(KTSG Online) – Con giống nhiễm bệnh, tỷ lệ nuôi thành công thấp, tiêu tốn nhiều thức ăn khiến hiệu quả sản xuất của ngành tôm thấp, giá thành cao. Những yếu tố này khiến tôm Việt Nam không thể cạnh tranh để tăng thêm thị phần xuất khẩu và đạt mục tiêu kim ngạch 10 tỉ đô la.
Cánh cửa để con tôm mang về cho Việt Nam 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu trong tương lai vẫn còn. Tuy nhiên, mấu chốt cần giải quyết của câu chuyện này nằm ở chỗ phải giảm giá thành sản xuất để tăng thị phần lên.
- Xuất khẩu tôm phục hồi nhưng thách thức từ khu vực nuôi là rất lớn
- Cà Mau hướng đến xuất khẩu tôm đạt 1,65 tỉ đô la vào năm 2030

Năm 2025, ngành tôm phải đạt 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu như chỉ đạo của Chính phủ hồi năm 2017. Tuy nhiên, con số này được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhận định sẽ không đạt được.
Đến 2030 nhích lên 5-6 tỉ đô la Mỹ đã đáng mừng
Tại hội nghị phát triển ngành tôm năm 2025 diễn ra ở tỉnh Bạc Liêu hôm 14-2, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra con số kỳ vọng đạt được của ngành tôm năm 2025 là 4,3 tỉ đô la Mỹ, tức tăng khoảng 400 triệu đô la Mỹ so với năm 2024.
Trong khi đó, bà Trần Thuỵ Quế Phương, Chánh văn phòng VASEP kỳ vọng, xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2025 đạt kim ngạch khoảng 4,1-4,3 tỉ đô la Mỹ, tức tăng khoảng 5-10% so với năm 2024.
Với kim ngạch xuất khẩu tôm kỳ vọng đạt được như nêu trên trong năm 2025, chỉ đạt khoảng 43% mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ đô la Mỹ của mục tiêu kỳ vọng. Dù đã rất cố gắng, nhưng nhiều năm qua ngành tôm chỉ loanh quanh trên dưới 4 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, ông Tiến cho biết và thừa nhận, nếu không có đột phá, đến năm 2030 nhích lên 5-6 tỉ đô la Mỹ đã là điều đáng mừng.
Phát triển xuất khẩu tôm Việt Nam ì ạch nhiều năm qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, vấn đề môi trường nuôi xuống cấp, dịch bệnh gia tăng, chất lượng con giống không đạt…, là những yếu tố dẫn đến tỷ lệ nuôi thành công thấp, giá thành sản xuất cao. “Ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng do chất thải đô thị, công nghiệp và làng nghề…, khiến thuỷ sản nói chung và tôm nói riêng gặp rất nhiều thách thức trong phát triển”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn chứng.
Thực tế, con số được Cục thuỷ sản đưa ra cho thấy, vấn đề môi trường chiếm hơn 70% trong tổng số các nguyên nhân khiến tôm nuôi bị thiệt hại.
Trong khi đó, theo ông Tiến, dù 80% cơ sở sản xuất tôm giống được quản lý, nhưng còn tình trạng cơ sở nhiễm bệnh nhưng tôm giống vẫn được xuất ra, dẫn đến tốc độ tăng trưởng hạn chế, tỷ lệ nuôi thành công thấp, tiêu tốn quá nhiều thức ăn.
Tất cả những yếu tố nêu trên dẫn đến hiệu quả sản xuất của ngành tôm thấp, nhất là tình trạng giá thành sản xuất cao, khiến tôm Việt Nam không thể cạnh tranh để gia tăng thêm thị phần xuất khẩu nhằm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ đô la Mỹ.

Mấu chốt là giảm giá để tăng sức cạnh tranh
Dư địa cho ngành tôm Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu nhằm đạt mục tiêu 10 tỉ đô la Mỹ vẫn còn trong tương lai. Tuy nhiên, muốn hiện thực hoá, việc kéo giảm giá thành sản xuất là mấu chốt quan trọng nhất.
Theo bà Phương của VASEP, tôm Việt xuất khẩu đi 107 thị trường và vùng lãnh thổ, nhưng Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu tôm chính của Việt Nam, chiếm gần 76% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024. Tuy nhiên, tỷ trọng tôm Việt vẫn chiếm con số khá khiêm tốn so với tổng nhu cầu ở những thị trường này.
Chẳng hạn, tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt đạt 843 triệu đô la Mỹ năm 2024, trở thành thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm, tuy nhiên, thị phần tôm Việt Nam tại quốc gia tỉ dân này chỉ hơn 1,5%, đứng sau Ấn Độ, Ecuador và Canada.
Trong khi đó, với thị trường Mỹ, năm ngoái, doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang đây đạt 756 triệu đô la Mỹ, nhưng thị phần tôm Việt ở Mỹ cũng chiếm chỉ 19%. Còn với EU, thị phần tôm Việt cũng chỉ chiếm khoảng 13%.
Bà Phương của VASEP cho biết, Ấn Độ và Ecuador là những quốc gia xuất khẩu tôm chiếm thị phần hàng đầu ở Mỹ, EU và Trung Quốc, cho nên, Việt Nam muốn tăng thêm thị phần thì phải cạnh tranh hơn những đối thủ này.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú cho rằng, tôm Việt Nam muốn bán được thì phải hạ giá thành sản xuất để có giá bán cạnh tranh so với đối thủ. “Ecuador nuôi tôm loại 30-35 con/kg có giá thành sản xuất chỉ 2,6 đô la Mỹ/kg, cạnh tranh hơn rất nhiều so với Việt Nam nên chúng ta muốn bán được bắt buộc phải hạ giá”, ông cho biết.
Giá tôm Việt Nam cao hơn Ecuador khoảng 30% ở thị trường Mỹ, nhưng còn tiêu thụ được là nhờ vào phân khúc tôm sú và sản phẩm chế biến gia tăng cao- phân khúc vốn là thế mạnh riêng của Việt Nam. “Chúng ta bán được hàng giá trị gia tăng thôi, còn hàng không giá trị gia tăng (tôm thẻ chân trắng đông lạnh) chúng ta không bán được do giá thành quá cao so với đối thủ”, ông Quang dẫn chứng và tái khẳng định, Việt Nam muốn mở rộng thị phần phải khai thác mạnh hơn ở hàng không giá trị gia tăng bằng cách giảm giá thành sản xuất để cạnh tranh với Ấn Độ, Ecuador…
Đối chiếu sang khu vực sản xuất, dù diện tích nuôi tôm sú đạt 628.800 héc ta trong khi tôm thẻ chân trắng chỉ 121.000 héc ta năm 2024. Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng chiếm áp đảo khi đạt sản lượng 951.700 tấn trong khi tôm sú chỉ 338.800 tấn. Đây là con số cho thấy việc gia tăng thị phân cho phân khúc hàng “không giá trị gia tăng” là yêu cầu phải đẩy mạnh.
Muốn vậy, theo kinh nghiệm của ông Quang, phải nâng tỷ lệ nuôi thành công, nhưng giá thành sản xuất tôm phải giảm, bởi đây là con đường không chỉ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn giúp doanh nghiệp bán được hàng và có lãi.
Sau khi nghiên cứu, chúng tôi đưa ra bài học là phải quản trị rủi ro, tức chúng tôi chuyển hướng tiếp cận theo cách “y tế dự phòng cho con tôm”, thay vì kiểm soát dịch bệnh, an toàn dịch bệnh và xử lý nước sạch tất cả... khiến giá thành rất cao, ông cho biết.
Cách tiếp cận nuôi tôm theo phương thức “y tế dự phòng” là tăng cường sức khoẻ con tôm, tăng hệ miễn dịch cho tôm và môi trường tốt để tôm nuôi sống vượt qua bệnh, phát triển đến khi thu hoạch với giá thành thấp. Đây là cách tiếp cận của chúng tôi, ông Quang nhấn mạnh.
Ngoài ra, “vua tôm” Minh Phú gợi ý cần phải liên kết những người nông dân sản xuất nhỏ lẻ với nhau để hình thành vùng sản xuất lớn, bởi nuôi nhỏ lẻ nên không thể có được hệ thống cấp nước và thoát nước riêng. Điều này, dẫn đến dịch bệnh tăng, khiến giá thành đội lên rất cao. “Tỷ lệ sống thấp, đẩy giá lên rất cao cho nên chúng ta phải liên kết hợp tác lại thì nó sẽ giảm giá thành rất nhiều và tỷ lệ thành công nâng lên rất nhiều. Đó là mong muốn của tôm Minh Phú”, ông Quang nhấn mạnh.
Còn theo ông Tiến, cần giải quyết đồng bộ, chặt chẽ tất cả các khâu, bao gồm con giống, môi trường nuôi, thức ăn, kỹ thuật nuôi…, mới có thể đưa ngành tôm “bứt phá”, đạt mục tiêu 10 tỉ đô Mỹ trong tương lai.
Thay vì tìm mọi cách đẩy số lượng/ kim ngạch xuất khẩu. Nên tìm cách tăng chất lượng/ giá trị xuất khẩu. Đối với nông sản thực phẩm, mọi thứ thuộc về đất đai/ môi trường/ sông nước/ biển cả… đều có mức độ tới hạn cho phép. Kể cả khi cần thiết, nên hạn chế hoặc dừng xuất khẩu, chuyển hướng ngành nghề, từ bỏ những gì mà lâu nay ta vẫn nghĩ là ưu thế chính, riêng của mình.