Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mùa nước nổi, vì đâu hại nhiều hơn lợi?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mùa nước nổi, vì đâu hại nhiều hơn lợi?

Bá Phú

Mùa nước nổi, vì đâu hại nhiều hơn lợi?
Người dân đắp đê ngăn lũ, bảo vệ lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Đức Khánh.

(TBKTSG) – Mực nước ở vùng ĐBSCL đã ở mức cao nhất kể từ cơn lũ lịch sử năm 2000 đến nay. Sau nhiều năm chỉ đón lũ nhỏ, nhiều người miền Tây đã bất ngờ với mùa nước nổi hung hãn năm nay. Thiệt hại đã khá lớn, và với mùa nước nổi, dường như cái hại đã lấn át cái lợi… Vì đâu?

1. ĐBSCL đã vào đỉnh lũ, vượt báo động 3 và thậm chí cao hơn cả mức nước của cơn lũ lịch sử năm 2000. Nhiều học sinh phải nghỉ học vì dòng nước cản chân. Như ở Đồng Tháp, ngành giáo dục đã phải cho 87 điểm trường gồm 474 lớp với hơn 11.700 học sinh các cấp nghỉ học, tránh lũ.

Giờ đây, đi nhiều nẻo đường miền Tây, vẫn là những hình ảnh quen thuộc vào mùa lũ, có lẽ cũng không cần mô tả nhiều. Đơn giản đó vẫn là hình ảnh nhiều người hì hục đắp đất, tôn bờ; những đồng lúa chỉ còn có nước tràn ngầu đục; những nông dân ngồi co ro tránh nước; nhiều xã giờ ghe xuồng đi lại đã nhiều hơn xe cộ; trâu bò, heo gà và cả cá sấu cũng tụ về những nơi cao ráo như đường quốc lộ; những sản vật mùa lũ như cá linh, bông điên điển bày bán khắp nơi…

Chỉ có điều cần nhắc lại. Hồi đầu mùa lũ, nhiều lão nông tri điền mừng rơn dự báo rằng, nước năm nay lớn, nên cá tôm và những sản vật mà thiên nhiên vốn từ lâu luôn hào phóng cho người dân xứ này vào mùa nước nổi, sẽ nhiều hơn. Ở Phú Tân, Châu Phú (An Giang)… nhiều nông dân đã tất bật từ vài tháng trước, sắm sửa ghe xuồng, tay lưới, hớn hở chờ một vụ bội thu. Ai dè, những ngày qua, nước tràn đồng, nhưng nỗi thất vọng của nông dân cũng tràn trề không kém.

Ba bốn mùa lũ vừa qua, dân Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, chủ yếu ăn cá biển, bởi nguồn cá đồng cạn kiệt. Còn nay? Một ngày của mùa nước, ông Hai Thương thăm hết mấy tay lưới chỉ được chừng 1 ki lô gam cá tạp. Số cá ít ỏi ấy chẳng bán chác được gì. “Để dùng làm mồi, tối tối câu ếch”, ông nói vậy. Nhiều nông dân miền Tây cũng thở dài khi thăm lưới, dỡ lọp, cũng ngán ngẩm như ông Hai. Họ chỉ tự an ủi rằng: “Có lẽ, nước còn cao, chưa bắt được nhiều”.           

Nhưng có gì lạ! Giờ đây cứ ra đồng, không khó để thấy những chiếc xuồng ghe đang ngày đêm tận diệt những thứ “trời cho”. Xung điện, lưới mắt nhỏ… nên cá lớn, cá nhỏ bằng đầu tăm… đều “chầu trời”. Thậm chí, gần đây nhiều người còn lên tận miệt trên, thuê đồng bắt chặn từ trước. Còn thường ngày, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu “vun” đầy cho lúa, dè đâu cũng góp phần diệt cá. Cá ít, trách ai?

2. Thêm một điều lạ nữa! Trước giờ, người miền Tây ít biết hai từ “vỡ đê”. Đó là từ quen thuộc của người dân Bắc bộ, nơi ít sông ngòi kênh rạch nên hàng năm những con sông hung dữ vào mùa lũ như sông Hồng… hay trào nước phá đê, tràn dâng làm thiệt hại mùa màng. Nhưng mùa nước năm nay, ở miền Tây, hai từ ấy cứ nhắc đi nhắc lại ra rả, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hồi trước chẳng có đê bao, cứ đến mùa nước, nông dân rút về nhà ở những gò cao, “thả” đồng mặc cho nước tràn vào, ngập sâu 3-4 thước. Những căn nhà thấp, nước ngập từ trước ra sau, chủ nhà cũng mặc kệ, dù tiền công móc đất đắp nền hồi ấy chẳng là bao. Họ đã quen và thân thuộc với mùa nước nổi…

Tất nhiên, khi xã hội phát triển, chẳng nhiều người muốn chấp nhận cảnh sáng ra thò chân xuống giường là đụng nước. Mấy người muốn lội bì bõm đến chợ, uống tách cà phê? Và tất nhiên, cũng không nhiều người, kể cả trong ngành nông nghiệp, muốn nhường đồng ruộng cho nước 5-6 tháng trời. Phí quá! Vậy là những đê bao khép kín lần lượt ra đời. Như hồi cuối tuần này, mới sáng sớm, nhưng ông Ba Sem, xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân (An Giang) vẫn hớn hở ra thăm lúa. Ngoài kia, nước sông Hậu đang dâng cao, chảy xiết…

Và khi tại một số vùng ở An Giang, Đồng Tháp… nông dân đã quen với cảnh ruộng đồng “khô ráo” trong cả mùa nước, thì hai từ “vỡ đê” đã xuất hiện. Kèm theo nó là hàng trăm, hàng ngàn héc ta lúa mất trắng, nhiều căn nhà ngập tới mái. Và đã có cả người chết.

Ở ĐBSCL, tính đến đầu tuần này đã có gần 5.000 héc ta lúa mất trắng, 1.141 héc ta nuôi thủy sản và hơn 20.400 căn nhà bị ngập. Theo thống kê sơ bộ, mức thiệt hại đã lên đến hàng trăm tỉ đồng và 11 người đã thiệt mạng vì dòng nước hung hãn.

Nhưng tại ai?

3.Chưa hẳn đã tại mùa nước nổi, cũng chưa hẳn đã tại đê bao.

Mấy tháng trước, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để năm nay cả nước tăng sản lượng một triệu tấn lúa, vai trò lúa thu đông (vụ 3) ở ĐBSCL là rất lớn. Với những “động viên” như vậy (Chính phủ cũng đồng ý hỗ trợ để ĐBSCL tăng diện tích lúa vụ 3), kèm theo là giá lúa ở mức cao, nông dân hăm hở xuống giống lúa vụ 3. Và toàn vùng đã có hơn 570.000 héc ta lúa “mùa nước nổi”. Dù rằng, đã có những cảnh báo từ các chuyên gia, rằng năm nay sẽ có lũ lớn và sớm.

Nếu chẳng có lúa vụ 3, vỡ đê chẳng phá được lúa. Nhưng không có lúa vụ 3, sẽ không dôi ra nhiều lúa, gạo cho xuất khẩu, nông dân ít lợi nhuận. Nông dân cũng đau đầu với mâu thuẫn khó giải đáp ấy. Để rồi kết cục, hai từ “vỡ đê” như một kết cục quá buồn cho nhiều nông dân. Cứ mỗi héc ta lúa thiệt hại như vậy, nông dân mất từ 15-20 triệu đồng đầu tư.

Cứ xây nhà cao tầng trên nền móng quá yếu, hậu quả ai cũng rõ. Cứ ào ạt gia tăng diện tích lúa “mùa lũ”, thậm chí vì… chỉ tiêu, khi nhiều tuyến đê đã cũ kỹ, yếu ớt, kết cục giờ cũng biết. Cũng có thể đổ rằng, do mực nước năm nay quá lớn, cao hơn dự báo, nên mới xảy ra thảm cảnh. Nhưng nước cao, cũng chưa hẳn tại… nước.

Đã có một số chuyên gia cho rằng không nên đổ cho đê bao khép kín ngăn nước, khiến nước tràn vào những chỗ khác, làm mực nước trên sông Hậu, sông Tiền gia tăng và gây lũ lớn. Theo họ, chưa đến 600.000 héc ta lúa vụ 3 được đê bao khép kín, chẳng là gì so với diện tích vùng ngập lũ. Nhưng thử tính, cả vùng ĐBSCL có diện tích đất tự nhiên chưa đến 4 triệu héc ta. Trong khi 600.000 héc ta lúa vụ 3 được đê bao khép kín đã chiếm gần một phần sáu diện tích cả vùng! Và nếu chỉ cần để nước tràn đồng, ngập sâu ít chừng 2 mét, thì 600.000 héc ta ấy (1 héc ta = 10.000 mét vuông) đã “chứa” giúp vùng miền Tây này 12 tỉ mét khối nước, một con số không nhỏ. Tất nhiên, ngăn 12 tỉ mét khối nước ấy tràn vào lúa bằng đê bao, chúng sẽ tràn vào những nơi khác, thậm chí phá vỡ chính đê bao. Dòng nước trở nên hung dữ, khi dòng chảy bị thu hẹp.

Tất nhiên, chẳng thể xả lũ vào tất cả những vùng đê bao khép kín, khi nhu cầu lương thực vẫn bức bách, giá lúa vẫn cao. Quan trọng ở đây là sự tính toán hợp lẽ của con người.

__________________________________________________

Mời xem thêm bài “Sống riêng với lũ: mần ăn nên tính lời lỗ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới