Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 2: Xu hướng đang tốt dần lên!

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Tính đến thời điểm gần nhất, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 2-2024 đang cho thấy khá nhiều gam màu sáng dù tình trạng phân hóa sâu sắc vẫn đang diễn ra khiến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận có sự khác biệt lớn giữa các ngành, thậm chí là giữa các doanh nghiệp ngay trong cùng một ngành.

Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ quí 2 đạt 8.122 tỉ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Ảnh: T.L

Nhóm tài chính tăng trưởng mạnh

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) quí 2-2024 và sáu tháng đầu năm 2024 đang bước vào giai đoạn cao điểm. Theo thống kê từ FiinTrade, tính đến sáng ngày 29-7-2024, đã có 668 doanh nghiệp (đại diện cho 47,2% tổng giá trị vốn hóa trên ba sàn HOSE, HNX và UpCom) đưa ra ước tính KQKD hoặc công bố báo cáo tài chính quí 2-2024. Bức tranh tổng thể nhìn chung khá tích cực khi lợi nhuận sau thuế quí 2-2024 của 668 doanh nghiệp nêu trên tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhóm tài chính có mức tăng cao hơn mức tăng chung của thị trường khi đạt 26,6%, chủ yếu nhờ ngành ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đã công bố KQKD quí 2 đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khả quan.

Cụ thể, ACB báo lãi trước thuế hơn 5.598 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế sáu tháng đầu năm, ACB đạt 11.590 tỉ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 6% so với cùng kỳ. MBB ước tính lợi nhuận đạt 5.776 tỉ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Hay như Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ quí 2 đạt 8.122 tỉ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận theo quí cao kỷ lục của Techcombank. Đáng chú ý, LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế sáu tháng đầu năm với mức tăng trưởng đột biến 142%, đạt 5.919 tỉ đồng.

Riêng VIB lại có kết quả đi lùi khi lợi nhuận sau thuế quí 2 ước đạt 1.678 tỉ đồng, giảm 28,8% so với cùng kỳ.

Với nhóm chứng khoán, KQKD còn nổi trội hơn khi hầu hết các công ty trong ngành đều có mức tăng trưởng mạnh. Điển hình như SSI có tổng doanh thu và lãi trước thuế quí 2 lần lượt đạt 2.368 tỉ đồng và 1.041 tỉ đồng, lần lượt tăng 44,5% và 59% so với cùng kỳ năm 2023. Với TCBS, lãi ròng của công ty đạt gần 1.300 tỉ đồng, tăng mạnh 193% so với cùng kỳ. Tính chung sáu tháng, lãi ròng của TCBS ở mức hơn 2.200 tỉ đồng, tăng 187%. Đây đều là các con số kỷ lục từ trước đến nay của TCBS.

Bên cạnh đó, VCI cũng báo lãi trước thuế 343 tỉ đồng trong quí 2, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ hay như VPS lãi sau thuế gần 523 tỉ đồng, gấp 6,3 lần cùng kỳ. Có thể thấy, đóng góp lớn vào KQKD sáu tháng đầu năm nay của các công ty chứng khoán đến từ hai nhân tố chính: sự cải thiện về thanh khoản thị trường và đà mở rộng của hoạt động cho vay margin.

Nhóm phi tài chính phân hóa

Cùng chiều với nhóm tài chính, nhóm các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phi tài chính tính đến ngày 29-7 cũng có KQKD cải thiện nhưng mức tăng có phần thấp hơn (+17,6%). Ở nhóm cảng và dịch vụ hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt doanh thu 5.535 tỉ đồng trong quí 2, tăng 12% và lãi gộp đạt 3.460 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Khoản chi phí lớn nhất của ACV là chi phí quản lý doanh nghiệp đã được tiết giảm đến 60%, chỉ còn 243 tỉ đồng do giảm trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi từ các hãng hàng không. Nhờ đó, ACV báo lợi nhuận sau thuế 3.228 tỉ đồng, tăng 24%. Đây cũng là quí đầu tiên kể từ khi hoạt động ACV ghi nhận lợi nhuận trên 3.000 tỉ đồng và cũng là mức lợi nhuận theo quí cao kỷ lục của doanh nghiệp chuyên khai thác cảng hàng không này.

Vẫn còn rất nhiều “ông lớn” khác chưa công bố báo cáo nên vẫn có cơ sở để kỳ vọng nền lợi nhuận của thị trường nói chung đang cho xu hướng tốt dần lên. Đây cũng là yếu tố để nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm kết thúc giai đoạn đi ngang tích lũy để hướng đến một sóng tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ hơn trong hai quí cuối năm.

Ở nhóm đa ngành, Tập đoàn Masan (MSN) báo cáo doanh thu hợp nhất quí 2 đạt 20.134 tỉ đồng, tăng hơn 8%. Có được con số khả quan nêu trên là nhờ tăng trưởng ở các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi của MSN. MSN còn được hưởng lợi nhờ giảm được hàng trăm tỉ đồng chi phí lãi vay, đồng thời tăng mạnh 38% nguồn thu từ các công ty liên kết, trong khi chi phí bán hàng và quản lý gia tăng không quá lớn. Kết quả, MSN báo lãi sau thuế 946 tỉ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ, đồng thời là mức lợi nhuận cao nhất kể từ sau quí 2-2022 đến nay.

Ngược lại, nhóm bất động sản khu công nghiệp lại có kết quả khá phân hóa. Trong khi Sonadezi Châu Đức tăng nhẹ 9% ở lợi nhuận sau thuế, đạt 102 tỉ đồng thì Viglacera lại có lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 73,3% do nguồn thu từ mảng cho thuê khu công nghiệp đi xuống và mảng vật liệu xây dựng chưa hồi phục. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhóm bất động sản nhà ở, bao gồm Vinhomes, Nam Long và Phát Đạt.

Cụ thể, Vinhomes lãi ròng 10.784 tỉ đồng trong quí 2, tăng 11% so với cùng kỳ với đóng góp chính từ việc ghi nhận giao dịch bán lô lớn tại dự án Vinhomes Royal Island và tiếp tục bàn giao tại các dự án hiện hữu. Còn với Nam Long, trong quí 2-2024, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 252 tỉ đồng, giảm gần 74% trong khi lợi nhuận sau thuế đạt gần 160 tỉ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Phát Đạt báo lãi trước thuế 87 tỉ đồng, giảm 77% và lãi sau thuế đạt gần 50 tỉ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ.

Ở nhóm bán lẻ, mới chỉ có Thế giới số công bố KQKD nhưng khá mờ nhạt. Trong quí 2-2024, Thế giới số ước đạt hơn 5.000 tỉ đồng doanh thu và 93,2 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, gần như không đổi so với con số của quí 1-2024, theo đó tăng trưởng so với cùng kỳ lần lượt đạt 9,2% và 6,9%. Mức tăng trưởng trong quí 2 của Thế giới số kém xa so với tăng trưởng trong quí 1 một phần là do nền so sánh đang dần cao lên khi quí 1-2023 là đáy về lợi nhuận của Thế giới số kể từ năm 2021.

Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh trang sức PNJ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong quí 2 (tăng 18,3%), chủ yếu nhờ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cần lưu ý là hai doanh nghiệp lớn khác thuộc ngành bán lẻ là Thế giới Di động và Bán lẻ kỹ thuật số FPT chưa công bố KQKD nên kết quả chung của ngành hoàn toàn có thể sẽ có sự thay đổi trong những ngày tới.

Tổng kết lại thì tính đến thời điểm gần nhất, mùa báo cáo KQKD quí 2 đang cho thấy khá nhiều gam màu sáng. Tất nhiên tình trạng phân hóa sâu sắc vẫn đang diễn ra khiến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận có sự khác biệt lớn giữa các ngành, thậm chí là giữa các doanh nghiệp ngay trong cùng một ngành. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều “ông lớn” khác chưa công bố báo cáo nên vẫn có cơ sở để kỳ vọng nền lợi nhuận của thị trường nói chung đang cho xu hướng tốt dần lên. Đây cũng là yếu tố để nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm kết thúc giai đoạn đi ngang tích lũy để hướng đến một sóng tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ hơn trong hai quí cuối năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới