(KTSG Online) - Ngạn ngữ tiếng Anh có câu: “Early to bed and early to rise makes a man healthy, wealthy and wise” (tạm dịch: ngủ sớm và dậy sớm giúp ta khỏe mạnh, giàu có và thông minh). Tuy nhiên, đối với đa số trẻ con, phải thức dậy vào sáng sớm quả là một điều rất khó chịu; và nếu các em cứ phải lặp đi lặp lại điều này hàng ngày suốt cả một học kỳ hay năm học thì quả là một cực hình.
Báo Tuổi Trẻ vừa đăng bài viết tường thuật phụ huynh phản ảnh một số trường học tại TPHCM có lịch học vào buổi sáng quá sớm(1). Theo bài báo, có trường quy định tiết học đầu tiên bắt đầu vào 7 giờ 15 sáng, thậm chí 7 giờ, nghĩa là học sinh phải có mặt tại trường trước 7 giờ. Trừ lùi mốc thời gian này để tính cả thời gian học sinh cần để vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đến trường, rõ ràng nhiều em bị đánh thức rất sớm để đến trường kịp giờ.
Bài viết này xin bàn thêm vài điều về các lý giải cho việc học sinh phải bắt đầu học sớm như vậy.
Phải công nhận rằng một số giải thích từ các trường cho việc áp dụng thời khóa biểu tiết đầu tiên lúc 7 giờ sáng không phải là không có lý. Đó là tránh kẹt xe và áp dụng lịch học lệch giờ. Nhưng, theo người viết bài này, vẫn có những điều không được thuyết phục lắm, chẳng hạn như lệch giờ thì có thể sớm hơn hay trễ hơn, nên hà cớ gì học sinh cứ phải đi học sớm hơn mà không đi học muộn hơn?
Các tranh cãi kiểu này (anh thấy sớm, nhưng tôi thấy không sớm thì sao?) có khi sẽ không bao giờ dứt. Tuy vậy, xin lưu ý một điều: chúng ta cần chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, đặc biệt là học sinh nhỏ tuổi, học sinh tiểu học.
Bài báo Tuổi Trẻ cũng dẫn lời một bác sĩ nhi khoa có tiếng cho rằng cả việc trẻ phải đi học quá sớm kéo dài lẫn việc các em phải ăn trưa quá sớm (do bắt đầu buổi học quá sớm) đều “không phù hợp với chu kỳ sinh học của cơ thể học sinh”.
Ngạn ngữ ở đầu bài khuyên chúng ta nên dậy sớm. Nhưng cũng nên lưu ý rằng ngạn ngữ này nêu hai điều kiện: dậy sớm nhưng cũng phải ngủ sớm. Trẻ em càng nhỏ tuổi thì giấc ngủ của các em cần dài hơn và càng cần phải bảo đảm điều này. Nhưng cũng không thể bắt các em đi ngủ quá sớm được. Quy định về giờ học đầu tiên tại các trường phải tôn trọng điều này, cần tạo điều kiện để trẻ con ngủ đủ giấc.
Một trường trung học cơ sở quy định khối lớp bảy và lớp chín có mặt tại trường lúc 6 giờ 45 để học tiết đầu tiên vào lúc 7 giờ trong khi khối lớp sáu và lớp tám đến trường lúc 7 giờ rưỡi để bắt đầu học lúc 7 giờ 45. Về mặt sức khỏe lứa tuổi, sao không cho học sinh lớp sáu và lớp bảy bắt đầu học trễ hơn, trong khi hai khối lớp còn lại học sớm hơn? Có phải nhằm thuận tiện xếp thời khóa biểu cho thầy cô hay lý do gì khác?
Sẵn đây cũng xin nói thêm không phải cái gì “Tây” (theo nghĩa nước ngoài) cũng hay. Nhưng nếu họ thực sự hay hơn ta, chúng ta cũng nên bắt chước mà chẳng cần phải “tự ái” gì cả. Đa số các trường quốc tế ở thành phố này bắt đầu tiết học đầu tiên lúc 8 giờ hay 8 giờ rưỡi. Vì sao các trường công lập Việt Nam, đặc biệt là các trường tiểu học, không làm như vậy? Sẽ có vô vàn lý do để giải thích cho việc “khó làm như họ”, chẳng hạn họ có tiền, họ có xe đưa rước v.v… Tuy nhiên, theo người viết, vấn đề nằm ở chỗ suy nghĩ của chúng ta. Nếu chúng ta thực sự muốn làm, chúng ta sẽ làm được bằng một cách nào đó.
Cuối cùng, xin được dẫn lại lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, người được bài báo Tuổi Trẻ trích dẫn. Bác sĩ Khanh nói: “… khi đặt ra một quy định nào đó, chúng ta hãy đưa lợi ích của trẻ lên hàng đầu”. Theo ông, đặt ra những quy định gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ vì bất cứ lý do gì đều không nên làm. Lời khuyên này không chỉ có ích cho phụ huynh mà các nhà giáo dục, quý thầy cô cũng cần suy nghĩ thêm về nó.
-----------
1. phương án học lệch giờ, hoặc trễ hơn 7:30 sáng, sẽ xung đột với giờ đi làm của phụ huynh khi phải đưa đón con;
2. Hiện nay các gia đình thường để con xem tv, sử dụng thiết bị di động, máy tính để giải trí, lên mạng internet, …. nên thường đi ngủ rất trễ (9-10 giờ tối) nên sáng thức dậy trễ;
3. Trước đây lịch học bao nhiêu năm qua vẫn là 7:00, trễ lắm là 7:30, nhưng chẳng ai phản đối, vì chẳng có vấn đề gì cả. Thậm chí ở miền Nam trước 1975, học sinh cũng đi học vào khung giờ trên, mà theo giờ Hà Nội là 6:00 – 6:30!
Làm sao thay đổi được phương án đã quá quen thuộc bao năm nay rồi ? Lý do đơn giản là cách nuôi dạy con trẻ ở ta lâu nay luôn chạy theo ý chí chủ quan của người lớn (phụ huynh và chính quyền). Việc nghiên cứu đầy đủ tâm sinh lý con trẻ bằng phương pháp khoa học và nhân văn, rất tiếc đã bị bỏ qua phần lớn.
Toilet làm không xong. Sách giáo khoa vẫn chưa ổn. Giờ đi học còn nghiên cứu. Học phí, phụ phí cứ nộp đều. … Rõ khổ.