(KTSG Online) – Một thành viên HĐQT của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco), đơn vị quản lý nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang), đã gửi kiến nghị đến chủ tịch HĐQT về việc tiếp tục hoạt động nhà máy trong niên vụ 2023-2024, và cho rằng việc lấy ý kiến bằng văn bản để đi đến việc tạm dừng sản xuất một vụ là trái với luật doanh nghiệp hiện hành và điều lệ công ty.
Mới đây, KTSG Online đã có bài viết “Thêm một nhà máy đường tại ĐBSCL dừng hoạt động” thông tin về việc nhà máy đường Phụng Hiệp tạm dừng sản xuất vụ 2023-2024 và giải quyết vấn đề về lao động cũng như các tồn tại có liên quan, sau khi có biểu quyết bằng văn bản.
Sau thông tin nêu trên, ông Phạm Quang Vinh, Thành viên HĐQT của Casuco đã có những thông tin phản hồi về câu chuyện này. Đồng thời, đây cũng là nội dung được ông gửi đến Chủ tịch HĐQT Casuco, ông Trần Ngọc Hiếu.
Theo ông Vinh, việc tạm dừng như nêu trên được thông qua bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản là trái với quy định.
Cụ thể, điểm b, g khoản 2 điều 147 Luật doanh nghiệp 2020 và điểm a, c khoản 1 điều 21 Điều lệ Casuco về định hướng phát triển công ty, tổ chức lại, giải thể công ty phải được thông qua bằng hình thức “biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông”.
Do đó, việc lấy ý kiến bằng văn bản/căn cứ kết quả biểu quyết để ban hành Nghị quyết số 31/NQ-Casuco/2023 ngày 19-10-2023 (nghị quyết này có nội dung tạm dừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp vụ 2023-2024 - PV) là hoàn toàn trái với luật doanh nghiệp hiện hành và điều lệ công ty”, ông Vinh nêu trong văn bản.
Ông Vinh cho biết thêm, việc tiếp tục chạy hay dừng hoạt động nhà máy đường Phụng Hiệp vụ 2023-2024 là vấn đề hết sức quan trọng đối với định hướng phát triển của Casuco. Bởi, đây là nhà máy duy nhất còn hoạt động (trước thời điểm có Nghị quyết 31/NQ-Casuco/2023 - PV), quyết định đến tồn tại hay xóa sổ vùng mía nguyên liệu, tức đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đóng cửa hay không đóng cửa vĩnh viễn nhà máy Phụng Hiệp. Điều này, dẫn đến hệ luỵ giải thể/phá sản doanh nghiệp bởi Casuco chỉ sản xuất đường từ mía.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, Nghị quyết 31 như nêu trên được ban hành sau khi cổ đông Casuco có biểu quyết bằng văn bản.
Theo đó, tại biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (số 34-Casuco/2023 ngày 19-10-2023) đối với nội dung: “thông qua báo cáo kết quả sản xuất vụ 2022-2023 và phương hướng sản xuất vụ 2023-2024”, thì có 14 phiếu (tương đương 7.246.793 cổ phần, chiếm 57,153% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) chọn phương án tạm dừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp vụ 2023-2024; giải quyết lao động theo quy định và các tồn tại có liên quan.
Trong văn bản yêu cầu gửi đến Chủ tịch HĐQT Casuco, ông Phạm Quang Vinh cũng cho rằng, tình hình mía nguyên liệu năm 2023-2024 đã có chuyển biến tốt, vùng mía dần phục hồi khi có diện tích tăng 25% so với niên vụ 2022-2023. Trong khi đó, việc tiêu thụ mía nước giảm, giá bán thấp hơn mọi năm khi hiện có giá chỉ 1.300-1.500 đồng/kg so với mức giá 2.500-3.000 đồng/kg của niên vụ 2022-2023. “Sản lượng mía ép có thể cung cấp cho nhà máy đường Phụng Hiệp có thể đạt ít nhất 50.000 tấn”, ông Vinh cho biết trong văn bản.
Trong khi đó, trao đổi với KTSG Online, ông Trần Vĩnh Chung, Tổng giám đốc Casuco cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 800 héc ta được nông dân thu hoạch bán mía chục (mía ép lấy nước giải khát - PV), tức diện tích còn lại chỉ khoảng 760 héc ta, bao gồm 300 héc ta mía trồng bán lấy nước và hơn 400 héc ta mía nguyên liệu phục vụ sản xuất đường. “Nhưng họ (nông dân) vẫn chuyển sang bán mía nước khi giá cao hơn”, ông Chung cho biết và thông tin, mía nguyên liệu quá ít, trong khi nhà máy cần huy động để hoạt động liên tục với công suất 2.300-2.500 tấn/ngày. Đây cũng được cho là lý do chính dẫn đến việc dừng hoạt động như nêu trên.
Còn báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang cho thấy, niên vụ mía 2022-2023 địa phương đã xuống giống được 3.286 héc ta, đạt 102,68% kế hoạch, giảm 14,48% so với cùng kỳ, phân bố chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy.