(KTSG) - “Xây dựng loại trái phiếu do các ngân hàng kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh phát hành và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bảo lãnh thanh toán. Xây dựng trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành và do tổ chức tài chính nhà nước phát hành và được Bộ Tài chính bảo lãnh thanh toán” - đây là hai điểm chính của Đề xuất các giải pháp tăng cường huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế với lãi suất huy động giảm mạnh được Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) gửi Thủ tướng Chính phủ.
Đề xuất của VAFI nhấn mạnh “NHNN cần quy định tỷ lệ, khối lượng trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư cá nhân. Đưa ra các quy định để đảm bảo rằng trong mọi tình huống thì các ngân hàng thương mại có đủ khả năng thanh toán lãi và vốn gốc mua trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân”.
Chủ thể phát hành và thời điểm chưa thích hợp
Trước hết cần phải thấy rằng đề xuất của VAFI đã chuyển chủ thể phát hành trái phiếu từ doanh nghiệp sang ngân hàng thương mại trong bối cảnh các ngân hàng không hẳn có nhu cầu phát hành trái phiếu huy động vốn.
Vừa qua hàng loạt ngân hàng giảm nhanh lãi suất tiết kiệm một phần để thực hiện chỉ đạo giảm lãi suất của NHNN, mặt khác bản thân họ cũng không cho vay được, nên không nhất thiết phải huy động vốn với lãi suất cao. Tăng trưởng tín dụng của hầu hết các ngân hàng nửa đầu năm nay đều thấp hơn so với cùng kỳ do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu.
Những doanh nghiệp muốn vay và chấp nhận vay vốn lãi suất cao chỉ toàn lĩnh vực bất động sản, trong khi doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, thương mại, xây dựng… đều đang thiếu đơn hàng, sức mua nội địa giảm sút, thu hẹp đầu tư. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 4,73% tính đến 30-6-2023 là mức thấp của nhiều năm trở lại đây.
Việc bảo lãnh, nếu diễn ra, chẳng khác nào lấy tiền của ngân sách đưa cho doanh nghiệp kinh doanh, vô cùng rủi ro. Điều này về bản chất là Nhà nước đứng ra “chống lưng” cho hoạt động của doanh nghiệp. Tiền thuế của dân nộp ngân sách không thể sử dụng dễ dãi như vậy.
Các ngân hàng cần doanh nghiệp có khả năng trả nợ để cho vay, chứ không cần mở rộng vốn đầu vào khi mà thanh khoản đang rất dư thừa.
Sự dư thừa thanh khoản có khả năng kéo dài đến hết năm do NHNN cam kết đảm bảo thanh khoản cho thị trường nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức rất thấp, có thời điểm chỉ 0,5%/năm.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng đã trở về mức trong và trước đại dịch Covid-19. Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam hiện xoay quanh 2,5-2,7%/năm, thấp hơn nhiều lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cùng kỳ hạn đang là 3,8-3,9%/năm.
Nền kinh tế Việt Nam hiện tại hoàn toàn không thiếu vốn. Giải ngân đầu tư công tuy đã cải thiện hơn so với năm ngoái nhưng tiếp tục chậm. Tình trạng có tiền không tiêu được tiếp diễn. Một triệu tỉ đồng đầu tư công bị “nhốt” trong kho không tiêu được là một dẫn chứng sinh động. Rõ ràng đề xuất phát hành trái phiếu “đặc biệt” của VAFI đã không tính đến thời điểm thích hợp.
Nhà nước “chống lưng” ?
VAFI kiến nghị đưa ra quy định để NHNN bảo lãnh thanh toán đối với trái phiếu do ngân hàng thương mại phát hành và Bộ Tài chính bảo lãnh trái phiếu do địa phương, tổ chức tài chính nhà nước phát hành. Nhà nước bảo lãnh việc huy động vốn của các ngân hàng và tổ chức tài chính là chưa có tiền lệ từ trước đến nay.
Việc bảo lãnh, nếu diễn ra, chẳng khác nào lấy tiền của ngân sách đưa cho doanh nghiệp kinh doanh, vô cùng rủi ro. Điều này về bản chất là Nhà nước đứng ra “chống lưng” cho hoạt động của doanh nghiệp. Tiền thuế của dân nộp ngân sách không thể sử dụng dễ dãi như vậy.
Ở một khía cạnh khác, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sáu tháng đầu năm nay thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra và nền kinh tế đang ở trong nghịch lý “có tiền không tiêu được”. Cũng trong “nghịch lý” ấy, một sự thanh lọc khách quan và chủ quan đang bắt đầu để nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn, lấy đà cho tăng trưởng bền vững những năm sau.
Vốn sẽ không chảy vào những doanh nghiệp yếu kém, những lĩnh vực đã “nuốt” tiền quá nhiều như bất động sản, mà dịch chuyển sang sản xuất, thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng. Sự thanh lọc cần thời gian và kiên trì. Hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể/ngừng hoạt động, nhưng cũng có hàng chục ngàn doanh nghiệp thành lập mới.
Sự “thay máu” doanh nghiệp là cần thiết để việc hấp thụ vốn được nâng cấp, để tiền “chảy” vào đúng chỗ. Chúng ta đang thừa tiền mà đề xuất giải pháp đưa tiền ra thêm thông qua phát hành trái phiếu thì có thể gây hiệu ứng ngược. Thay vì kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, tiền có thể bằng nhiều cách khác nhau “luồn lách” vào bất động sản và cuộc khủng hoảng bất động sản tập hai sẽ đến.
Cho phép ngân hàng, tổ chức tài chính nhà nước phát hành trái phiếu với lãi suất huy động giảm mạnh như tiêu đề của đề xuất của VAFI, theo ý kiến của chính các ngân hàng, là không thực tế. Thường trái phiếu có kỳ hạn dài, lãi suất trái phiếu phải cao mới thu hút được người mua.
Nếu trái phiếu kỳ hạn dài mà lãi suất thấp, thì dù có bảo lãnh của Nhà nước, người ta cũng không mua. Người ta gửi tiết kiệm cho đơn giản, ăn chắc mặc bền. Chưa nói gửi tiết kiệm có thể rút ra bất cứ lúc nào nếu cần (hưởng lãi suất không kỳ hạn), còn nắm giữ trái phiếu phải tìm được người mua mới chuyển hóa được thành tiền khi cần.
Các đề xuất chỉ có thể có tác dụng một khi chứa đựng trong nó tính thời sự nóng hổi của cuộc sống!
Xét theo tình hình hiện tại thì tôi e là lập luận trên của tác giả có màu sắc chủ quan và nghiêng theo chủ kiến cá nhân. Xin hãy nhìn vào thực tê và hướng đến tương lai : Thực tế là tình hình kinh tế đang bị ảm đạm do các tác nhân bên ngoài và cả do các chính sách giật cục gây nên. Các doanh nghiệp hiện tại có cung cấp cho họ vốn thật nhiều bây giờ thì sản xuất vẫn thiếu đơn hàng, xuất nhập khẩu giảm lớn… , cái cần thiết là kích cầu trong nước về mảng tiêu dùng và đầu tư công. Một khi nhà nước đồng ý bảo lãnh cho trái phiếu ngân hàng cũng đồng nghĩa sẽ có thêm thể chế quy định cho việc cung cấp vốn cho doanh nghiệp còn cơ hội để phát triển, sắp xếp và thu gọn các doanh nghiệp không hiệu quả, gian trá huy động vốn vừa qua. Nếu không như thế thì không có ngân hàng nào chịu huy động thêm vốn để bội thực mà chết lâm sàn?! Nếu xét nét quá an toàn lúc này thì liệu kinh tế sẽ ra sao? Như câu chuyện một người đứng trước hố sâu cần vượt qua đê cứu mạng sống nếu tính toán an toàn 100% thì liệu có dám đu dây qua miệng hố và sau cùng là không thực hiện để chịu chết sao?