Thứ Bảy, 5/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ đô la tôm năm 2025 đang khó về đích

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ đặt mục tiêu ngành tôm đạt 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025. Tuy nhiên, sau “hiệu lệnh” được đưa ra vào tháng 2 năm 2017, đến thời điểm hiện tại, số liệu xuất khẩu cũng như những người trong cuộc đều khẳng định không thể hoàn thành…

Mục tiêu 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu tôm vào năm 2025 không thể đạt. Ảnh: Trung Chánh

Từ chỉ đạo ngành tôm phải đạt 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, ngày 18-1-2018, Chính phủ đã có quyết định về ban hành kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Trong đó, đề ra những mục tiêu và kế hoạch hành động để hiện thực hoá.

Cụ thể, về giá trị kim ngạch xuất khẩu, kế hoạch giai đoạn 2017-2020 đạt mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân hàng năm là 10,79%, đạt 5,5 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, tôm nước lợ- một lợi thế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)- đạt 4,5 tỉ đô la Mỹ.

Còn giai đoạn 2021-2025, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt mức tăng trưởng bình quân 12,7% mỗi năm, đạt 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ là 8,4 tỉ đô la Mỹ.

Vậy, kết quả xuất khẩu thực tế ngành tôm Việt Nam đạt được trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay như thế nào?

Xuất khẩu tôm từ 2017 đến nay ra sao?

Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, năm 2017 ngành tôm đã mang về cho Việt Nam 3,85 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, tăng khoảng 22,3% so với năm 2016.

Tuy nhiên, bước sang năm 2018, tức sau chỉ đạo đưa ngành tôm hướng đến mục tiêu 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025, thì xuất khẩu loại thuỷ sản chủ lực này của Việt Nam chỉ đạt 3,55 tỉ đô la Mỹ, giảm 7,8% so với năm trước đó. Hai năm tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam lần lượt đạt 3,38 và 3,69 tỉ đô la Mỹ.

Nhìn kết quả xuất khẩu tôm Việt Nam từ năm 2017 đến 2020 tuy có sự thay đổi qua các năm, nhưng chưa có “đột biến” tăng trưởng nào. Điều này cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tôm trong giai đoạn này (2017-2020) vẫn còn thấp hơn mục tiêu kỳ vọng đặt ra rất nhiều (mục tiêu 5,5 tỉ đô la Mỹ).

Từ năm 2021 đến 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam lần lượt đạt 3,9 tỉ đô la Mỹ, 4,3 và 3,38 tỉ đô la Mỹ. Còn riêng 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm mang về cho Việt Nam 1,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ kết quả nêu trên có thể đưa ra dự đoán cả năm 2024, con tôm khó có thể mang về cho Việt Nam một lượng ngoại tệ quá 4 tỉ đô la Mỹ. Bức tranh xuất khẩu này cũng cho thấy, khả năng đến cuối năm 2025, ngành tôm vẫn khó đạt con số 5,5 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, chưa nói đến 10 tỉ đô la Mỹ.

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP khi trao đổi với KTSG Online nhấn mạnh, mục tiêu 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu tôm vào năm 2025 chắc chắn sẽ không đạt được. “Bây giờ 4 tỉ chưa xong đây, thì làm sao bây giờ?”, ông nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cafatex cũng khẳng định, xuất khẩu tôm chắc chắn sẽ không hoàn thành được kế hoạch đề ra, tức không đạt 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.

Thiếu hành động để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu tôm. Trong ảnh là nông dân thu hoạch tôm. Ảnh: Trung Chánh

Mục tiêu đột phá, hành động cầm chừng

Định hướng mục tiêu lớn cho ngành tôm có, thậm chí đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia để phát triển. Tuy nhiên, vì sao ngành tôm vẫn không tạo được “đột phá” nào trong suốt giai đoạn vừa qua?

Lý giải nguyên nhân khiến ngành tôm không đạt mục tiêu Chính phủ giao, ông Hoè của VASEP cho biết, trường hợp vấn đề giống, thức ăn lẫn quy hoạch được giải quyết, dịch bệnh cũng được kiểm soát, nhưng thị trường tiêu thụ khó khăn thì cũng khó tạo được “đột biến”

Theo ông, đánh giá ở thời điểm hiện tại, cần phải nhận thức chậm lại, cần thêm vài năm cho mục tiêu 10 tỉ đô la Mỹ. Bởi thị trường bị tác động bởi dịch Covid-19 những năm qua, ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại thế giới.

“Hình dung thị trường tôm thế giới là một cái bánh gồm nhiều nước chia nhau, muốn có 10 tỉ đô la Mỹ thì cái bánh đó phải lớn hơn hoặc ít nhất để có được mức tăng trưởng lớn hơn hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, tức bị chặn lại nên về mặt nào đó cũng ảnh hưởng”, ông Hoè cho biết và tái nhấn mạnh, đánh giá mục tiêu cũng nên đặt trong bối cảnh thị trường gặp khó để công bằng hơn.

Ngoài yếu tố thị trường, vị Tổng thư ký của VASEP cũng nhìn nhận, một số vấn đề nội tại của ngành như: dịch bệnh, giá thành cao…, rõ ràng cũng cần phải tiếp tục thay đổi để hoàn thiện. “Ví dụ, vấn đề giảm giá thành nuôi cũng là một yếu tố để cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay”, ông dẫn chứng và cho rằng, hiện tại khi sức mua yếu, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thì canh tranh về giá sẽ chiếm ưu thế.

Còn về mặt lâu dài, chế biến hàng giá trị gia tăng có thể giúp ngành tôm tăng trưởng mạnh hơn, theo ông Hoè.

Trong khi đó, ông Kịch của Cafatex cho rằng, ngành tôm đặt ra mục tiêu 10 tỉ đô la Mỹ, có kế hoạch hành động cho mục tiêu này, nhưng không triển khai các hành động tương xứng với nó nên không thể đạt được mục tiêu. “Mình nói 10 tỉ đô la Mỹ, nhưng cái lớn nhất ở nội tại của ngành, đó là không có ai tổ chức để đảm bảo mục tiêu cả”, ông nói.

Dẫn chứng được ông Kịch đưa ra cho thấy, tồn tại lớn nhất của ngành tôm Việt Nam là giá thành cao do giá thức ăn quá cao. “Đây là khẩu quan trọng, có liên quan đến người nông dân rất lớn, cũng giống như con cá, gia súc gia cầm, nhưng Việt Nam lại thiếu và yếu, thậm chí không có”, ông nhấn mạnh.

Điều kiện tự nhiên, đất đai nông nghiệp ở ĐBSCL rộng lớn, nhưng lại không có nguồn nguyên liệu để sử dụng, mà phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Vấn đề này ở nhiều hội nghị, nhiều doanh nghiệp gợi ý, nhưng chưa thấy triển khai. Do vậy ngành này thiếu cơ sở để đảm bảo theo số lượng cho 5-10 tỉ đô la Mỹ.

Đối với ngành tôm, vị chủ tịch HĐQT Cafatex cho biết, không chỉ thức ăn, mà còn quy hoạch, công nghệ, thị trường…, nhưng tất cả các khâu này hiện nay đều có vấn đề. “Giả sử bán hàng được, nhu cầu thế giới sẵn sàng trả tiền mua, thì Việt Nam cũng không có. Bởi lẽ, cách thức hiện nay là dân tự vận động, tự nuôi trồng tự kiếm cuộc sống qua đó giúp kiếm được doanh số xuất khẩu”, ông cho biết.

Thực tế sau khi Chính phủ đặt mục tiêu 10 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu tôm, kế hoạch hành động hầu như rất ít được đề cập tới. Thậm chí cũng không thấy tổng kết rút kinh nghiệm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới