(KTSG Online) - Do ảnh hưởng của bão số 6 (bão Trami), những ngày qua, nhiều nơi ở miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có mưa to, khiến nhiều nơi bị ngập cục bộ. Bên cạnh đó, mưa lớn còn gây sạt lở, gây chia cắt giao thông, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
- Liên tục xảy ra sạt lở gây chia cắt giao thông tại nhiều nơi phía Bắc
- Bão Trami liên tục đổi hướng, sức gió mạnh nhất cấp 9-10
Từ hôm qua (27-10) đến nay, tỉnh Quảng Bình tiếp tục có mưa to khiến nhiều nơi bị chia cắt, ngập lụt… Một số nơi như xã Thái Thủy, Văn Thủy và thị trấn Kiến Giang ở huyện Lệ Thủy, lượng mưa đo được từ 449-540 mm, TTXVN đưa tin.
Hiện nay, nước trên sông Kiến Giang tại trạm thủy văn Kiến Giang đã vượt báo động 3 hơn 2,67 m; nước trên sông Gianh tại trạm thủy văn Lệ Thủy vượt báo động 3 hơn 0,42 m. Tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, nước lũ gây chia cắt các tuyến đường nối với 11 bản, làng ở các xã Lâm Thủy, Kim Thủy, Trường Sơn và Trường Xuân.
Cùng với đó, nhiều điểm trên tuyến Quốc lộ 9B, 9C, Quốc lộ 15, các tuyến tỉnh lộ 558B ở Quảng Bình bị ngập sâu trong nước, làm chia cắt giao thông. Tại các vùng thấp trũng ở trung tâm huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh, thành phố Đồng Hới đã có hơn 18.000 ngôi nhà bị ngập trong nước.
Ở Quảng Trị, mưa lớn khiến nhiều nơi tại các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh... bị ngập sâu trong nước. Mưa lũ làm nước dâng cao, gây ngập các ngầm tràn từ 2-3 m, làm chia cắt nhiều bản, làng tại các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông. Tính đến sáng 28-10, tỉnh Quảng Trị đã triển khai sơ tán 937 hộ với 2.423 nhân khẩu.
Những ngày qua, nhiều tuyến đường của tỉnh cũng bị sạt lở nghiêm trọng như tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây, huyện Đakrông xuất hiện 3 điểm sạt lở ở các vị trí Km 255+500, Km255+600, Km 279; tuyến đường 588A bị sạt lở tại Km3+400 gây chia cắt giao thông.
Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường bị xói lở, hư hỏng như các tuyến đường thôn Tân Văn, An Hướng, Xuân Hòa của xã Gio An; đường thôn Tân Hải (xã Gio Hải) bị sập, hư hỏng nghiêm trọng...
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, gió mạnh và mưa to, có nơi mưa rất to đã làm 2 người thiệt mạng và 214 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Ngoài ra, theo TTXVN, thống kê sơ bộ của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, hơn 200 căn nhà bị tốc mái. Nước trên các triền sông dâng cao, gây ngập lụt khu vực ven biển, đầm phá và nơi trũng thấp.
Bão số 6 cũng khiến tình hình sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp. Khu vực bờ biển giáp ranh xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An tiếp tục bị sạt lở. Bờ biển Giang Hải - Vinh Hiền tại vị trí đoạn kè bằng ống cát, nước biển dâng cao, tràn qua nhiều vị trí, vào sâu trong khu vực nuôi trồng và sản xuất. Bờ biển tại xã Phong Hải, huyện Phong Điền đã bị xâm thực với chiều dài khoảng 1,3 km, sâu 8 m.
Một số địa phương khác như ở Quảng Nam, đến trưa 27-10, lãnh đạo huyện vùng cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức sơ tán 90 hộ dân tại các khu vực có nguy cơ cao sạt lở tại các xã Phước Lộc, Phước Thành. Tại Đà Nẵng, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố có 51 nhà bị ngập, tập trung chủ yếu tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang; 53 nhà bị tốc mái 1 phần; 9 nhà bị tốc mái hoàn toàn; 1 ghe bị chìm; diện tích hoa màu bị hư hỏng là 2 hecta.
Sáng sớm 28-10, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 6) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng. Hồi 4 giờ, sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6, tương đương dưới 39 km/giờ.
Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng đông Đông Bắc, suy yếu và tan dần. Cơ quan khí tượng cảnh báo mưa lớn ở các tỉnh từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, gió mạnh và sóng lớn ở khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và phía bắc của khu vực bắc Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Đây là tin cuối cùng về bão số 6.