(KTSG Online) – Trong tuần qua, sức mạnh đồng đô la tiếp tục tăng vọt trước áp lực tiếp tục nâng lãi suất của Fed trong tháng 7, đi cùng đó là nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhiều loại hàng hóa chịu áp lực giảm giá mạnh.
- Nhiều nền kinh tế lớn có thể rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới
- Tiền đồng chịu áp lực khi đô la Mỹ tiếp tục lên mức cao kỷ lục 20 năm
Trong tuần qua, giá cả nhiều loại hàng hóa thay đổi mạnh trong bối cảnh sức mạnh đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng lên. Theo đó, chỉ số đô la Mỹ đã lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua và giảm nhẹ vào cuối tuần. Trong phiên giao dịch buổi chiều vào thứ sáu tuần trước, chỉ số đi ngang ở vùng 106,96 điểm
Đồng đô la Mỹ tăng vọt được cho là nguyên nhân chính khiến giá vàng giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần rồi, vàng giao ngay giảm hơn 60 đô la so với tuần trước và là tuần giảm thứ tư liên tiếp, về mức khoảng 1.740,9 đô la/ounce.
Một loại hàng hóa cũng giảm mạnh trong tuần qua là dầu thô, trong bối cảnh lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế. Theo đó, giá dầu Brent giảm khoảng 4,1% và WTI giảm 3,4% so với tuần trước đó.
Dầu thô thậm chí có phiên giao dịch giảm tới gần 10%, xuyên thủng mốc 100 đô la/thùng, nhưng sau đó phục hồi dần vào cuối tuần, nhờ các thông tin về khả năng hạn chế nguồn cung. Theo đó, dầu thô Brent trở về mức lên 107,02 đô la/thùng, trong khi dầu WTI (Mỹ) lên mức 104,79 đô la/thùng.
Dự báo về dầu thô vẫn mang tính trái ngược nhau khiến cho thị trường dầu trở nên khó lường với nhiều yếu tố ảnh hưởng. Trong tuần qua, Citi Research dự kiến giá dầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất là 65 đô la/thùng vào cuối năm 2022, trái với dự báo giá dầu thô thậm chí còn tăng lên 380 đô la/thùng nếu Nga cắt giảm sản lượng, theo JP Morgan.
Về phía vàng, nỗi lo về khả năng giảm giá vàng cũng chưa dừng lại khi thị trường vẫn tính toán cho khả năng tăng mạnh lãi suất của Fed trong tháng 7 này.
Dù vậy, vàng được cho là sẽ phục hồi trong ngắn hạn. Theo khảo sát mới nhất của Kitco News, có khoảng 40% nhà đầu tư phố Wall lạc quan về giá vàng, trong khi 30% dự đoán giảm, số còn lại giữ quan điểm trung lập. Trong tuần này,
Số liệu kinh tế từ Mỹ tiếp tục ảnh hưởng đến diễn biến đồng đô la Mỹ và từ đó ảnh hưởng đến giá các loại hàng hóa trú ẩn khác. Trong tuần trước, dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra nhiều việc làm hơn dự kiến trong tháng Sáu. Còn trong tuần này, báo cáo lạm phát tháng sáu sẽ là tâm điểm chú ý.
Tại thị trường Việt Nam, trong sáng ngày 11-7, giá xăng dầu cũng đã được điều chỉnh giảm hơn 3.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá vàng SJC chỉ giảm nhẹ khoảng 200.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước dù giá thế giới giảm mạnh. Mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới quy đổi vẫn là là khoảng 19 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh vàng miếng SJC cuối tuần niêm yết ở mức 68,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.