Thứ sáu, 17/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Một năm “đi”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một năm “đi”

Đỗ Trung Quân

(TBKTSG) - Thế là tôi đã đi (dường như) hết cả nước Pháp. Những thành phố xinh đẹp từ miền Nam đến miền Bắc của xứ sở thời trang và nghệ thuật. Provence tràn ngập ánh nắng, nơi “Thư từ cối xay gió” của Alphonse Daudet được gửi đi khắp thế giới.

Tôi không thể kể hết tên những vùng đất thơ mộng hay hoa lệ quê hương của Voltaire, Victor Hugo, JP Sartre, Matisse và tất nhiên còn có Brigitte Bardot, người đẹp từng làm choáng váng cả thế giới thập niên 1950-1960 với nhan sắc của Venus tái sinh…

Tôi dừng lại ngẫu nhiên với Saint Paul hay còn gọi là Saint Paul de Vence, nơi mà năm 1950 họa sĩ Vũ Cao Đàm xuống dưỡng bệnh. Nơi M.Chagall cùng đến và kể từ năm 1959 ở nhà số 34 phố lớn (Rue Grande), những người yêu nghệ thuật sẽ gặp màu “Đàm biếc” giao thoa giữa Đàm & Chagall với màu xanh thẳm của bầu trời và biển cả trong tâm hồn thuần Việt của ông…

Tôi đã đi hầu hết nước Pháp trong vòng một năm. Đi không tốn một xu nào, đi mà không hề ngủ bụi ngủ bờ, đi như một kẻ phiêu lãng chẳng âu lo gì đến vật chất. Và tôi nhớ đến một người bạn tôi chưa hình dung được mặt mũi bao giờ. Một người bạn cố tình không ẩn danh nhưng ẩn diện. Một phụ nữ theo cách nói qua e-mail là đã từng biết mặt tôi khi còn ở Việt Nam. Tôi gặp và quen chị trên mạng, chỉ thế thôi…

Mỗi cuối năm chăm sóc lại nhà cửa, thu xếp lại chiếc bàn làm việc ngổn ngang của mình. Trong ngăn kéo đầy những bút, giấy, hộp quẹt gas cũ, những tờ thư xa xưa đã ố vàng của bạn bè, người này người nọ chỉ thiếu “…Vài nhánh xương hoa nằm ép trong thư…” như âm nhạc của Phạm Duy mà thôi.

Trong những ngăn kéo bị lãng quên suốt một năm ấy, tôi nhặt ra nhiều kỷ vật. Đây là con búp bê gỗ nho nhỏ của… mua ở Tokyo mang về làm quà tặng, đây là hộp bút màu của… đi Hoa Kỳ về tặng. Kia là chai rượu Vodka nho nhỏ của… đi Tiệp Khắc mua về… Kia nữa là bộ ly có in hình nhạc sĩ Chopin, thiên tài âm nhạc của Ba Lan, của…mang về tặng…

Nhiều thứ mà khi bày ra để nhìn ngắm nó làm ta hình dung rõ lại gương mặt của nhiều người thân quen, có người nay đã không còn, có người không tin tức, không gặp lại lần nào. Có người vẫn “Alô! Chiều đẹp làm vài ve chứ!...”. Mặt bàn bỗng thành một cuộc triển lãm của ký ức với toàn những món be bé, xinh xinh.

Tôi cũng đã được lang thang vài nơi trên xứ người, những xứ sở bận rộn và văn minh, cái bận rộn khiến cho nếu có ai đó chịu dừng xe vào siêu thị hay quán xá chọn mua cho ta một món gì đấy để gửi hay mang về tặng ta, hẳn cái tình cảm dành cho mình lớn lao lắm. Mua mang về đã là quý lắm rồi, nhưng còn chịu khó lặn lội ra bưu điện bỏ bao bì cẩn thận gửi về theo cách cổ điển nhất, bưu phẩm, thì hẳn là chuyện không đơn giản chút nào. Bưu điện xứ người chắc chắn phải vài giờ lái xe trên đường cao tốc. Đi, chọn, mua và gửi cho một người ở nhà xa xôi đến thế thì cái tình cảm dành cho mình còn lớn biết chừng nào.

(minh họa: Đỗ trung Quân).

Xấp post card dày cộm đang bày lại trên bàn nhắc tôi về người bạn ẩn mặt kia. Chị đã gửi đều đặn mỗi khi đến một thành phố nào đó của Pháp để làm việc hay nghỉ hè. Chị và gia đình đi tới đâu nghĩa là tôi cũng đi tới đó, nghĩa là câu chuyện tôi đã đi hầu hết nước Pháp vừa kể nó có thật từ những tấm post card này. Khi xòe hết trên mặt bàn, tôi còn nhận ra dấu chân mình dường như cũng đã để lại nhiều nơi khác nữa, Anh, Ý, Tây Ban Nha…

Nghĩ cũng ngộ nghĩnh, thời đại của Internet chỉ một cú nhấp chuột là thư điện tử (e-mail) đến sau chỉ vài giây bất cứ nơi nào trên trái đất, thế mà những tấm post card không thể bị khai tử khi điện tín - telegraph đã cáo chung từ lâu vì “net”. Những cánh chim bồ câu đưa thư đã được nghỉ ngơi hàng thế kỷ, nhưng những bác đưa thư vẫn an nhiên tồn tại song hành cùng mạng truyền thông tiên tiến của toàn cầu.

Nhưng hãy trở lại với những thành phố của nước Pháp trên những tấm post card đang bày ra trước mặt. Cuộc “viễn du” tưởng rất bình thường nhưng không bình thường của mình. Tôi “đi”, thấy và còn được nghe lịch sử, nghệ thuật, con người, cảnh vật những miền xa xôi ấy.

Cuối năm, theo lệ thường của thói quen nghĩ về những điều đã qua, nhớ về những người thân thiết. Trong cái nắng hanh hao gợi nhớ, cái màu nắng lạ thường chỉ cuối năm mới có, mới làm ta bâng khuâng khác hẳn ngày thường, tôi muốn dành những dòng này cho người phụ nữ ẩn mặt, người đã dẫn tôi cùng phiêu lãng với chị.

Tôi hình dung mơ hồ hình ảnh một người với áo măng tô, khăn ấm quàng cổ, thêm một chiếc mũ bê rê khoan thai xuống xe bước vào bưu điện, chọn một tấm thiệp giá chỉ vài xu cặm cụi viết tên và địa chỉ rồi khẽ khàng bỏ vào thùng bưu phẩm hay đưa qua cửa ghi-sê gửi đi, sau đó lại tất tả với cái bận rộn ào ạt nơi xứ người.

Dễ thương làm sao và cũng ấm áp làm sao cái tình, gần gũi thân thuộc ấy.

Đã lại cuối năm…

Gió ngoài phố se se và nắng ngoài phố vàng hoe gợi nhớ lắm…

Sắp Tết rồi chị H. ạ! Tôi vẫn chưa biết mặt chị, nghĩ cũng lạ lùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới