Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mùa nước tràn đồng

Ngọc Khuyến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dường như, đối với cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi là một mùa đặc biệt, nó không phải là xuân, hạ, thu, đông, cũng không phải là mùa khô hay mùa mưa. Đặt chữ “về” trong khi nhắc mùa nước nổi, nó như một sự ngóng đợi của cư dân nơi dành cho người bạn từ phương xa.

Người dân đẩy côn ở Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu

Cuối tuần, nghe tiếng má như reo trong điện thoại, nói năm nay nước nổi về sớm và dâng cao hơn năm ngoái, rồi hỏi tôi có ăn mắm cá lóc thêm không, mẻ cá năm ngoái năm nay ăn được rồi, dù bà còn băn khoăn “không biết cá có về nhiều để làm mắm cho bọn bây không, chứ năm ngoái ít lắm!”.

Mùa nước nổi trong ký ức ngày còn nhỏ bỗng chốc ùa về.

Nhớ khoảng tháng 7 Âm lịch, người quê đã rục rịch đón chờ những cơn mưa giăng mắc. Người ta sửa sang lại những lưới, lờ, ghe xuồng… chờ cá về theo con nước, ngóng mặt nước tràn qua đồng hàng ngày để đoán nước sẽ lớn hay nhỏ. Đi đâu cũng nghe chuyện mùa nước hồi xửa hồi xưa, rồi hồi năm ngoái, những câu chuyện mà năm nào cũng kể nhưng năm nào nghe cũng vui như lần đầu được nghe. Nước lớn, người ta khấp khởi hy vọng sẽ bắt được nhiều cá chứ không thấy mấy ai lo lắng vì nước lớn hay lũ lụt.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, chuyên gia về biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nói rằng cụm từ “mùa nước nổi” của người ĐBSCL là một khái niệm dân gian, đã có từ lúc vùng đất này được hình thành. Thực chất, hiện tượng nước dâng lên ở nơi đây, trong khoa học được gọi là lũ. Ở Campuchia cũng có hiện tượng giống nước nổi với ĐBSCL, tuy nhiên nước bạn vẫn gọi là lũ. Và hiện nay trong các văn bản, bản tin dự báo thời tiết ở Việt Nam cũng dùng từ lũ hay mùa lũ thay vì mùa nước nổi. Tuy nhiên, “đặc trưng của lũ ở ĐBSCL khác với vùng núi, có thể đối với miền Bắc, miền Trung lũ lụt là thiên tai”, ông Tuấn nói.

Theo lời ông Tuấn, nếu so với lũ ở miền Trung, nước lên rất nhanh và chảy xiết, dòng chảy của nước cũng rất ngắn, nước không thoát được hình thành nên hiện tượng lũ quét. Người dân không kịp ứng phó, lũ đến đâu tàn phá mùa màng, của cải đến đó.

Còn ở ĐBSCL, trước nay hạ nguồn sông Mêkông có ba “túi nước”, đó là hồ Tonle Sap, khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên. Hàng năm khi lũ thượng nguồn về, ba túi nước này điều hòa nước cho nơi đây - mùa lũ thì “cất nước” làm lũ hiền hòa, rồi từ từ nhả nước ra bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu giúp đẩy nước mặn. Cứ như vậy, nước lên từ từ, chảy qua sông, tràn qua đồng ruộng.

“Nước lên đến đâu, người dân sống chung với tự nhiên của lũ đến đó, do đó mặc dù cũng gây thiệt hại nhưng không nhiều so với nguồn lợi mà nó mang lại nên người dân nơi đây rất trông đợi”, vị chuyên gia này giải thích thêm.

Còn Giáo sư Chung Hoàng Chương, nhà nghiên cứu về sông Mêkông, thì nói rằng, mùa nước nổi không chỉ là một hiện tượng tự nhiên mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân phương Nam. Nông dân nơi đây vừa làm ruộng, vừa làm vườn, vừa có thể làm cá. Với tính thích ứng cao với thời tiết nên họ thường xem mùa nước nổi là một dịp để thay đổi phương thức mưu sinh và kiếm sống.

Nước về, những cánh đồng lại chứa đầy phù sa và mang lại sức sống mới cho những cây súng, cỏ năng, hẹ nước, những bông điên điển cũng rộ vàng ven sông, dọc kênh rạch. Đây cũng là mùa của những đàn chim bay về làm tổ, sinh sôi, nảy nở trên những cánh đồng, rặng tre, trong những khu rừng tràm, rừng đước. Với vùng như Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, con nước thường đến muộn và thu nhập từ nguồn lợi thủy sản cũng không cao bằng vùng Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười.

Ngày ấy, chúng tôi, lũ trẻ con nghịch ngợm, mùa nào chơi theo mùa đấy. Chúng tôi thích thú với cánh đồng ngập tràn trong nước, vì không thấy bờ nên nhìn cứ như biển cả mênh mông, thứ mà lũ trẻ con đồng bằng ao ước được nhìn thấy. Biển ấy không xanh biếc mà mang màu đen của phù sa, của đất mẹ. Tự làm cần câu, lấy những tấm lưới cũ rồi chúng tôi ngụp lặn trên cánh đồng, lung năng, lung súng để bắt về những con cá. Bữa cơm chiều hôm ấy, lũ trẻ cũng được đóng góp với các loài cá đặc trưng của vùng hạ nguồn như cá sặc, cá rô, cá chốt, thi thoảng được vài con cá lóc cửng háu ăn.

Mấy năm gần đây, người dân càng ít bận rộn, vì mực nước ở đầu nguồn thấp, nước lên đồng rất ít và muộn, nguồn thủy sản giảm sút lớn. Nhiều gia đình đã không còn mưu sinh nhờ vào mùa nước nổi nữa, trừ những gia đình sống chủ yếu nhờ đồng ruộng. Chính quyền địa phương nhiều nơi cũng đã đưa ra nhiều mô hình giúp người dân thích nghi với hoàn cảnh mới, khi mùa nước “không nổi và thất thường”.

Ngót 55 năm sinh sống ở phường 2, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, ông Dương Văn Lâm cho biết: “Hồi xưa tới mùa nước nổi, ở đây có mười nhà thì hết mười nhà mưu sinh thêm với nghề cắm câu, giăng lưới, đặt lờ, đẩy côn. Hơn năm năm trở lại đây cùng lắm còn 1, 2 nhà nhưng cũng chỉ là kiếm vài ba con cá cho đầy bữa ăn, chứ giờ không ai sống bằng nghề này nữa đâu”.

Tại huyện Mỹ Tú, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, nhiều mô hình sinh kế trong mùa nước nổi được thực hiện và đem lại hiệu quả cho nhiều hộ như mô hình cá đăng quầng, mô hình cá mắm, mô hình cá lúa, trồng năng thay lúa…

Ông Lâm là một trong số những nông dân thích ứng được với sự thay đổi của mùa nước nổi bằng mô hình cá lúa. Dùng 4.000 mét vuông sản xuất lúa, từ tháng 5 Âm lịch ông bắt đầu thả cá, với thời gian nuôi khoảng sáu tháng sẽ cho thu hoạch. Mô hình cá lúa chủ yếu là tận dụng thức ăn trực tiếp trên ruộng lúa, đồng thời còn giúp đất trồng được cải tạo, ước trong vụ nuôi năm nay trừ các khoản chi phí gia đình thu nhập thêm vài chục triệu đồng.

Năm nay, vùng đất phương Nam rộn ràng hẳn, mưa tương đối dồi dào hơn những năm trước, nước dâng cao(*). Má tôi nói chắc do năm Thìn. Dù mừng vì ruộng đồng được tưới tắm, giúp tháo chua, rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh, bồi đắp phù sa nhưng má vẫn lo lắng vì lượng cá tôm vẫn không được nhiều. Dù vậy với má “mùa này nhìn ra đồng vui ghê!”.

Dường như sự hiện hữu của nước nổi, suy cho cùng, có thể là một “không gian văn hóa” làm nên con người và vùng đất này. Có lẽ, má tôi cũng như những người dân quê tôi chưa hiểu lắm về biến đổi khí hậu, không biết những trận mưa lớn bất thường sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng như thế nào. Cứ thấy nước dâng càng cao thì má mừng, vì theo má năm nào mùa nước nổi lớn thì y như rằng vụ đông xuân năm sau sẽ trúng đậm.

(*) https://thesaigontimes.vn/nuoc-song-dang-cao-dbscl-co-nguy-co-ngap-lut-trong-nua-cuoi-thang-9/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới