(KTSG Online) - Hiệu ứng lan truyền là chiến thuật marketing lợi hại nhằm khai thác triệt để tâm lý mua sắm bốc đồng để bán hàng. Điều này không chỉ khiến nhiều người trẻ tốn tiền không cần thiết mà còn tạo ra một lối sống phụ thuộc vào sự công nhận từ người khác thay vì thực sự hiểu giá trị của món đồ mà bản thân sở hữu.
Lễ Tình nhân (Valentine) đang đến gần và như mọi năm, các con phố lại tràn ngập những món quà quen thuộc như sô-cô-la, hoa hồng. Tuy nhiên, năm nay, một xu hướng mới đang thu hút sự chú ý. Đó là những con thú nhồi bông “baby three”, sản phẩm xuất phát từ trào lưu bốc túi mù (blind box). Trước baby three, mạng xã hội cũng từng khuấy động với các con vật như labubu, capybara, tất cả đều trở thành những món đồ chơi được săn lùng.
Thế nhưng, việc giới trẻ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn, xếp hàng dài dưới nắng thậm chí manh theo lều bạt đến ngủ để "xí chỗ" từ 1-2 giờ khuya để sở hữu bằng được những món đồ này khiến người ta không khỏi suy ngẫm (*). Tại sao thú nhồi bông, sản phẩm vốn không quá đặc biệt lại trở thành món hàng “quý hơn vàng” trong mắt giới trẻ?
FOMO (Fear of Missing Out) hay nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội là một thuật ngữ tâm lý học dùng để mô tả cảm giác lo lắng khi không được tham gia vào một xu hướng hoặc sự kiện mà nhiều người khác đang quan tâm. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, hiệu ứng này càng trở nên phổ biến, đặc biệt là qua tay các “phù thủy tiếp thị”.
Hãy thử đặt mình vào vị trí của một bạn trẻ: mở TikTok hay Facebook, thấy người người nhà nhà đua nha bốc túi mù xem con này mắt lác hay không lác với hàng triệu lượt xem, các shop thương mại điện tử cháy hàng liên tục, bạn bè xôn xao bàn tán. Nếu không sở hữu, bạn có thể cảm thấy “kém trendy”, “lạc hậu” hoặc bị tách biệt khỏi cộng đồng.
Hơn nữa, con người có xu hướng tin rằng một món đồ trở nên có giá trị khi nó được săn lùng. Đây chính là hiệu ứng lan truyền (social proof), một chiến thuật tiếp thị lợi hại mà các nhãn hàng luôn tận dụng triệt để. Sự khan hiếm và tính độc quyền chính là chìa khóa tạo nên sức hút của những món đồ này. Các thương hiệu thường tung ra với số lượng giới hạn hoặc liên tục thông báo “sắp hết hàng” để kích thích nhu cầu mua sắm bốc đồng.
Bên cạnh đó, việc tận dụng KOLs (người có sức ảnh hưởng), TikToker (người sử dụng ứng dụng mạng xã hội TikTok để tạo và chia sẻ video ngắn), streamer (người thực hiện phát sóng trực tiếp trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube) cũng đóng vai trò quan trọng. Khi một TikToker nổi tiếng đăng video ôm thú nhồi bông đáng yêu, bốc túi mù được những con vật hiếm, hàng triệu người theo dõi ngay lập tức muốn sở hữu một con y hệt. Đây là hiệu ứng người nổi tiếng (celebrity endorsement), một trong những công cụ mạnh mẽ nhất trong tiếp thị hiện đại.
Những người thực sự hưởng lợi từ các trào lưu này không phải là những bạn trẻ bỏ tiền ra mua baby three mà là các nhãn hàng, nền tảng thương mại điện tử và những người trung gian nhập hàng. Một món đồ chơi nhồi bông được sản xuất với chi phí thấp nhưng lại có thể bán ra với giá gấp 5 đến 10 lần (**) nhờ chiến thuật quảng bá khéo léo và lợi nhuận sẽ không ngừng chảy vào túi các doanh nghiệp khi các cơn sốt liên tục được tạo ra.
Không ai cấm việc mua baby three hay chạy theo xu hướng. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, đây không phải lần đầu tiên giới trẻ đổ xô vào những trào lưu mua sắm không thật sự cần thiết. Trước baby three, đã có gấu hồng, túi mù, dép cross "siêu to" hay thậm chí những món đồ chỉ hot trong vài tháng rồi nhanh chóng bị lãng quên đến những trào lưu ăn uống độc lạ. Câu hỏi đặt ra là: Sau khi trào lưu qua đi, những món đồ này sẽ đi về đâu? Đối với nhiều người, chúng sẽ bị vứt xó, bán lại với giá rẻ hoặc trở thành rác thải.
Trong khi đó, những thương hiệu tạo ra cơn sốt này sẽ tiếp tục tìm cách “gây nghiện” người tiêu dùng với những trào lưu mới, tiếp tục khai thác tâm lý FOMO và lòng khao khát “được công nhận” của giới trẻ, lại là một vòng lặp. Tâm lý mua sắm bốc đồng không chỉ khiến nhiều người trẻ tiêu tốn tiền bạc một cách không cần thiết mà còn tạo ra một lối sống dựa trên sự công nhận từ người khác thay vì thực sự hiểu giá trị của món đồ mà bản thân sở hữu.
Cuối cùng, liệu những món quà như kiểu baby three có đáng giá hay không? Câu trả lời có lẽ phụ thuộc vào việc xem đó là một món quà thật sự ý nghĩa hay chỉ là một cơn sốt nhất thời mà người tiêu dùng bị cuốn vào.
--------------------------
(*) https://tuoitre.vn/gioi-tre-cam-trai-xuyen-dem-xep-hang-va-vat-cho-mua-labubu-2024081610403951.htm
(**) https://vnexpress.net/do-xo-ban-do-choi-baby-three-thu-tien-ty-4823865.html