(KTSG Online) - Bạn dành dụm bao nhiêu năm trời để sắm được chiếc xe mới và cắc ca cắc củm cất trong nhà chuẩn bị chờ ngày “rửa xe”. Nhưng chưa kịp ra mắt bà con, bạn bè thì bạn tá hỏa phát hiện ra chiếc xe mới cáu của mình đã bị ai đó tạt sơn. Khi ấy bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Giận run đến mức tái mặt?
Chắc đó cũng là cảm giác chung của nhiều người trong công chúng khi đọc tin cho biết mới đây hai toa tàu thuộc đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã bị người ta dùng sơn xịt vẽ lên đó những hình ảnh không được mỹ thuật cho lắm. Các hình ảnh này mang hơi hướm của graffiti (tranh phun sơn), vốn có thể được xem là một loại hình nghệ thuật đường phố sử dụng sơn xịt để tạo ra các bức hình trên bề mặt phẳng, thường là các mảng tường.
Theo một số nguồn trên Internet, graffiti hiện đại xuất hiện đầu tiên trong thập niên 1970 ở thành phố New York, Mỹ, và sau đó lan rộng ra nhiều nước trên thế giới thành một trào lưu tận dụng mọi mặt phẳng ở khắp nơi, nhất là các địa điểm công cộng, như nhà ga xe điện ngầm.
Công tâm mà nói, nhiều người vẽ graffiti là những nghệ sĩ đường phố thực thụ với các tác phẩm của mình. Ví dụ như nghệ sĩ đường phố với nghệ danh Bansky ở thủ đô Luân Đôn, Anh. Ảnh bên dưới là một trong những tác phẩm vô cùng đơn giản nhưng có hiệu ứng vô cùng lớn của Bansky được thực hiện ở một địa điểm phía bắc Luân Đôn. Graffiti này của Bansky chỉ gồm một dòng chữ viết bằng sơn xịt “I don’t believe in global warming” (tạm dịch “tôi không tin có hiện tượng nóng lên toàn cầu”. Cái tài tình của nghệ sĩ ở chỗ ông chọn vị trí của dòng chữ trên bức tường tiếp giáp với mặt đường nơi còn lưu dấu hiện tượng nước dâng. Tự thân dấu vết đó nói lên tất cả!
Còn nói về nghệ thuật và sự sáng tạo thì vô số. Một tác phẩm tiêu biểu trong số đó, theo người viết, có thể là bức graffiti sau đây cũng ở một địa điểm tại thành phố Luân Đôn.
Thậm chí một số tác phẩm graffiti trở thành địa điểm tham quan du lịch ngay tại một thành phố lớn. Chẳng hạn như graffiti trên những mảnh tường được lưu giữ ở Berlin, Đức (một phần của bức tường nổi tiếng trước kia chia cắt thủ đô nước Đức).
Tuy nhiên, cũng phải công nhận rằng rất nhiều graffiti không đẹp, mà phần nhiều là các hình ảnh nguệch ngoạc, vô nghĩa, lặp lại, không thấy sự sáng tạo.
Theo định nghĩa của tự điển bách khoa toàn thư Britannica, graffiti là “một loại hình thông tin thị giác, thường là thực hiện bất hợp pháp, bao gồm việc đánh dấu không được cho phép trên không gian công cộng bởi một người hay một nhóm người”(1). Ở nhiều quốc gia, graffiti thực hiện trên tường mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu bất động sản sẽ bị phạt. Nhiều người cũng đã tỏ ra dị ứng với các hình vẽ vô nghĩa đập vào mắt họ bởi chúng làm xấu đi không gian công cộng.
Trở lại với các hình vẽ, tạm gọi là graffiti, trên các toa xe metro đang được đặt tại Long Bình, thành phố Thủ Đức. Dù đã hết sức tìm ra ý nghĩa đằng sau các hình vẽ này, người viết vẫn chưa thấy được ý tưởng khả dĩ nào. Cũng khó nói chúng đạt yêu cầu mỹ thuật đối với người xem.
Xin hỏi các bạn đã xịt sơn lên hai toa tàu ở Long Bình rằng ai cho phép các bạn tước đi quyền của công chúng được chiêm ngưỡng trọn vẹn hình ảnh ban đầu của các toa tàu này? Các bạn có ý thức rằng khi các bạn sơn, vẽ trên đó, là các bạn đã tước đi quyền này của công chúng? Các toa tàu metro là tài sản chung của công chúng, trong đó có cả các bạn. Nhưng không như chiếc xe mà các bạn đang đứng tên các bạn có thể sơn, vẽ tùy thích, các bạn không thể xử sự với các toa tàu như thể chúng là tài sản riêng của các bạn. Thử hỏi các bạn sẽ nghĩ gì nếu một hôm bạn trở về nhà bỗng thấy ai đó đã sơn xịt đầy bức tường trong phòng ngủ của mình?
Về mặt sáng tạo và nghệ thuật, người viết thách thức các bạn dành thời gian để vắt óc cho ra đời những tác phẩm graffiti có ý nghĩa về nội dung và hình thức tương tự như các bức vẽ bên trên, và sẵn lòng chiêm ngưỡng chúng. Nhưng nếu các bạn chưa làm được điều này, thì đừng làm chuyện đã làm với các toa tàu vì đó không phải là sáng tạo hay nghệ thuật, mà đó là sự phá hoại, ít nhất là phá hoại quyền của công chúng được ngắm các toa tàu dưới dạng nguyên thủy của nó.
Các bạn cũng nên nhớ rằng phá hoại tài sản, dù là tư nhân hay nhà nước, đều có thể bị kết tội hình sự!
Sắp tới khi các nhà ga xe điện ngầm khánh thành, mong rằng các “nghệ sĩ graffiti” ở Sài Gòn lưu ý điều này. Riêng chính quyền TPHCM cũng cần lưu ý có biện pháp đối phó để tránh công chúng không bị buộc phải nhìn những hình vẽ vô nghĩa, phản cảm.
---------
(1)https://www.britannica.com/art/graffiti-art
Xử lý nghiêm khắc, từ việc nhỏ đến lớn, như Singapore là ổn thôi. Người viết/ vẽ bậy sẽ bị đánh roi, trước khi đánh roi đòi hỏi phải khám sức khỏe, có thể không thịt nát xương tan, nhưng chắc chắn là phải nhớ suốt đời. Một công dân Mỹ đã phạm tội này, nhờ Tổng thống Clinton can thiệp, nhưng cũng không được. Không thể dung thứ cho những kẻ vô công rỗi nghề quậy phá trật tự công cộng.