Thứ Ba, 22/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Muốn 4.0 thì không thể mạnh ai nấy làm

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng (app) VNeID của Bộ Công an và app VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giới thiệu là có thể thay thế nhiều loại giấy tờ và khuyến khích người dân sử dụng. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp sự tiện dụng này không bước vào được nơi mà lẽ ra phải được chấp nhận. Lý do là việc triển khai không đồng bộ.

Để quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (dữ liệu dân cư) được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip và thay thế các loại giấy tờ khác thì nơi tiếp nhận phải có máy đọc chip và máy tính kết nối vào dữ liệu dân cư. Thế nhưng không phải nơi nào cũng trang bị được hệ thống này, vì vậy ở nơi chưa trang bị thì dù có căn cước gắn chip, người dân vẫn phải dùng kèm bản giấy photocopy.

Trong khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố có thể dùng căn cước gắn chip ở gần 97% cơ sở khám chữa bệnh(1) thì tuần qua, người viết bài này tận mắt chứng kiến, hai người thân đi khám định kỳ tại hai bệnh viện lớn ở TPHCM vẫn phải nộp bản photocopy thẻ bảo hiểm y tế và căn cước, dù đã có căn cước gắn chip.

Hai bệnh viện này chỉ giải thích ngắn gọn, không có bản photocopy thì không nhận hồ sơ khám bệnh, còn việc Bảo hiểm xã hội nói không cần thì họ không biết. Là người đi khám bệnh, làm sao người dân có thể đôi co về chuyện này?

Ngành bảo hiểm xã hội nói rất nhiều về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0, nhưng với tài khoản dùng app VssID, nếu quên mật khẩu đăng nhập thì phải đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội để được cấp lại.

Trước đây, tài khoản VssID không yêu cầu nhập thông tin email, nhưng hiện tại nếu người dùng quên mật khẩu thì app này chỉ có một lựa chọn là gởi thông tin đặt lại mật khẩu qua email. Muốn thêm email vào tài khoản thì phải đăng nhập được, mà không đăng nhập được thì làm sao có email để đặt lại mật khẩu. Cái vòng lẩn quẩn này khiến người dùng VssID 4.0 vẫn phải dùng cách 0.4 là đến cơ quan bảo hiểm xã hội.

Chưa hết, dù có hệ thống công nghệ hiện đại nhưng khi thông báo ngưng nhận bảo hiểm thất nghiệp, người dân vẫn phải đến khai báo trực tiếp ở cơ quan bảo hiểm xã hội, không thể làm trực tuyến. Một người bạn của người viết bài nghỉ việc và nhận bảo hiểm thất nghiệp. Hai tháng sau anh này có việc và thông báo ngừng nhận bảo hiểm thất nghiệp. Để làm thủ tục liên quan đến nhận và cắt bảo hiểm thất nghiệp, người này phải đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội tổng cộng 5 lần!

App VNeID cũng là phiên bản điện tử của căn cước gắn chip, đang được giới thiệu rầm rộ là có thể thay nhiều loại giấy tờ sau khi người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Mới đây nhất ngành công an cho biết người lái xe ô tô có thể tích hợp bốn loại giấy tờ gồm giấy đăng ký xe, bằng lái, giấy đăng kiểm và giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc vào app VNeID(2).

Tuy nhiên, việc căn cước gắn chip và app VNeID với tài khoản định danh điện tử mức độ 2 là chiếc thẻ thần kỳ có thể thay thế hầu hết giấy tờ vẫn dừng ở mức kỳ vọng của Bộ Công an.

Minh hoạ cụ thể nhất là đầu năm 2023, khi Luật Cư trú có hiệu lực, lẽ ra sổ hộ khẩu giấy hết giá trị sử dụng thì chỉ cần xuất trình căn cước gắn chip. Thế nhưng, nhiều tháng sau đó, khi người dân làm thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực như việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở… thì sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận cư trú vẫn là yêu cầu bắt buộc người dân phải xuất trình.

Nếu tích hợp thêm giấy tờ xe, bằng lái vào căn cước gắn chip, người dân lo ngại làm sao có thể chứng minh khi lực lượng cảnh sát giao thông hay thanh tra giao thông kiểm tra mà không có máy đọc chip của căn cước. Khi đó, có khi lại thêm phiền toái là phải gọi người nhà mang bản giấy của giấy tờ lên.

Số liệu tại tọa đàm chuyên đề "Đánh giá mức độ thân thiện với người dùng của 63 cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh lần thứ nhất, năm 2023" do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức hôm 11-7 cho thấy, chỉ có 3,05% số người được được hỏi cho biết đã đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia và chỉ 1% trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh khi làm thủ tục hành chính.

Trong số 63 cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh vẫn còn 26 cổng dịch vụ công trực tuyến yêu cầu người nộp hồ sơ phải xuất trình bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp bản chụp trực tuyến. Còn 24 cổng dịch vụ công trực tuyến chưa cho phép trả hồ sơ trực tuyến mà chỉ trả kết quả qua bưu điện hoặc tới cơ quan nhận trực tiếp.

Nguyên nhân của tình trạng này là quy trình triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa hoàn chỉnh, các chức năng cung cấp dịch vụ chưa hoàn thiện và ít thân thiện với người dùng.

Các con số tỷ lệ rất thấp này cho thấy, dù nhiều cơ quan đầu ngành luôn nói đến công nghệ 4.0 và khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ trực tuyến, nhưng các đơn vị tiếp nhận vẫn còn yêu cầu bản giấy của giấy tờ vì không có máy đọc, vì chưa kết nối hệ thống dữ liệu dân cư và còn có thể do quán tính đã ăn sâu trong nhiều năm qua khó thay đổi.

Việc chuyển đổi số đòi hỏi phải đồng bộ, kèm theo đó các quy định bắt buộc triển khai. Nếu không thì người dân chỉ được ngắm bức tranh kỳ vọng đẹp về ứng dụng công nghệ 4.0 và vẫn phải tiếp tục ra tiệm photocopy khi làm thủ tục cho… chắc ăn.

-------------------------

(1) https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat-dong-he-thong-bao-hiem-xa-hoi.aspx?ItemID=20648&CateID=52

(2) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/se-khong-phai-mang-theo-4-loai-giay-to-xe-nho-tich-hop-tren-tai-khoan-dinh-danh-dien-tu-119230711152741145.htm

(3) https://www.vietnamplus.vn/cong-dich-vu-cong-quoc-gia-con-bi-han-che-ve-mat-ky-thuat/874266.vnp

3 BÌNH LUẬN

  1. Rất tiếc. Thời đại 4.0 nhưng tư duy và cách làm kiểu 0.4 còn tồn tại khắp nơi. Rất nhiều việc ta chỉ mới nói quá nhiều, mà không làm gì, hoặc làm không đến nơi đến chốn. Việc thiết thực trước hết là các trang chủ (website). Hầu như các bộ ngành quan trọng thì giao diện và chức năng của trang chủ đều rất kém, không có nhiều tiện ích/ thông tin/ hoặc thường xuyên lỗi giao tiếp. Một ví dụ, trang chủ có liên quan mật thiết đến người tiêu dùng (Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng – Bộ công thương), khi truy cập vào để phản ánh thông tin cũng phát sinh lỗi mãi… Bớt hô hào khẩu hiệu và cần quyết liệt hơn nữa thì mới thay đổi tình hình.

  2. SOS : Sorry/ Option/ Saybye. Nghĩa là, hệ thống dữ liệu và giao tiếp hiện đang có rất nhiều vấn đề, đặc biệt trong lĩnh vực công. Điều này khiến người dân phải luôn nhận được lời… xin lỗi, rất tiếc (sorry). Buộc phải lựa chọn phương cách khác (option). Nếu không có gì tiến bộ, đáng tin, có khả năng mọi người phải… tạm biệt thôi (saybye). Quay về ta tắm ao ta, cho chắc ăn ?

  3. Sau khi đăng ký định danh mức độ 2, dữ liệu câp nhật về lịch sử tiêm covid-19 của tôi đã bị sai lệch (chỉ có 2/3 mũi). Điều này cũng có nghĩa là dữ liệu dùng chung giữa các bộ ngành đã không được liên thông đúng chuẩn. Đó mới chỉ là một ví dụ nhỏ. Nhiều tiện ích quan trọng khác cần cho người dân trong các quan hệ giao dịch công vẫn chưa được triển khai. Quả là rất thách thức khi bàn đến câu chuyện chuyển đổi số trong thực tế đời sống, chứ không phải trên báo cáo, sao cho hoàn hảo. Không biết đến bao giờ …?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới