Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một ngày ở Thâm Quyến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một ngày ở Thâm Quyến

Bài và ảnh: Nguyễn Kim Oanh

Một ngày ở Thâm Quyến
Công viên Cửa Sổ Thế Giới ở Thâm Quyến.

(TBKTSG Online) – Chuyến tàu hỏa cao tốc Quảng Châu – Thâm Quyến đỗ ở ga La Hồ, từ đó chúng tôi bắt taxi đến tòa nhà Địa Vương Đại Hạ cách đó không xa, chỉ chừng 10 phút chạy xe. Địa Vương là một điểm tham quan không thể bỏ qua; đó nơi có thể ngắm toàn cảnh thành phố Thâm Quyến từ trên cao và du khách có thể tìm hiểu khái quát về sự hình thành của đặc khu hành chính Hồng Kông, chỉ cách Thâm Quyến một con sông.

Kỳ 1: >>> Qua Quảng Đông du lịch và mua hàng.

Kỳ 2: >>> Ngày đầu tiên ở Quảng Châu.

Kỳ 3: >>> Dạo "chợ" Quảng Châu.

Kỳ trước: >>> Nhịp sống Quảng Châu.

Một góc thành phố Thâm Quyến nhìn từ tòa nhà Địa Vương Đại Hạ.

Thâm Quyến là một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Đông; nhưng đã chính thức chuyển thành đặc khu kinh tế từ tháng 5-1980. Đến năm 1988, đặc khu đầu tiên trong 5 đặc khu kinh tế tại Trung Quốc này được cho phép có thẩm quyền về kinh tế tương đương cấp tỉnh của Trung Quốc.

Trên đường phố, xe cộ đông đúc, len lỏi giữa những hàng cao ốc chọc trời khiến tôi thấy hơi choáng ngợp. Do không có sự chuẩn bị trước về lộ trình và phương tiện di chuyển nên tôi chụp hình liên tục những cửa hàng, bảng tên những con đường đi qua để lỡ có… lạc mà biết đường về! Còn lại tùy… duyên, chỉ biết nói taxi mình muốn đến đến đâu thì họ sẽ chở thôi.

Xuống xe trước cửa tòa nhà Địa Vương Đại Hạ, tôi loay hoay… ngửa cổ nhìn định tìm chỗ đứng chụp lấy hết chiều cao nhưng chịu thua, đành chụp tấm hình trước tòa nhà làm kỷ niệm rồi vào mua vé lên tham quan. Mua vé xong, có người bấm nút cho bạn vào thang máy lên tầng 69; đến nơi cũng có người hướng dẫn khách vào khu tham quan.

Do chúng tôi đến sớm, chưa có nhiều khách tham quan nên rất thoải mái chụp hình lưu niệm cũng như ngắm nhìn nội thất và cảnh quan bên ngoài. Cô nhân viên tiếp tân ở đây nhìn hai đứa tôi tưởng là du khách người Thái hay Mã Lai, khi biết chúng tôi là người Việt cô ấy tỏ ra vui vẻ, nói là hơi bất ngờ vì trước giờ có rất ít người Việt đến đây tham quan; hay có cũng chỉ là đi đoàn từ Hà Nội qua, chứ chưa thấy du khách tự đi du lịch như vầy. Cô ấy có vẻ hào hứng, bày hai đứa tôi bỏ tiền xu vào cái ống nhòm ngắm cảnh và hướng dẫn nên gì, ở đâu; như ngay bên kia sông là Hồng Kông. Từ đây bạn có thể xem toàn cảnh thành phố Thâm Quyến, nhìn đâu cũng là nhà cao tầng, đường sá rộng lớn với hơn 10 làn xe.

Ảnh treo trên tường tòa nhà Địa Vương Đại Hạ: Chủ tịch nước Giang Trạch Dân và ông Đổng Kiến Hoa, người đứng đầu đặc khu hành chính Hongkong.

Xin nói một chút về cao ốc văn phòng Địa Vương Đại Hạ (tức là Shun Hing Square = Tín Hưng quảng trường) là tòa nhà cao 384 mét có 69 tầng; ngay khi xây dựng hoàn thành vào năm 1996, nó là tòa nhà cao nhất Trung Quốc, nhưng chỉ một năm sau, kỷ lục này thuộc về CITIC Plaza ở Quảng Châu.

Bên trong tòa nhà, trên tường treo khá nhiều hình ảnh về cảnh quan và đời sống người dân ở Hồng Kông vào những năm 70 của thế kỷ XX. Có cả phòng nghe nhìn phục vụ du khách muốn tìm hiểu về “câu chuyện Hồng Kông”: Vì sao một vùng lãnh thổ của Trung Hoa đã trở thành thuộc địa của Vương Quốc Anh hàng trăm năm? Và sự trở về của Hồng Kông, hiện là một trong hai đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Dạo quanh một vòng tòa nhà rồi chúng tôi đi xuống, tiếp tục đón xe đi thăm công viên Cửa Sổ Thế Giới sau khi hỏi thăm đường đi đến đó.

Cửa Sổ Thế Giới là khu công viên có hơn 100 mô hình các di tích, kiến trúc nổi tiếng thế giới như Kim Tự tháp Ai cập, Angkor wat, tháp nghiêng Pisa… trên diện tích khoảng 48 hecta, được phân khu để dễ dàng cho người tham quan. Các công trình được xây dựng theo kiến trúc nguyên bản, thu nhỏ kích thước nên trông giống thật, tỉ mỉ từng chi tiết. Ngay giữa lối đi vào là mô hình Kim Tự tháp nhưng bên trong là đường xuống trạm tàu điện ngầm ra ga La Hồ về lại Quảng Châu.

Ngôi đền Borobudur của Indonesia.
Khu vườn Nhật Bản.

Bước vào bên trong cổng là quảng trường La Mã cổ đại, rồi từ đây sẽ có bảng chỉ dẫn cho du khách đến các “châu lục” trong công viên. Nếu nhắm sức không đi bộ nổi hoặc không có thời gian thoải mái để ngoạn cảnh, du khách có thể  mua vé tàu điện trên cao (giá 20 tệ), lượn một vòng ngắm các kỳ quan thu nhỏ bên dưới như đang đi máy bay! Hoặc mua vé đi xe của công viên dạo một vòng “cưỡi ngựa xem hoa” cho biết. Tuy nhiên, không gì bằng là bạn tự khám phá, quan sát mọi thứ, di chuyển bằng chính đôi chân của mình để có cái nhìn tận tường cảnh vật nơi này.

Chùa Một Cột của Việt Nam.

Ở khu châu Á, hình ảnh đại diện cho đất nước Việt Nam là mô hình chùa Một Cột khá khiêm tốn về kích thước nhưng độc đáo về kiến trúc; trong khi khu vườn Nhật Bản được bố trí trên một diện tích rất rộng. Sang đến khu châu Âu, ngắm nhìn mô hình cối xay gió của Hà Lan tôi chợt nhớ tới “nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha” Don Quixote, nhân vật trứ danh của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes Saavedra; nhưng mới đến chỗ tháp nghiêng Pisa thì tôi thấy rã rời đôi chân, không bước nổi nữa.

Nhìn lại, thấy mình mới đi được một phần nhỏ trong công viên, nếu bỏ về thì rất phí tiền vé vào cổng với công sức lặn lội xa xôi đến đây nên quyết vòng lại mua vé tàu điện trên cao ngắm luôn một thể. Tàu chạy một vòng là thấy hết những mô hình bên dưới nhưng không thể ngắm nghía, chiêm ngưỡng được nét đẹp và giá trị mỗi công trình. Ấn tượng “chuyến bay” vòng quanh các châu lục chỉ để lại cho tôi cảm giác được ngắm cảnh trên cao, gió thổi mát và những lúc tàu chạy ngang qua những nhánh cây vải đang có những trái non đầu mùa.

Vừa đói vừa mỏi chân, tôi mua đồ ăn và ngồi ngắm người qua lại để mặc cho cô bạn tự đi khám phá một mình và dặn cô ta chụp hình về cho tôi xem. Trong lúc ngồi nghỉ mệt, tình cờ gặp một đoàn khách tham quan nói giọng Hà Nội đi ngang, tôi nghe họ trò chuyện mới biết rằng ngay bên cạnh công viên Cửa Sổ Thế Giới này còn có công viên Trung Hoa Cẩm Tú, mô phỏng những kiến trúc, thắng cảnh của Trung Quốc.

Nghe cũng thích, nhưng không còn thời gian để vui chơi nữa, nên chúng tôi đón tàu điện ngầm ra lại ga La Hồ, về Quảng Châu. Sau đó chúng tôi lên đường về lại Lạng Sơn trên chuyến xe đêm.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm bên mô hình trong tòa nhà Địa Vương mô tả cuộc gặp gỡ lịch sử năm 1984 giữa chủ tịch nước Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và bà thủ tướng Anh Margaret Thatcher, đàm phán việc trao trả Hongkong về cho Trung Quốc.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới