(KTSG Online) - Giá trị giao dịch mua sắm qua các nền tảng mạng xã hội trên toàn cầu sẽ đạt mức 1.200 tỉ đô la vào năm 2025, tăng gần 3 lần so với mức 492 tỉ đô la hiện nay, theo một báo cáo nghiên của hãng tư vấn và kiểm toán công nghệ thông tin Accenture, công bố hôm 4-1.
Báo cáo cho biết tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xã hội (social ecommerce) được thúc đẩy chủ yếu nhờ lực người người dùng mạng xã hội thuộc thế hệ Z (sinh từ năm 1997 - 2012) và thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981 - 1996).
Báo cáo dự báo doanh số bán hàng qua các mạng xã hội như Facebook, TikTok and WeChat sẽ tăng trưởng nhanh gấp ba lần so với các kênh thương mại điện tử truyền thống trong ba năm tới.
Báo cáo định nghĩa thương mại điện tử thông qua mạng xã hội có nghĩa là toàn bộ trải nghiệm mua sắm, từ phát hiện sản phẩm đến quá trình thanh toán, đều diễn ra trên một nền tảng mạng xã hội. Gần 2/3 (64%) người dùng mạng xã hội được khảo sát cho biết họ đã mua hàng trên mạng xã hội vào năm ngoái. Tỷ lệ này tương ứng với gần 2 tỉ người mua hàng qua các mạng xã hội trên toàn cầu.
Báo cáo ghi nhận người tiêu dùng ở các nước đang phát triển có xu hướng sử dụng mạng xã hội để mua sắm thường xuyên hơn so với các nước phương Tây.
Theo báo cáo, mặt hàng được kỳ vọng mua nhiều nhất qua các mạng xã hội toàn cầu là quần áo (chiếm 18% tổng trị giá thương mại điện tử xã hội vào năm 2025), tiếp đó là các sản phẩm điện tử tiêu dùng (13%), thực phẩm tươi sống và đồ ăn nhanh (13%) và đồ trang trí nhà cửa (7%).
Báo cáo của Accenture được thực hiện dựa trên một loạt cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện với 10.053 người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mỹ và Anh. Bên cạnh đó, Accenture cũng thực hiện các cuộc phỏng vấn ý kiến chuyên sâu với người mua sắm và người bán hàng trên mạng xã hội ở 5 thị trường trên.
"Đại dịch cho thấy có rất nhiều người sử dụng các nền tảng mạng xã hội như là điểm khởi đầu cho mọi hành vi trực tuyến từ đọc tin tức, giải trí cho đến liên lạc và trò chuyện”, Robin Murdoch, người đứng đầu bộ phận phần mềm và các nền tảng toàn cầu tại Accenture, nói.
Ông cho biết lượng thời gian của mọi người dành cho mạng xã hội tăng đều đặn, phản ánh mức độ thiết yếu của các nền tảng này trong cuộc sống hàng ngày. Ông nhận định các nền tảng mạng xã hội đang định hình lại cách mọi người mua bán hàng hóa và điều này cung cấp cho các nền tảng và thương hiệu cơ hội mới để tăng trải nghiệm người dùng và nguồn doanh thu.
Trong khi các doanh nghiệp lớn có thể nắm bắt những cơ hội to lớn, các cá nhân và thương hiệu nhỏ hơn cũng được hưởng lợi. Hơn một nửa (59%) người mua sắm trên mạng xã hội được khảo sát cho biết họ có nhiều khả năng ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi mua sắm qua thương mại điện tử xã hội hơn so với khi mua sắm qua các trang web thương mại điện tử. Hơn nữa, 63% cho biết họ có nhiều khả năng tiếp tục mua từ cùng một người bán. Điều này cho cho thấy lợi ích của thương mại điện tử xã hội trong việc xây dựng lòng trung thành và thúc đẩy hành vi mua sắm lặp lại.
“Thương mại điện tử xã hội giúp tạo ra sân chơi công bằng, được thúc đẩy bởi sức sáng tạo, sự khéo léo và sức mạnh của mọi người. Nó trao quyền cho các thương hiệu nhỏ và các cá nhân, khiến các thương hiệu lớn phải đánh giá sự phù hợp của họ với một thị trường với hàng triệu cá nhân”, Oliver Wright, Giám đốc bộ phận dịch vụ và hàng tiêu dùng toàn cầu tại Accenture, nói.
Wright cho rằng để phát triển thương mại điện tử xã hội thành công, các nhà sáng tạo nội dung, những cá nhân buôn bán hàng hóa và các thương hiệu phải đưa sản phẩm và dịch vụ của họ đến nơi người tiêu dùng đang và sẽ hiện diện.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát của Accenture cũng cho thấy có đến 50% người dùng mạng xã hội cho biết họ lo ngại hàng hóa mua qua mạng xã hội sẽ không được bảo hành hoặc có chính sách đổi trả đúng đắn. Điều cho thấy vấn đề thiếu niềm tin là rào cản lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của thương mại điện tử xã hội. Wright cho rằng những người bán hàng giải quyết được vấn đề này sẽ có cơ hội tốt hơn để tăng trưởng doanh thu và thị phần.
Theo Bloomberg, Business Insider