(KTSG Online) - Nhận định nhiều thách thức, một số doanh nghiệp đã sớm chủ động xoay xở tìm hướng đi riêng và "lội ngược dòng" trong bối cảnh biến động kinh tế. Năm 2023 đã chứng kiến hơn 172.000 doanh nghiệp Việt Nam phải rời thương trường, nhưng ở góc nhìn lạc quan hơn thì cũng có nhiều doanh nghiệp có chiến lược sinh tồn tốt trong tình cảnh ngặt nghèo.
- Xuất khẩu rau quả 'vào đà' tăng trưởng mạnh sau kỷ lục của 2023
- Không đủ sức cầm cự, nhà kinh doanh từ bỏ mùa cao điểm bán hàng
Bên cạnh linh động thích ứng với thời cuộc thì chiến lược dài hạn và phát triển bền vững... được xem là điểm chung để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, thậm chí là tăng trưởng. Chia sẻ với KTSG Online trước thềm năm mới Giáp Thìn, nhiều doanh nghiệp cho rằng tư duy và hành động đổi mới là yếu tố giúp họ "vượt sóng" thành công
May mặc Dony chớp cơ hội tăng trưởng nhờ cộng sinh
Trong lúc hầu hết doanh nghiệp ngành dệt may đều bị sụt giảm mạnh và nhiều doanh nghiệp sa thải lao động vì thiếu đơn hàng sản xuất thì năm 2023 Công ty May mặc Dony lại tăng trưởng 21% so với năm 2022.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc điều hành Công ty May mặc Dony cho biết, kết quả tăng trưởng trên là một sự "cải tổ" bộ máy, tuyển chọn lao động và sự kiên trì bền bỉ không chỉ riêng Dony mà cả nhà cung cấp.
Sụt giảm đơn hàng sau dịch vào năm 2022, buộc chúng tôi phải cắt giảm chi phí. Từ việc nhân sự khối văn phòng làm việc từ xa do Covid nhưng hiệu suất công việc không bị ảnh hưởng, tôi nhận ra bộ máy hành chính công ty lâu nay quá cồng kềnh. Do đó, tinh gọn bộ phận này là bước đầu tiên Dony thực hiện. Việc giảm khoảng 30% nhân sự đã giúp Dony giảm chi phí đáng kể.
Ở khâu sản xuất, chúng tôi tập trung tuyển lao động "tinh nhuệ". Theo đó, những công nhân có tay nghề giỏi, năng suất cao, chăm chỉ được ưu tiên. Các công nhân còn lại buộc phải thay đổi cách làm nếu muốn tiếp tục đồng hành với Dony. Cách dùng người này mang lại năng suất cao cho Dony và người lao động cũng tăng được thu nhập hơn trước.
Điều quan trọng là cách Dony kiên trì mục tiêu để có được đơn hàng sản xuất. Khi chuỗi cung ứng thế giới bị đứt gãy sau dịch bệnh, các nhà mua hàng, nhãn hàng thời trang thế giới muốn tìm nhà cung cấp ngoài Trung Quốc. Chúng tôi xem đây là cơ hội "thập kỷ" để có những nhà mua hàng này.
Năm 2022, nhà mua hàng lớn của Mỹ mà trước đây Dony bỏ lỡ đã quay lại. Ngay lập tức, Dony phải chớp cơ hội để có nhà mua hàng này. Để tiếp cận thành công, chúng tôi xoay xở đủ cách để cắt giảm mọi chi phí. Thậm chí đưa ra giá vốn, nhưng 2 lần chúng tôi đều bị khách hàng "chê" vì giá cao hơn họ đang thực hiện ở Trung Quốc.
Nhận thấy nếu chỉ một mình Dony cải thiện cắt giảm chi phí là không thể, tôi đã chủ động tìm đến các nhà cung cấp, thuyết phục họ cùng "cải tổ" để giảm chi phí nguyên phụ liệu nhằm có giá thành cạnh tranh để có khách hàng này. Mất nhiều thời gian và thay đổi đối tác, cuối cùng có 7 nhà cung cấp và người lao động công ty tham gia.
Nhờ nguyên phụ liệu sản xuất giảm cùng người lao động chấp nhận giảm 10% tiền công, sản phẩm chúng tôi không những có giá thấp hơn "đổi thủ" Trung Quốc mà còn lợi nhuận khoảng 7%. Từ nửa cuối năm 2022, nhà mua hàng Mỹ đã đưa Dony vào nhà cung cấp chính thức.
Điều đáng chú ý, trong năm 2023, dù thị trường sản phẩm thời trang bị sụt giảm, nhà mua hàng này vẫn ưu tiên đơn hàng sản xuất cho Dony với danh mục sản phẩm ngày càng đa dạng.
Với "công thức" cùng liên kết phát triển, Dony có được nguồn cung ổn định, giá cạnh tranh để có thể "đấu" với hàng hóa giá rẻ từ "công xưởng" thế giới. Nhờ đó mà danh sách khách hàng của công ty ngày càng dài ra. Ngoài 6 khách hàng ở Mỹ, Dony còn cung cấp hàng hóa cho thị trường Trung Đông, Nga, Malaysia, Campuchia… và cạnh tranh hàng Trung Quốc ở thị trường trong nước.
Với chiến lược cùng "bắt tay" hợp tác và sự quyết tâm cao thực hiện, tôi tin rằng doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững và ổn định.
Phúc Sinh siêng "đi chợ" quốc tế để tìm khách hàng
Đối với Tập đoàn Phúc Sinh đạt doanh thu tăng trưởng 2 con số trong năm 2023 là một nỗ lực không ngừng nghỉ để có thể đưa sản phẩm đến 102 thị trường trên thế giới. Hiện tập đoàn đã có đơn hàng để cung cấp đến tháng 6-2024.
Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, ông Phan Minh Thông cho rằng, từ đầu năm 2023, nhiều người nghĩ rằng mọi việc sẽ trở lại trạng thái bình thường sau dịch Covid, nhưng chúng tôi thận trọng với việc tiếp cận thông tin này và chắc lọc chúng để đánh giá đúng tình hình thị trường.
Thực tế trải qua hơn 20 năm điều hành doanh nghiệp nhưng năm 2023 là một năm vô cùng thách thức và khó khăn. Bởi lẽ khi nền kinh tế mở trở lại sau dịch thì lạm phát toàn cầu và bất ổn với xung đột chiến tranh liên tục, doanh nhân chịu rất nhiều áp lực, Phúc Sinh cũng không tránh khỏi.
Khó khăn của đối tác nhập khẩu, khách hàng không của riêng một đơn vị hay ở một quốc gia mà diễn ra trên toàn cầu. Do đó, chúng tôi cần phải hành động để có thể vượt qua. Siêng “đi chợ” quốc tế là một trong những hướng đi để tăng khách hàng và mở rộng thì trường. Không chỉ tôi phải đi liên tục mà nhân viên trong công ty cũng chia nhau đi hội chợ, gặp gỡ đối tác ở mọi nơi.
Mỗi lần đi tham dự hội chợ, gặp gỡ khách hàng, tôi thuyết phục đối tác mua một ít các sản phẩm chế biến của Phúc Sinh bên cạnh những tấn hồ tiêu hay cà phê thô, trà, quế... Và cứ thế, sản phẩm chế biến của Phúc Sinh dần dần được khách hàng chọn lựa. Những chuyến đi nối tiếp nhau đã mang lại nhiều hợp đồng, khách hàng mới từ nhiều vùng đất xa xôi.
Bản thân tôi và nhân viên công ty luôn chủ động kết nối, giới thiệu sản phẩm và phải liên tục kiểm soát về chất lượng và phải xây dựng nhà máy chế biến. Nhờ vậy, các thị trường mới đã chiếm 15% trong tổng hơn 300 triệu đô la Mỹ doanh số xuất khẩu của Phúc Sinh.
Phải chịu khó đi và cứ đi để nhìn thấy các điều khác lạ trên toàn thế giới, từ đó sẽ thay đổi và khắc phục những cái đã cũ tìm ra hướng đi mới cho mình.
Điều quan trọng nữa là cần sự sáng tạo cũng như bản lĩnh của doanh nghiệp. Bởi lẽ nếu tiếp cận khách hàng mà không có sản phẩm chất lượng tốt, độc đáo thì khó thuyết phục họ dùng sản phẩm mình.
Năm 2023, chúng tôi đã đa dạng hóa rất nhiều các mặt hàng, đồng thời tìm cách đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, đầu tư vào chế biến sâu hơn nữa và đã kịp hoàn thành hai nhà máy, ra mắt rất nhiều sản phẩm, tìm được các thị trường mới để kinh doanh.
Nhờ vậy, trong lúc khó khăn bủa vây chung nền kinh tế toàn cầu, Phúc Sinh vẫn đưa sản phẩm đến 102 thị trường trên thế giới với mức tăng trưởng 2 con số. Chúng tôi đã tái cơ cấu lại công ty và có rất nhiều quỹ trên thế giới muốn là đối tác của Phúc Sinh và gần như chúng tôi đã đạt thỏa thuận với họ.
Bước sang năm 2024 còn nhiều khó khăn, chúng tôi phải linh hoạt mỗi ngày trước thế giới đang biến động. Điều phấn khởi là hiện Phúc Sinh đã có đơn hàng để cung cấp đến tháng 6 tới. Chúng tôi chỉ lo rằng không có sản phẩm để bán vì nhu cầu khách hàng tăng rất cao.
Công ty chế biến sâu làm ra sản phẩm khác biệt sẽ bán giá cao hơn. Hiện tại, Phúc Sinh Group đã có 6 nhà máy nông sản tại Bình Dương, Đắk Lắk và Sơn La. Phúc Sinh cũng tuyển dụng hàng trăm công nhân để phục vụ việc sản xuất xuất khẩu trong năm nay.
Ford ngược dòng nhờ hiểu thị trường ô tô Việt Nam
Năm 2023 toàn thị ô tô sụt giảm 25,4% so với năm 2022, nhưng Ford ngược dòng và ghi kỷ lục bán hàng khi có hơn 38.300 xe bán ra, tăng 33% so năm 2022.
Ông Ruchik Shah, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam nhận định, thị trường rất khó khăn ngay từ đầu năm. Chúng tôi với thương hiệu ô tô Mỹ duy nhất có nhà máy ở Việt Nam, đã nhanh chóng tung hàng loạt các hoạt động khuyến mại, kích cầu cũng như nâng cấp dịch vụ để thu hút khách hàng.
Để đạt được kỷ lục bán hàng và dẫn đầu phân khúc của 3 trên 5 dòng sản phẩm thì yếu tố quan trọng là các dòng xe ra mắt phải có công nghệ tối ưu, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và đường sá Việt Nam.
Chúng tôi cũng không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng với kế hoạch toàn cầu Ford+ để việc sở hữu và sử dụng xe Ford ngày càng dễ dàng, tiện lợi và gắn bó hơn. Hàng loạt các ứng dụng mới như FordPass, đặt dịch vụ trực tuyến hay các trải nghiệm tại đại lý Ford Guest Experience đã và đang được triển khai trên toàn bộ hệ thống.
Cùng với ưu tiên hàng đầu về nâng cao chất lượng, chúng tôi liên tục nâng cấp hệ thống đại lý để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Một loạt các sáng kiến dịch vụ mới cũng được tích cực triển khai trong những năm qua như Đặt dịch vụ qua mạng, Nhận và giao xe tận nơi, FordPass…
Nhờ đó, năm 2023, Ford tiếp tục dẫn đầu thị trường ở phân khúc xe bán tải với Ranger chiếm 76% thị phần, dẫn đầu phân khúc SUV hạng trung Everest với 65% thị phần và phân khúc xe thương mại hạng nhẹ Transit với 62% thị phần...
Nhận định tình hình kinh tế 2024 còn nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng. Để đạt điều này, ngoài việc phát huy những thế mạnh đã đạt được trong 28 năm qua, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu đưa ra những sản phẩm công nghệ hiện đại, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng và đường sá Việt Nam.
Nhà máy Ford Việt Nam gần đây đã hoàn tất khoản đầu tư thêm 82 triệu đô la tại nhà máy ở Hải Dương, nâng gấp đôi người lao động lên 1.200 người, công suất hơn 40.000 xe/năm từ 14.000 xe/năm.
Với khoản đầu tư hơn 200 triệu đô la cho nhà máy hiện đại ở Hải Dương, chúng tôi cam kết tiếp tục đầu tư lâu dài của Ford tập trung vào phát triển con người, sản phẩm, hệ thống đại lý, các trải nghiệm khách hàng và hỗ trợ cộng đồng tại Việt Nam.
"Xanh hóa" giúp chuối Tiến Vua rộng cửa xuất khẩu
Hợp tác xã (HTX) chuối Laba Banana Đạ K’Nàng nhờ sớm có hướng đi phát triển bền vững đã giúp xuất khẩu chuối Tiến Vua tăng hơn 40% và đang rộng đường vươn xa. Bà Võ Thị Thu, Phó chủ nhiệm HTX chuối Laba Banana Đạ K’Nàng chia sẻ: Sản phẩm chuối xuất khẩu tăng cao ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia... là do HTX đã sớm đi theo hướng phát triển bền vững, trồng chuối hữu cơ theo chuẩn Nhật Bản.
Chuối Laba ở Đạ KNàng phải trải qua một quá trình chọn lọc, đáp ứng hình thức đẹp và chất lượng tốt với một quy trình hết sức khắt khe từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và xuất khẩu dưới sự giám sát chặt chẽ của phía đối tác Nhật Bản hơn 6 năm trước.
Nhờ đạt chuẩn về yêu cầu kỹ thuật mà ở thị trường Nhật Bản giờ đã có ba nhà nhập khẩu và HTX còn xuất khẩu sang Hàn Quốc và Malaysia... Một số nhà nhập khẩu cho thị trường Mỹ cũng liên hệ cung ứng chuối.
Hiện sản phẩm chuối trồng của HTX trên diện tích 700 héc ta ở tỉnh Lâm Đồng không đủ cung ứng thị trường. Chúng tôi đang tiếp tục đang hợp tác với các chủ đất lớn ở địa phương để tăng diện tích trồng lên 1.000 ha vào năm 2025.