sau cả tuần trời suy nghĩ đến gầy sọp cả người, Thủy tự tin chạy đôn chạy đáo suốt mấy tháng trời, cầu viện khắp người thân, bạn bè, thế chấp tất cả tài sản hữu hình, tín chấp cả tài sản vô hình là lòng tốt, sự xả thân của mình đối với mọi người bấy lâu nay, cuối cùng, ông cũng vay mượn được gần 400 triệu đồng, đủ để trả tiền sang nhượng và giữ lại một ít gọi là có vốn làm ăn.

“Nói thật là nghĩ lại thấy mình cũng liều mạng. Vì số tiền đó quá lớn với tôi khi ấy. Nhiều đêm tôi không ngủ được khi ôm đống đồ nghề và cơ ngơi mới vừa sang nhượng này”, ông Thủy bộc bạch.

Thật may, cảm nhận được lòng quả cảm và nhiệt huyết của Thủy, sáu công nhân cũ của công ty đồng ý ở lại chung lưng đấu cật. Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Hiền rón rén bước vào chốn thương trường. Công ty Ngọc Hiền hiện giờ có hơn 500 công nhân. Cá biệt, có năm thu hoạch được tới 700-800 ki lô gam ngọc trai, còn trung bình mỗi năm, công ty thu hoạch được 100 ki lô gam ngọc trai môi vàng Pinctada maxima (nuôi 3-5 năm), 200-300 ki lô gam ngọc trai Akoya, Tahiti, Mabe, South Sea (nuôi ba năm). 70% sản lượng ngọc trai của Ngọc Hiền xuất khẩu Nhật Bản.

Giá trị của ngọc trai về mặt trang sức được quyết định bởi sự kết hợp giữa độ lóng lánh, màu sắc, kích cỡ, vết tì bề mặt và độ cân đối. Trong các yếu tố trên, độ lóng lánh của viên ngọc là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá chất lượng cho trang sức. Nếu mọi yếu tố như nhau thì viên ngọc càng lớn càng quý. Viên nào to, tròn thì hiếm có và được định giá cao.

Ông chủ Hồ Phi Thủy cho biết từng thu hoạch được viên ngọc trai có đường kính đến 21 mi li mét và bán sang Nhật Bản với giá 1,2 tỉ đồng. “Những viên ngọc đặc biệt như thế xuất hiện cũng rất độc đáo. Có lứa chúng tôi nuôi một triệu con trai mà không được một viên, nhưng có khi chỉ trong 100 con đã được vài ba viên”, ông Thủy nói. Cũng theo ông Thủy, Việt Nam hiện sản xuất ngọc trai đẹp hơn ngọc trai Nhật Bản và Trung Quốc nhờ có vùng biển ấm hơn và ít ô nhiễm hơn.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), nói: “Không chỉ là đơn vị đi đầu trong kỹ thuật nuôi cấy, Ngọc Hiền còn tích cực nâng cao chất lượng, mẫu mã thiết kế nhằm gia tăng sự đa dạng trong lựa chọn cho khách hàng. Công ty đóng góp rất lớn cho Phú Quốc không chỉ về mặt kinh tế mà còn về bảo tồn sự đa dạng sinh học khi thả trai giống, rùa… về biển”.

Theo PGS. TS. Nguyễn Chính, trai môi vàng (Pinctada maxima) là loài có giá trị kinh tế lớn đối với nghề nuôi trai cấy ngọc. Gần đây, một số nước như Úc, Nhật Bản, Trung Quốc đã nghiên cứu thành công việc cấy nhân vào nội tạng trai Pinctada maxima và thu được hạt trai tròn có đường kính 10-15 mi li mét, giá trị gấp nhiều lần so với hạt ngọc được sản xuất từ loài Pinctada martensii.

Ở Việt Nam, trai môi vàng tự nhiên có ở nhiều nơi, nhất là ven các đảo từ Quảng Nam, Ðà Nẵng đến Phú Quốc, nơi có độ sâu từ 15-30 mét. Trong đó, các vùng biển thuộc huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), phía Tây và Nam đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là những nơi có nguồn trai mẹ lớn nhất. Hiện nay, ngư dân thường khai thác vỏ trai để cung cấp cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, dẫn đến nguồn trai có kích thước lớn, có khả năng sinh sản ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, việc bảo vệ nguồn lợi là vấn đề hết sức cấp bách. Một trong những biện pháp thiết thực là sản xuất giống nhân tạo nhằm góp phần tái tạo nguồn lợi, đồng thời có nguồn trai kích thước lớn phục vụ nuôi cấy ngọc trai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới