(KTSG Online) - Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) xây dựng mục tiêu xuất khẩu ngành năm 2022 với ba kịch bản, trong đó kịch bản thấp nhất là vẫn đạt 38-39 tỉ đô la Mỹ, tương đương với kết quả thực hiện được của cả năm nay.
Nội dụng trên được đưa ra tại hội nghị tổng kết 2021 của Vitas vào ngày 17-12 được tổ chức trực tuyến và trực tiếp.
Theo Vitas, xuất khẩu hàng dệt may năm nay ước đạt 39 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Đây được xem là một nỗ lực đáng kể của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới chậm lại.
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diến biến rất phức tạp, khó lường. Song tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại, đồng thời Việt Nam đã thay đổi chính sách từ "zero Covid" sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP.
Theo báo cáo của IMF vào tháng 10-2021, tổng sản phẩm xuất khẩu hàng hóa của thế giới năm 2021 ước tính đạt 17,35 ngàn tỉ đô la, giảm 1,3% so với mức 17,58 ngàn tỉ đô la năm 2020 và giảm 8,75% so với năm 2019.
Vitas xây dựng mục tiêu xuất khẩu cho năm 2022 theo 3 kịch bản. Kịch bản tích cực nhất: phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỉ đô la, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quí 1-2022. Kịch bản trung bình là đạt 40-41 tỉ đô la, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm. Kịch bản thấp nhất là đạt 38-39 tỉ đô la, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.
Tại sự kiện, các tổ chức quốc tế, nhãn hàng, cố vấn ngành cũng đưa ra những đánh giá về thị trường dệt may toàn cầu trong năm 2022 và xu hướng của người tiêu dùng các nước. Theo đó, doanh nghiệp dệt may muốn giữ vững thị trường xuất khẩu và mở rộng sản xuất phải phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo thời gian giao hàng. Trong năm 2021, ngành dệt may của Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh có sự tăng trưởng cao nhờ cải thiện về công nghệ, năng suất, chất lượng nên doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải có chiến lược để tăng khả năng cạnh tranh.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà mua hàng quốc tế, song do tác động của dịch bệnh và lực lượng lao động chưa phục hồi, nên các doanh nghiệp còn thận trọng trong việc nhận nhiều đơn hàng mới.
Lãnh đạo Vitas cho biết sẽ luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động.
Tổ chức này thực hiện vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như ITMF, AFTEX, AFF…
Sự kiện nhằm nhìn nhận, đánh giá các hoạt động của ngành và của Vitas trong năm 2021, chỉ ra các công việc và giải pháp cần thiết mà doanh nghiệp hội viên và Vitas cần tập trung thực hiện trong chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2030.
Cùng ngày cũng có phiên hội thảo với các báo cáo trình bày về “Tác động của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 đến doanh nghiệp và người lao động dệt may”, “Biến đổi khí hậu trong ngành thời trang”, “Thương mại bền vững” và “Chuyển đổi xanh ngành dệt nhuộm: các giải pháp nhân rộng và tăng tốc”.