Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Một số ứng xử tế nhị với đồng nghiệp nơi công sở

Vỹ Du 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Văn minh ứng xử không thể thiếu tại mọi nơi làm việc. Khó có thể nói chi tiết về vấn đề này trong khuôn khổ một bài báo. Bài viết bàn về chuyện cần tránh một số điều cụ thể thường gây khó chịu cho đồng nghiệp tại nơi làm việc.

Dù nơi bạn đang làm việc là một văn phòng nhỏ chỉ có vài người hay một công ty lớn với vài ngàn nhân viên, tương tác với đồng nghiệp là điều bắt buộc. Làm thế nào gây thiện cảm với họ là cả một nghệ thuật, không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, một vấn đề cần thiết hơn mà ai cũng cần làm là tránh để mình bị đồng nghiệp không ưa hay thậm chí ghét bỏ, bởi vì nếu tình trạng này xảy ra, chúng ta rất dễ bị gạt ra ngoài lề tại chính nơi làm việc của mình. Khi đó, việc duy nhất có thể làm là khăn gói ra đi.

Thực ra, ai cũng có cá tính. Vấn đề là làm sao đừng để cá tính của mình làm phiền người khác tại công sở. Monique Valcour, một chuyên gia huấn luyện nhân viên, nói với báo mạng Huffpost như sau: “Hành xử khiếm nhã tại văn phòng là đối xử vô cảm với những người chung quanh. Đó có thể là một hành vi thiếu tế nhị hay một việc làm ác tâm có chủ đích. Một hành động thô lỗ của đồng nghiệp sẽ trở nên hết sức phiền toái trong không gian làm việc chung nơi mà không có cách gì thoát khỏi các tiếng ồn hay mùi vị phát ra hoặc toát ra từ người bên cạnh”.

Đôi khi, điều gây phiền lòng cho người này lại là bình thường đối với người khác. Vì thế, cần hình dung ra được các tình huống cụ thể có thể gây thất thố hay vô lễ đối với người xung quanh. Sau đây là tổng hợp một số ý kiến của các chuyên gia huấn luyện nhân viên về các tình huống như vậy.

Vẫn cố đi làm khi bản thân bị bệnh với các triệu chứng thể hiện ra ngoài

Một trong những điều gây khó chịu nhất cho đồng nghiệp tại văn phòng là đến chỗ làm khi ai cũng thấy mình đang bệnh, ho và hắt hơi liên tục cả ngày trong khi mình thì bảo “chỉ là bị dị ứng thôi mà”.

Dù cơn ho là bất ngờ hay bắt nguồn từ một căn bệnh nghiêm trọng hơn, đa số đồng nghiệp rất nhạy cảm với bệnh tật và thời gian phải nghỉ bệnh tại nhà. Khi các dịp lễ tết đến gần, nếu một người đi làm mà lại mắc bệnh, đồng nghiệp của người đó thường nghĩ rằng anh ta thiếu tôn trọng sức khỏe và cảm xúc của người xung quanh. 

Thông thường khi một nhân viên ho hay hắt hơi, đồng nghiệp có thể thấy các giọt bắn li ti trong ánh nắng. Và ngay lập tức, người khác sẽ cảm thấy khó chịu và mau chóng tránh xa người ngồi cạnh họ. 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, khá nhiều nhân viên công sở rất nhạy cảm với Covid-19. Cũng dễ hiểu thôi vì, nói chung, các biến thể cúm mùa và Covid-19 lây nhiễm rất nhanh.

Để đồ vật của mình trên bàn người khác 

Tự tiện di chuyển hay cất đi các vật dụng hoặc tài liệu tại phạm vi làm việc của người khác là rất phản cảm đối với họ. Hiện nay, nhiều người vẫn suy nghĩ không đúng cho rằng mọi nơi tại sở làm là chung cho mọi người và ai cũng có thể sử dụng. Trong khi trên thực tế, các nơi này đã được dành riêng cho ai đó.

Cho dù một vị trí tại văn phòng không được tách biệt bằng các vách ngăn, tự tiện di chuyển hoặc cất giữ một món đồ trên một chiếc bàn chung thì cũng giống như tự tiện mở cửa vào phòng kín của người khác.

Nghe nhạc mà không đeo tai nghe

Thường thì chẳng ai muốn nghe nhạc của bạn vì tiếng nhạc có thể làm họ sao nhãng. Bên cạnh đó, không phải người nào cũng có cùng sở thích loại âm nhạc người khác đang nghe. Bắt đồng nghiệp nghe nhạc họ không thích chẳng khác gì đối xử thô lỗ hoặc tra tấn họ. 

Nhìn chung, độ phức tạp và âm thanh của tiếng nhạc có thể ảnh hưởng đến việc giải quyết các vấn đề khó như phân tích hoặc đưa ra giải pháp. Công việc khó yêu cầu não phải tập trung cao độ. Vì vậy, tiếng nhạc có thể khiến thần kinh bị kích động, gây phân tâm. 

Mặt khác, cũng nên lưu ý là công việc đơn giản mỗi ngày như thu thập dữ liệu và chọn lọc thư điện tử thường không đòi hỏi phải tập trung cao độ. Tuy nhiên, không được để âm nhạc mình đang thưởng thức làm phiền đồng nghiệp.  

Gây ra tiếng động từ chính cơ thể của mình hay "tám" những điều quá nhảm nhí 

Một trong những điều bị than phiền nhiều nhất tại công sở là tiếng ồn không mong muốn phát ra từ đồng nghiệp. Cho dù đó là tiếng nhạc, chương trình phát thanh, một cú điện thoại, "tám" với nhân viên khác, nhai kẹo cao su nhóp nhép hay thở hổn hển. Trong môi trường văn phòng, các âm thanh này đều có thể khiến người khác mất tập trung.  

Đôi lúc, nội dung một cuộc trò chuyện có thể gây phiền phức cho người khác - chẳng hạn như một đồng nghiệp cứ than phiền về tình trạng đau dạ dày của mình. Cũng gây khó chịu không kém là một đồng nghiệp cứ cãi nhau với vợ qua điện thoại và dùng lời thô tục đe dọa vợ mình. Trong trường hợp như vậy, tai nghe (earphone) khử tiếng ồn thường rất hữu hiệu giúp tránh được sự phiền toái.  

Có một số dạng khiếm nhã còn gây khó chịu hơn, chẳng hạn như "tám" điều nhảm nhí hay bắt nạt người khác. Văn phòng chính là môi trường cho các hành động bất lịch sự, nơi đó không hiếm tình huống nhân viên cố tình “dìm hàng” người khác bằng cách nói xấu sau lưng. 

Phớt lờ người đang cố bắt chuyện với mình

Nghe nhạc dùng tai nghe nơi công sở là đúng. Tuy nhiên, dù đã có tai nghe, âm thanh quá to cũng không tốt. Công sở là nơi để mọi người tương tác với nhau và dành thời gian giao tiếp với nhau. 

Do đó, nếu dùng tai nghe với âm lượng quá lớn sẽ khiến một người không nghe được lời của đồng nghiệp muốn trao đổi với mình về công việc. Chẳng có gì bực mình hơn khi phải lặp lại nhiều lần một nội dung với đồng nghiệp chỉ vì họ đang đeo tai nghe với âm lượng quá lớn.  

Xem văn phòng như nhà bếp ở nhà mình

Thật là khiếm nhã nếu một đồng nghiệp xem không gian làm việc chung như phòng riêng hoặc nhà bếp ở nhà mình. Khá nhiều đồng nghiệp tổ chức cuộc họp bằng chương trình Zoom mở âm lượng lớn, dùng loa ngoài khi đang thực hiện một cuộc gọi cá nhân, thậm chí ăn cá hồi trên bàn phím hay bỏ đĩa giấy tứ tung trên bàn làm việc của người bên cạnh. Tư duy “không gian cá nhân” loại này là một biểu hiện của việc xem thường người khác và xem nhu cầu của mình là trên hết.

Xen ngang vào cuộc trò chuyện riêng của đồng nghiệp

Đừng chen ngang đối thoại của đồng nghiệp ngồi bên cạnh khi không được gợi ý tham gia. 

Đưa ra ý kiến hay lời khuyên không mong muốn hoặc góp ý sau khi nghe lỏm chuyện của đồng nghiệp có thể khiến họ nổi quạu. 

Cắt ngang lời người khác không những khiến họ cảm thấy mình thiếu được tôn trọng mà còn cản trở họ chia sẻ điểm mấu chốt hay kinh nghiệm trong câu chuyện. Tốt hơn hết, chúng ta nên để người giao tiếp nói hết suy nghĩ của họ nếu không có gì cấp bách cần ngắt lời. 

Đừng dùng quá nhiều nước hoa 

Nhiều người rất nhạy cảm với mùi. Vì vậy, nước hoa có thể gây khó chịu, khiến họ bị phân tâm. Nếu chúng ta phải dùng đến nước hoa, đừng xịt quá một lần. 

Đừng thường xuyên mang năng lượng tiêu cực vào sở làm 

Cuộc sống tự thân đã gây mệt mỏi mà chưa cần kể đến các năng lượng tiêu cực cứ đến mỗi ngày. Vì thế, cần nhớ rằng một nhận xét mang hàm ý xúc phạm, một lời phàn nàn cộc lốc từ đồng nghiệp ngồi cạnh thường có tác dụng “đổ dầu vào lửa” cho cảm xúc tiêu cực. 

Không phải ai cũng có thể nhìn được các sự việc tiêu cực với lăng kính màu hồng lạc quan. Ngược lại, nếu người đồng nghiệp ngồi bên cạnh thường xuyên mang đến năng lượng tiêu cực thông qua lời nói và hành động, anh ta hay cô ta đã vô tình biến công sở thành một nơi đầy phiền toái. 

---------------

(Nguồn tham khảo chính: huffpost.comrd.com) 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới