(KTSG) - Đầu tháng Chạp, nhiều đêm trời se lạnh kéo dài. Thời tiết ít thấy ở thành phố phương Nam, vì vậy tôi… hơi lúng túng khi nghĩ đến chuyện lặt lá cho cây mai sao cho nở đúng Tết.
- Hoa kiểng Tết: nỗi lo âu mang tên ẩn số sức mua!
- Festival hoa kiểng Sa Đéc đón 245.000 lượt khách, doanh thu 98 tỉ đồng
Cây mai tôi mua hồi giáp Tết năm ngoái ở công viên Làng hoa Gò Vấp, từ một nhà vườn ở Hiệp Bình Chánh thuộc thành phố Thủ Đức đem qua bán. Mấy chục năm định cư ở Sài Gòn, năm nào trong nhà cũng chưng chậu mai vàng vui Tết, nhưng đây là lần đầu tiên tôi quyết định giữ cây mai này lại để chăm bón, vì thấy cành nhánh sung mãn và gốc rễ chắc chắn, khá đẹp.
Vậy là tôi loay hoay tìm số điện thoại của một nhà vườn chuyên trồng và chăm mai bán Tết, để hỏi thời điểm lặt lá. Thực sự không khó để tính toán bao nhiêu ngày vừa đúng cho cây ra nụ và nở hoa, nhưng đó là với diễn biến thời tiết bình thường. Đằng này, năm nay trời đêm lạnh kéo dài, việc cân nhắc lặt lá để mai nở hoa kịp Tết, lại như trở thành… ẩn số!
Chủ vườn mà tôi gọi hỏi là ông Nguyễn Văn Sết (thường gọi là Tám Sết), có vườn mai nổi tiếng ở An Phú Đông, mảnh đất tọa lạc giáp bờ sông Vàm Thuật, một nhánh của sông Sài Gòn thuộc quận 12. Tôi đã nhiều lần đến vườn của ông, lúc thì vào mùa hè khi hàng liếp mai đang lơ thơ cành lá đợi chờ chăm bón, lúc khác vào dịp cuối đông khi những cây mai nhánh lá sum suê úa vàng đang chờ tay người lặt. Nhưng rồi mấy cuộc điện thoại bất thành, nên tôi đoán rằng ông đang bận rộn lặt lá mai ngoài vườn, không nghe máy. Cũng như dạo nào, dịp này khi đến thăm vườn mai, tôi chẳng thể nào liên lạc trước được. Để khi lặn lội vô vườn, mới thấy ông chủ đang thoăn thoắt tay lặt lá mai, miệng thì “chỉ đạo” cho mấy người làm công lo việc này việc nọ.
Vậy rồi, tôi quyết định lặt lá cây mai nhằm ngày mùng 5 tháng Chạp, sớm hơn ít bữa so với lúc thời tiết bình thường. Đứa con gái út nghe vậy, cùng hào hứng tham gia. Vừa làm, tôi vừa giảng giải thêm vài câu chuyện về cây mai vàng và lý do vì sao lại ngần ngừ thời gian lặt lá. Để rồi, khi mớ lá già rơi lả tả, ở đầu những cành nhánh khẳng khiu lộ ra những búp lá nhỏ xíu bằng đầu que tăm, lại ngỡ như phía trước đã thấy xuân về.
Giở quyển Gia Định thành thông chí của học giả Trịnh Hoài Đức (NXB Tổng hợp TPHCM in năm 2019), ở chương Vật sản chí, trang 530, thấy trong phần liệt kê các loài hoa phương Nam, bên cạnh hoa lài, hoa nguyệt quý (nguyệt quới), hoa sứ (hoàng mộc bút), bông trang (dã mẫu đơn)… vị học giả viết có loài Nam mai (mai vàng). Có lẽ, ý nghĩa ấy là hoa mai phương Nam chăng?
Tôi chợt nhớ mùa xuân năm nào, khi lang thang qua mấy vườn mai ở Thủ Đức, dãy vườn tươi xanh nằm dọc con đường xe lửa đi qua phường Hiệp Bình Chánh, thấp thoáng bóng mấy cậu sinh viên đi làm thêm kiếm tiền tiêu Tết. Các em tìm đến mấy chủ vườn để làm công nhật, với việc lặt lá mai. Trong số đó, có một em tên Hoàng, học ngành hóa thực phẩm của trường Đại học Công nghiệp, quê ở Đại Lộc (Quảng Nam).
Với khuôn mặt hớn hở, Hoàng xòe số tiền kiếm được sau ba ngày lao động khoe với tôi: “Ở vườn nhà quê em, ba có trồng và chăm mấy cây mai lớn. Hồi đang học trung học, em thường phụ ba lặt lá nên cũng quen việc. Nhưng khác một điều là quê miền Trung thường hay lạnh hơn, nên quãng giữa tháng 11 Âm lịch, nhà nào có trồng mai đã lặt lá rồi. Có chút tiền này cũng lo được khoản tàu xe để em đi về sum họp với gia đình trong dịp Tết”.
Mới đó mà hơn mười năm, Hoàng bây giờ không biết về phương trời nào và đã ổn định với cuộc sống của mình ra sao, song tôi chợt liên tưởng hình ảnh đứa con gái út đang tuổi sinh viên của mình, với tâm tưởng và câu chuyện của cậu sinh viên dạo ấy.
Phút chợt nhớ về Hoàng khi kể tôi nghe về chuyện cùng ba lặt lá mai, khiến tôi tỉ mẩn nghĩ thêm rằng, có lẽ rồi sau này cũng đọng lại một chút kỷ niệm trong lòng con gái của tôi, mỗi khi hoài niệm về buổi chiều hôm nay, tay lặt lá mai và nghe ba kể vài câu chuyện về cây mai vàng, trước lúc xuân về…