Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Muốn là đảo ngọc, Phú Quốc cần tránh lặp lại sai lầm của Bali

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đảo Bali có hơn 4 triệu dân với diện tích 5.632 ki lô mét vuông, gần gấp 10 lần đảo Phú Quốc về diện tích. Cùng là điểm đến của du lịch xanh, tình trạng ô nhiễm rác thải và nguồn nước trầm trọng của đảo Phú Quốc(*) đang lặp lại vết xe đổ của đảo Bali trước đây. Tuy nhiên, cách làm của Bali để thoát khỏi ô nhiễm khá đồng bộ và cương quyết, rất đáng để Phú Quốc tham khảo trước khi quá muộn.

Ruộng lúa bậc thang tuyệt đẹp ở Bali gắn liền với hệ thống Subak. Ảnh: Ecobnb

Từ thập niên 1990, Bali đã chuyển mình từ một hòn đảo nghèo thành thiên đường du lịch. Trong giai đoạn 2000-2019, số du khách đến đây tăng gấp bốn lần, lên đến hơn 6,3 triệu người/năm, cao hơn so với dân số 4 triệu người trên hòn đảo này.

Mặt trái của du lịch bùng nổ là Bali phải vật lộn với việc bảo vệ môi trường và văn hóa bản địa. Chỉ tính riêng ô tô chở khách và hàng hóa tại Bali đã tăng hơn năm lần trong 20 năm qua, lên đến 4,5 triệu chiếc vào năm 2020, kéo theo tình trạng ô nhiễm từ khí thải động cơ.

Du khách quốc tế đóng góp tới hơn 50% nền kinh tế của Bali. Đường phố đông đúc du khách còn bãi biển thì tràn ngập rác thải nhựa. Một nghiên cứu của Chính phủ Na Uy cho thấy bình quân một người dân địa phương Bali thải ra 0,5 ký rác mỗi ngày nhưng con số này ở mỗi du khách lên đến 1,7 ký.

Bali ô nhiễm đã góp phần biến Indonesia trở thành nước gây ô nhiễm biển đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Cơ quan Bảo vệ môi trường Bali thống kê có đến khoảng 36.000 tấn rác nhựa thải ra trên đảo mỗi năm và chỉ 60% được xử lý, phần còn lại bị thải ra biển. Hậu quả của tình trạng này là mỗi năm có thêm hơn hàng chục ngàn tấn rác nhựa đổ xuống biển Bali.

Số liệu đến năm 2018 cho thấy, mỗi ngày Bali thải ra 4.281 tấn rác và chỉ có khoảng 48%, tức hơn 2.000 tấn được xử lý bao gồm tái chế và chở về đất liền xử lý. Phần còn lại có đến 452 tấn (11%) xả thẳng ra sông suối, biển và 944 tấn (22%) tồn đọng tại các bãi rác trên đảo.

Chống ô nhiễm đi đôi với bảo vệ người yếu thế

Chính quyền địa phương Bali đã không nhắm mắt làm ngơ hay than thở bất lực trong cuộc chiến chống ô nhiễm. Nhận thấy ô nhiễm đã quá nghiêm trọng, chính quyền Bali đã tuyên bố tình trạng ô nhiễm khẩn cấp và thông qua hàng loạt quy định siết chặt bảo vệ môi trường trong 5 năm gần đây.

Rác thải nhựa tràn ngập bãi biển Bali, ảnh chụp năm 2019. Ảnh: NAT Geo

Cuối năm 2017, Bali áp dụng tình trạng khẩn cấp về rác thải trên 6 ki lô mét bờ biển của khu vực Jimbaran, Kuta và Seminyak. Sau đó, 700 máy quét dọn và 35 xe tải đã được điều đến để chuyển khoảng 100 tấn rác trên biển mỗi ngày đến một bãi rác gần đó. Đối với rác thải nhựa, từ năm 2019, Bali cấm loại nhựa dùng một lần như túi mua sắm nhựa, xốp và ống hút nhựa, nhằm thực hiện mục tiêu giảm 70% lượng nhựa thải ra biển trong vòng một năm.

Du khách nước ngoài làm tình nguyện viên dọn rác bãi biển Bali. Ảnh: NAT Geo

Qua năm 2020, Thị trưởng Bali đã ban hành một văn bản luật về du lịch được ghi nhận là mạnh mẽ trong việc bảo vệ người dân bản địa và môi trường khỏi các thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai, bảo đảm sự phát triển bền vững cho hòn đảo. Văn bản này là sắc lệnh số 28, quy định tất cả hoạt động liên quan đến du lịch và cơ sở dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn… phải thông qua một hệ thống phê duyệt trước khi hoạt động.

Điểm tiến bộ trong sắc lệnh này là cấm các doanh nghiệp du lịch cản trở đường đi vào khu vực sinh sống của cộng đồng người bản địa vốn là nhóm người yếu thế, cấm chiếm các khu vực công cộng như bãi biển “làm của riêng”, cấm di dời, làm hư hại hay gây ô nhiễm các công trình tiện ích công cộng. Sắc lệnh 28 là nền tảng pháp lý để xử phạt nghiêm khắc khi các doanh nghiệp du lịch gây hại cho môi trường hay chất lượng cuộc sống của người dân bản địa.

Sắc lệnh 28 cũng nghiêm cấm việc trục xuất người dân bản địa Bali khỏi các vùng đất của họ. Các doanh nghiệp du lịch lớn cũng được yêu cầu bố trí khu vực cho các doanh nghiệp nhỏ của người dân địa phương bán hàng hóa hay cung cấp dịch vụ cho du khách.

Ông Wayan Koster, Thị trưởng Bali nhấn mạnh, sắc lệnh này sẽ giúp quản lý doanh nghiệp du lịch tốt hơn, giúp hòn đảo này phát triển bền vững, bảo vệ Bali trong tương lai dài hạn tránh hậu quả do phát triển nóng và ô nhiễm gây ra.

Giữ gìn Subak để làm du lịch xanh

Cảnh quan văn hóa của Bali bao gồm 5 khu ruộng bậc thang và các đền thờ nước, chiếm diện tích 19.500 héc ta với khoảng 1.200 tổ hợp tác xã nước và từ 50 tới 400 nông dân quản lý việc cung cấp nước. Các ngôi đền là trọng tâm của một hệ thống hợp tác quản lý nước, gồm các kênh mương và đập tràn, được gọi là Subak.

Du khách đến ngắm cảnh hoàng hôn trên bãi biển Bali và thường để lại phía sau họ rác thải nhựa. Ảnh: NAT Geo

Subak là hệ thống quản lý nước cho các cánh đồng lúa ở đảo Bali đã phát triển hơn 1.000 năm trước. Subak phản ánh khái niệm triết lý Tri Hita Karana, gộp các lĩnh vực tinh thần, thế giới con người và thiên nhiên lại cùng nhau. Triết lý này sinh ra từ sự trao đổi văn hóa giữa Bali và Ấn Độ trong vòng trên 2.000 năm qua và nó đã định hình cảnh quan của Bali.

Từ vài thập niên qua, Bali như một thỏi nam châm hút khách du lịch trên toàn thế giới đến Indonesia. Năm 2018 có 38% số du khách nước ngoài ghé Bali khi đến Indonesia. Du lịch bùng nổ khiến mỗi năm có khoảng 1.000 héc ta ruộng lúa được chuyển đổi thành nhà cửa và các cơ sở du lịch. Tình trạng này đe dọa nghiêm trọng đến hệ thống canh tác lâu đời này, đặc biệt là có thể làm hệ thống Subak độc đáo biến mất.

Nhận thức được điều này, chính quyền và các nhà khoa học đã tiến hành nhiều hoạt động bảo tồn Subak. Năm 1981, bảo tàng Subak được thành lập tại Tabanan, Bali. Đến tháng 6-2012, hệ thống canh tác Subak cuối cùng đã được đưa vào danh sách di sản thế giới của UNESCO(**).

Di sản thế giới này bao gồm 5 khu vực làm ví dụ minh họa cho các thành phần tự nhiên, tôn giáo và văn hóa kết nối liên thông của hệ thống Subak truyền thống, nơi mà hệ thống Subak vẫn còn vận hành hoàn hảo, nơi nông dân vẫn trồng lúa theo kiểu truyền thống của Bali mà không cần sự trợ giúp của phân bón hay thuốc trừ sâu.

Phát huy sức mạnh cộng đồng

Đồng hành cùng chính quyền Bali còn có người dân và cả du khách tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và đạt hiểu quả khá tốt. Cảnh không hiếm gặp trên bãi biển Bali là những toán tình nguyện viên là du khách đi nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh.

Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường, tổ chức phi chính phủ cũng tham gia tích cực vào việc giải cứu Bali khỏi ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm nhựa. Chẳng hạn như tổ chức Bye Bye Plastic Bags (tạm dịch: Giã biệt túi nhựa) do hai chị em gái Melati và Isabel Wijsen sáng lập năm 2013 khi họ mới 10 và 12 tuổi. Hiện tại, đây là một trong những tổ chức bảo vệ môi trường không vì lợi nhuận lớn nhất ở Bali.

Bye Bye Plastic Bags tổ chức nhiều chương trình giúp thay đổi nhận thức về ô nhiễm nhựa vì nhiều người dân địa phương vẫn cho rằng đồ dùng nhựa rất tốt. Hai nhà hoạt động môi trường “nhí” này đã khá thành công trong việc tiếp cận giúp trẻ em nói không với túi nhựa và hiểu được hậu quả do ô nhiễm rác nhựa gây ra cho Bali.

Một tổ chức khác cũng được ghi nhận đóng góp tích cực cho việc xử lý rác thải là One Island One Voice. Tổ chức này định kỳ tổ chức các cuộc dọn vệ sinh bãi biển, thu gom rác thải với quy mô lớn. Trong sáu năm qua, tổ chức này đã vận động 70.000 người tham gia dọn dẹp 560 địa điểm ở Bali, thu gom được 203 tấn chất thải rắn không để chìm xuống biển.

Hoạt động của các tổ chức bảo vệ môi trường trên đảo Bali rất đa dạng. Với tổ chức Bali Fokus Foundation do bà Yuyun Ismawati sáng lập từ năm 1996, hoạt động của họ nhằm giúp người dân giảm rác thải từ gia đình. Tổ chức này còn giúp người dân tăng thu nhập nhờ chế biến rác thải từ các khách sạn, resort lớn. Năm 2003, Bali Fokus Foundation xây dựng xưởng xử lý rác thải rắn với 40 người dân địa phương tham gia làm việc. Họ không chỉ được lợi từ nguồn thu từ tiền bán rác tái chế được mà còn có thêm phân bón từ nguồn rác hữu cơ.

Trong quá trình phát triển du lịch, Bali cũng phải vật vã trải qua những làn sóng ô nhiễm, xây dựng bừa bãi, người yếu thế bị đứng ngoài rìa xã hội. Tuy nhiên, dù còn những bất cập, người dân và chính quyền Bali đã rất đồng thuận trong việc cùng nhau bảo vệ môi trường, di sản văn hóa bản địa để hướng tới tương lai phát triển bền vững trong dài hạn. Đây là mô hình Phú Quốc nên tham khảo vận dụng, nhất là sự cương quyết từ phía chính quyền trong việc thực hiện các mục tiêu cứu môi trường đã đề ra.

(*) Không đánh đổi môi trường: đừng chỉ hô khẩu hiệu - KTSG số 33-2022, phát hành ngày 18-8-2022.

(**) https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000260977

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới