Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Muốn ‘hút’ khách cho xe buýt, hãy đi thử vài chuyến để biết!

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sáng sớm nay, một cậu thanh niên đã bị tài xế và tiếp viên trên xe buýt mắng vì cứ luống cuống đứng chờ cửa phía trước mở để lên xe như hướng dẫn chung mà không biết rằng, với xe ở tuyến này, khách thường phải lên từ cửa phía sau.

Có lẽ vừa ức, vừa mắc cỡ vì bị mắng oan trước mặt nhiều người nên cậu gần như cúi gằm suốt chuyến đi, chỉ ngẩng lên một chút khi đưa tiền mua vé và nhận lại tiền thừa từ tiếp viên.

Ở tuyến buýt từ trung tâm TPHCM đi Nhà Bè này, những hướng dẫn thường thấy khi đi xe buýt không mấy được áp dụng. Như chuyện lên - xuống xe, khách lạ mà nghe theo hướng dẫn đi xe buýt hoặc làm theo chỉ dẫn của hình vẽ mũi tên lên - xuống ở từng cửa xe là có thể bị mắng oan.

Với tuyến này, khách thường phải lên xe từ cửa sau hoặc theo cánh cửa mà tài xế muốn mở. Việc xuống xe cũng tương tự, tất cả tùy vào tài xế, có khi là từ cửa phía trước, lúc lại là cửa phía sau hoặc cả hai cửa; có khi tài xế dừng xe sát lề đường cho khách dễ xuống, có bữa chưa kịp dừng hẳn thì đã hối khách ra khỏi xe vì sợ không kịp chuyến…

Rồi “chuyện bên trong” xe buýt cũng lạ. Có lẽ vì gắn bó với xe quá lâu nên nhiều tài xế và tiếp viên đã biến chiếc xe buýt thành… nhà riêng. Trong “căn nhà” đó, lỉnh kỉnh nào là giỏ xách đựng cơm, thức ăn, rồi chén, tô dĩa để chuẩn bị cho việc dùng bữa. Mỗi khi giỏ đựng không hết thì những thanh ngang trên xe trở thành nơi để treo bịch bánh mì, bịch xôi đang bốc mùi ngào ngạt, và không ít lần hành khách đã bị các bịch đồ ăn này va vào đầu khi xe đi qua đoạn đường xấu hoặc dừng đột ngột.

Có bác tài lại tận dụng khoảng trống dưới dãy ghế ngồi để làm kệ đặt mấy đôi giày và thỉnh thoảng còn vứt luôn đôi giày ướt sũng ngay chân ghế ngồi làm khách phải ngồi nép một bên. Có lẽ, cũng vì coi xe là “nhà của mình” cho nên tiếp viên thường mặc nhiên coi chiếc ghế thoải mái trên xe là của “người nhà”. Người nào lỡ ngồi vào chiếc ghế ấy vì thấy trống (do tiếp viên đang đi bán vé) thì chắc chắn là sẽ bị mắng.

Còn trạm dừng? Ở chỗ đầu tuyến ngay tại trung tâm TPHCM thì khá khang trang. Những trạm này thường có mái che, có ghế ngồi. Nhưng cứ càng xa trung tâm thì các mái che và mấy chiếc ghế ngồi dần biến mất.

Vì vậy, để biết đâu là nơi đón xe, hành khách phải căng mắt nhìn vạch ký hiệu trạm dừng xe buýt được vẽ mờ mờ trên mặt đường. Nhưng đó chưa phải là thử thách lớn nhất, chỗ trạm dừng ở điểm cuối mới là… ghê - ghê theo đúng nghĩa đen - vì một bên đường là nơi đổ rác bốc mùi hôi còn bên kia là bùn đất do con đường chỉ mới đổ đá dăm. Vậy mà khách chẳng có lấy một chiếc ghế để ngồi chờ cho đỡ khổ!

Rồi chất lượng chiếc xe? Có lẽ cũng như mấy tuyến khác, tuyến gần thì thường có xe tốt, tuyến của doanh nghiệp làm riêng cho cư dân thì tốt hơn, dừng đỗ an toàn hơn, nhưng càng về vùng ven thì xe tốt lại càng hiếm. Bởi vậy, có bữa hành khách thót tim vì đang gần đến giữa cầu mà xe lại dở chứng, không muốn chạy tới mà cứ thụt lùi, hay có lúc xe vừa đi vừa phát ra tiếng "khục khịch" như người nghẹt mũi.

Đến đây có thể có người sẽ hỏi: xe buýt tệ vậy thì đi làm chi? Xin thưa là vì cần. Cứ càng xa trung tâm thì người dân lại càng cần xe buýt để đi lại, học hành, làm ăn, cho nên dù có ấm ức nhưng nhiều người vẫn phải sử dụng. Đáng lẽ, nhà cung cấp dịch vụ phải chăm sóc những khách này để vừa có lượng “hành khách trung thành” vừa hoàn thiện dịch vụ để tạo hình ảnh nhằm lôi kéo thêm khách mới. Thế nhưng, họ lại là những hành khách chịu nhiều thiệt thòi.

Thời gian gần đây, đã có nhiều khách quen trên tuyến này không còn đi buýt nữa, ngoài lý do cá nhân thì những nguyên nhân như vừa kể trên đã khiến họ chọn đi xe cá nhân dù biết sẽ đắt đỏ hơn và phải đối mặt trực tiếp với nạn kẹt xe.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng cho thấy tình hình tương tự, số lượng người dân bỏ xe buýt ngày càng nhiều. Thành phố có 126 tuyến xe buýt với gần 2.100 xe hoạt động nhưng lượng khách giảm dần theo từng năm. Đến năm 2020, lượng khách chỉ còn hơn 148 triệu lượt, năm 2021 còn 53 triệu lượt và tình hình trong những tháng vừa qua cũng không mấy sáng sủa.

Trong tháng 7 này, nhiều hội nghị, hội thảo đã được tổ chức để tìm cách thu hút khách cho loại hình vận tải này. Các ý kiến chính đưa ra hầu như không mới so với gần chục năm trước, thời điểm mà người ta cũng bàn nhiều về vấn đề này. Đó là cần phải phát triển hạ tầng với ba hạng mục gồm bến xe buýt, làn riêng cho xe buýt và trạm trung chuyển xe buýt.

Là người đi xe buýt mỗi ngày, tôi không quá kỳ vọng vào việc có làn riêng cho buýt vì hiểu việc này là khó khăn với điều kiện hạ tầng của nhiều thành phố lớn như TPHCM. Tuy nhiên, việc xây dựng những trạm dừng sạch đẹp, tạo nên bãi xe cho các hành khách ở xa trạm có thể gửi xe cá nhân để lên xe buýt... là những điều mà những người có trách nhiệm có thể làm ngay, kèm theo đó là nâng cao chất lượng phục vụ.

Đi xe buýt tuy giá vé rẻ nhưng đã mua vé thì hành khách là khách hàng và phải được đối xử tử tế, còn tài xế và tiếp viên phải là người phục vụ chứ không phải là chủ nhà và muốn “cho gì thì cho”.

Thiết nghĩ, nếu muốn thu hút khách cho phương tiện giao thông công cộng này nhằm thực hiện các mục tiêu lớn như giảm kẹt xe, giảm ô nhiễm môi trường… thì những người có trách nhiệm, các quan chức giao thông nên đi thử vài chuyến buýt để biết khách hàng cần gì và đáp ứng. Làm dịch vụ, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải thấu hiểu khách hàng.

2 BÌNH LUẬN

  1. Người dân tự biết sử dụng phương tiện giao thông nào thuận tiện, kinh tế và phù hợp với nhu cầu đi lại của họ. Việc của chính quyền là làm thế nào để đa số người dân thấy việc đi lại bằng xe buýt tốt hơn (về chi phí, sự thuận lợi, an toàn…) so với đi xe máy là khỏi phải kêu gọi gì cả.
    Đầu tiên là bớt tham nhũng để ngân sách có tiền đầu tư cho giao thông nhiều hơn.
    Nhân viên giao thông công cộng phải được đào tạo một cách chuyên nghiệp.
    Người già, trẻ em được đi xe buýt miễn phí. Học sinh, sinh viên được giảm giá tối đa.
    Người lao động dùng xe buýt đi làm được hỗ trợ thêm tiền coi như một khoản phụ cấp.
    Xe chạy nhiều tuyến và nối tuyến để người dân không phải đi bộ quá xa.
    Xe hoat động tới đêm (tần suất càng khuya càng giảm dần để tránh lãng phí do ít khách).
    Thời gian đầu phải chấp nhận lỗ (bù từ ngân sách) để tạo thói quen sử dụng phương tiện GTCC.
    Còn cứ để tình trạng chắp vá như hiện nay thì xin phép nói thẳng: có mà kêu gọi khản cổ cũng vô ích!
    Nhân đây cũng nói thêm rằng việc dành làn riêng cho xe buýt chỉ như tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Đường bé, xe máy đông như kiến trong khi làn kia trống trơn vì dành cho xe buýt. Khi tới giao lộ xe buýt cũng phải chờ đèn giao thông như mọi phương tiện khác mà đường nội đô ở HN cũng như tp HCM thì dày đặc các giao lộ. Vậy thử hỏi xe buýt đi nhanh hơn được bao nhiêu?

  2. Ôi mấy ông mà đi thử xe buýt thì sẽ có bình đoàn hộ tống, đưa xe mới, nhân viên lịch sự phục vụ, làm sao mà thấy được bất cập. Chỉ có vợ con, người yêu mấy ông đi rồi phàn nàn thì may ra cái tuyến đó bị nhắc nhở. Nhưng vợ con mấy ông thì chắc chẳng bao giờ bước chân lên xe buýt. Cho nên tầm 20 năm nữa chắc cũng vậy, rồi mai mốt tới metro thì chắc cũng vậy thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới