(KTSG) - Những năm qua, Thụy Điển nói riêng và các quốc gia Scandinavia nói chung nổi tiếng không chỉ về số lượng lớn chủ nhân của giải Nobel văn chương mà còn tạo dấu ấn với các tác phẩm mang tính “chữa lành” thông qua nụ cười.
- Nobel Văn chương 2011 cho nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtromer
- Nobel Kinh tế 2023 tôn vinh nghiên cứu về bất bình đẳng thu nhập nam nữ
Ông Jonas Jonasson - sinh năm 1961 tại Thụy Điển - là một nhà văn, nhà báo và là tác giả “triệu bản” có tiếng với cách tạo ra những cốt truyện hài hước đến không tưởng và thông qua những nụ cười không thể cưỡng được đó, ta còn nghe ra rất nhiều vấn đề của xã hội này được phản ánh một cách đặc biệt.
Khóc cười theo từng trang sách
Bà tóc tím, Nhà tiên tri và Gã ngốc chống lại tận thế - cuốn sách mới nhất của Jonasson - vẫn là tác phẩm có mô típ trên. Tiểu thuyết bắt đầu với Johan - một chàng trai trẻ với “thiên phú lệch” khi có tài năng nấu nướng vượt trội nhưng trí thông minh lại bị giới hạn. Sau khi mẹ mất, cha bỏ đi, Johan bị người anh trai ôm mộng làm nhà ngoại giao ở Ý lừa bán hết tài sản để Johan “sống chết mặc bây” với mỗi chiếc RV còn lại.
Bằng sự tình cờ vào một ngày nọ, Johan đã gặp được Petra - một nhà khoa học “dở dở ương ương”, người có ý định kết thúc đời mình sau khi tìm ra thời điểm của ngày tận thế qua 64 bước tính toán phức tạp tự tạo. Khi gặp được nhau, hai kẻ tuyệt vọng bỗng chốc trải lòng, dần tin tưởng nhau, từ đó lên đường “trả thù” cho những tổn thương mà họ phải chịu. Nhưng sự hồn nhiên của cả hai cũng khiến cuộc hành trình đó vui nhộn và cũng lắm hệ lụy. Họ đã gặp được bà Angus “tóc tím” hiện đại giữa một thị trấn vô cùng ảm đạm…
Jonasson đã rất thành công trong việc tạo ra những nhân vật đặc sắc trong tác phẩm này, những con người trong tác phẩm nói riêng và trong sáng tạo của Jonasson nói chung cũng bình thường như bất kỳ ai, nhưng chính tính gàn và sự hồn nhiên đã tạo nên những tình huống dở khóc dở cười, từ đó mang đến tiếng cười cho các độc giả. Chẳng hạn với bà Angus, bằng khả năng photoshop “thần sầu” đã tự biến hình từ một người đàn bà ở tuổi 60 trở thành một phụ nữ trẻ và là thần tượng của nhiều cô gái bởi những món hàng xa xỉ và các chuyến trải nghiệm tự thân bà viết đăng. Không dừng ở đó, các nhân vật này thường xuyên tương tác, và chính những tính cách đặc biệt đã tạo ra những tình huống không thể đoán trước trên cuộc hành trình, cuốn hút độc giả bước vào câu chuyện.
Đồng cảm, an ủi
Ngoài tính hài hước, Jonas Jonasson cho thấy sự thấu hiểu và đồng cảm của ông khi xây dựng các nhân vật này rất gần với những độc giả thời hiện đại. Họ là những người vì nhiều lý do mà không thể sống được là chính mình. Họ bị giam hãm trong các “bức tường” của nỗi âu lo rồi gánh trên mình rất nhiều áp lực... Vì lý do này mà có thể nói việc theo dõi hành trình của ba nhân vật để đòi lại công lý không chỉ hấp dẫn bởi sự hài hước, mà đó còn là một sự ủng hộ ngấm ngầm dành cho ai đã “dám” đứng lên sống thật một lần.
Chẳng hạn, trải nghiệm bị bắt nạt ở trường bởi những bạn gái xấu tính hay tính nhút nhát không dám thổ lộ tình cảm ngay từ rất nhỏ của Petra cũng chính là thứ mà rất nhiều người đã từng trải qua. Nó có thể bám suốt và rồi trở thành một nỗi ám ảnh, nhưng qua hành trình của cuốn sách này, độc giả cũng biết có thể có cái kết khác nếu ta dũng cảm đứng lên và thể hiện mình…
Bà Angus cũng vậy. Là người thuộc thế hệ cũ, sự trẻ trung và nguồn năng lượng của bà đã bị chôn vùi bởi cuộc hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” với một ông chủ đóng tàu keo kiệt. Những tưởng không thể làm gì để cải thiện nó, thì việc “hồi xuân” trên Internet đã phần nào hoàn thành ước mơ đời bà là được bay nhảy (dù đó chỉ là những giá trị ảo)... Chính điểm chung mang tính phổ quát này đã khiến các nhân vật dù phần lớn là hư cấu, dù ở cách xa phần đông độc giả về mặt địa lý, văn hóa cũng như độ tuổi... nhưng vẫn sống động và đầy an ủi. Họ không chỉ tồn tại trong trang sách, không chỉ đến từ trí tưởng tượng của nhà văn mà có thể nói mỗi một độc giả đều chính là họ - một Petra tổn thương, một Angus phí hoài và một Johan hồn nhiên. Do đó trải nghiệm những trang sách này cũng chính là cách để ta đứng lên và dũng cảm sống - một kiểu “trả thù” dẫu cho hiện thực tàn nhẫn đến đâu...
Nhưng dễ thấy sự trả thù của Jonasson không mang dáng dấp bạo lực và sự cực đoan, mà thay vào đó mang theo tâm niệm “nếu bạn gieo gió thì sẽ gặt bão”. Nếu ả bạn gái từng bắt nạt cô và cướp đi mối tình đầu được Petra cho biết vị trí thật sự của ả trong lòng chàng trai cả hai cùng thích, thì anh trai của Johan cũng được đưa về đúng vị trí của bản thân mình khi “vàng thật không sợ lửa”, và bởi hắn không là vàng nên qua những thử thách cuộc sống, cuối cùng cũng bị tước hết đi những phông bạt, trở về với con người thật... Đến sau rốt, hành trình của các nhân vật không phải chỉ để hủy hoại một người nào đó mà là sắp xếp lại một trật tự đã bị đảo lộn như Paulo Coelho từng nói: “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó”. Chỉ cần bạn là mình thôi.
Trí tưởng tượng độc đáo
Không chỉ có những nhân vật cuốn hút và là “phiên bản mạnh mẽ” của bất cứ ai, mà tác phẩm này nói riêng và đa phần các tác phẩm trước của Jonasson đều làm bật lên khả năng tưởng tượng của chính tác giả. Theo đó, trên đường giải quyết câu chuyện của mình, các nhân vật cũng vướng vào những vấn đề ở tầm vĩ mô không thể đoán trước. Chính sự đối lập giữa những con người nhỏ bé, có phần bất toàn và sự lớn lao của thứ mà họ gặp phải luôn là điểm thu hút nhất trong các tác phẩm. Chẳng hạn ở cuốn sách này, cả ba nhân vật bằng những sự việc liên kết với nhau bỗng dưng thấy mình trở thành khách mời ở đảo quốc Condors hư cấu nằm ở châu Phi, nơi bất bình đẳng lên ngôi và tham nhũng ngự trị. Mang theo trong mình ý tưởng công bằng, họ phải làm gì để thay đổi nó?
Nửa sau cuốn sách, Jonasson đã đưa độc giả vào chuyến phiêu lưu mà những dối trá và các khúc cua liên tục được tạo ra. Với nhiều “âm mưu” trong các lĩnh vực từ chính trị cho đến kinh tế... tác giả đã dựng nên một kịch bản hài hước, thú vị bất khả đoán trước. Không ai ngờ rằng ba người Thụy Điển có thể sang Đức, Thụy Sỹ và Ý với những mục tiêu cá nhân để rồi lưu lạc sang tận châu Phi, cuối cùng lại nhìn thấy mình ở nơi đất Mỹ với giấc mơ Mỹ và được gặp gỡ cả Tổng thống Mỹ Obama hay Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon... Đây tuy đa phần là một câu chuyện nặng tính hư cấu, nhưng có thể nói qua khả năng kể chuyện tài tình, mạch truyện cuốn hút cứ thế tiếp diễn mà độc giả đã được đắm mình trong dòng chảy câu chuyện.
Có thể nói qua Bà tóc tím, Nhà tiên tri và Gã ngốc chống lại tận thế, Jonas Jonasson đã đưa độc giả vào cuộc hành trình hấp dẫn, thú vị bằng sự hài hước và trí tưởng tượng gần như vô song. Ông cũng ca ngợi sức mạnh nội tại và sự đồng cảm giữa người với người, để trên nền đó cũng đã phần nào chuyển giao quyền lực cho những cá nhân chịu nhiều tổn thương dù là thoáng chốc và an ủi họ trước một thế giới còn nhiều bất toàn.