(KTSG Online) - Chính phủ Mỹ công bố các mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao kỷ lục đối với pin mặt trời nhập từ bốn nước Đông Nam Á gồm Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Campuchia chịu mức thuế nặng nhất, lên đến 3.521%.
Động thái này là chiến thắng lớn cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời ở Mỹ nhưng sẽ đẩy ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của nước này vào cơn bão khó khăn mới.
- Ngành pin mặt trời Đông Nam Á đối mặt thuế phạt của Mỹ
- Điện tái tạo tăng trưởng kỷ lục nhờ pin mặt trời ngày càng rẻ

Hôm 21-4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố các mức thuế chống bán phá từ 6,1% đến 271,28% và thuế chống trợ cấp từ 14,64% đến 3.403,96 % đối với các nhà sản xuất pin mặt trời ở bốn nước Campuchia, Malaysia và Thái Lan và Việt Nam.
Các mức thuế mới là kết quả một năm điều tra và DOC kết luận các nhà sản xuất tấm pin mặt trời ở bốn nước này hưởng trợ cấp “bất công” và bán phá giá sang Mỹ. Cuộc điều tra, khởi xướng dưới thời Tổng thống Joe Biden theo kiến nghị của một liên minh đại diện cho nhà sản xuất tấm pin mặt trời trong nước.
Liên minh này cáo buộc, các nhà máy ở Đông Nam của các công ty sản xuất pin mặt trời Trung Quốc bán tấm pin mặt trời sang Mỹ với giá dưới mức chi phí sản xuất và nhận được trợ cấp từ Bắc Kinh.
Thông tin đăng tải trên trang web của DOC cho thấy, đa số các nhà xuất khẩu pin mặt trời ở Việt Nam bị áp mức thuế chống bán phá giá 82,65%. Đối với những công ty không hợp tác trong cuộc điều tra của DOC, mức thuế này sẽ là 271,28%. Trong khi đó, mức thuế chống trợ cấp đối với một số công ty có nêu tên cụ thể dao động từ 68,15% đến 542,64%.
Chẳng hạn, các công ty như GEP New Energy Viet Nam Company Limited, HT Solar Vietnam Limited Company, Shengtian New Energy Vina Co., Ltd, Vietnam Green Energy Commercial Services Company Ltd chịu mức thuế 542,64%, được tính toán trên thông tin sẵn có bất lợi, do các công ty này không trả lời câu hỏi của DOC hoặc trả lời không đầy đủ nên bị kết luận không hợp tác.
Các nhà xuất khẩu pin mặt trời ở Campuchia chịu mức thuế chống trợ cấp lên đến 3.403,96% do rút khỏi các cuộc điều tra của DOC. Kết hợp với mức thuế chống bán phá giá 117%, một số nhà xuất khẩu của Campuchia đối mặt mức thuế tổng cộng hơn 3.521%.
Trong số những công ty bị áp thuế mới, có nhiều công ty đến từ Trung Quốc như Jinko Solar, Trina Solar, JA Solar. Jinko Solar bị đánh thuế khoảng 245% đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam và 40% đối với hàng xuất khẩu từ Malaysia. Hàng xuất khẩu của Trina Solar từ Thái Lan đối mặt với mức thuế 375% và hơn 200% từ Việt Nam.
Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về các mức thuế mới vào tháng Sáu tới sau khi xem xét liệu pin mặt trời nhập khẩu có gây tổn hại lớn cho ngành công nghiệp pin mặt trời nội địa hay không.
Quyết định trên của DOC mang lại chiến thắng cho ngành sản xuất pin mặt trời Mỹ với các công ty được hưởng lợi bao gồm Hanwha Qcells, First Solar.
Tuy nhiên, đòn thuế này lại như “gáo nước lạnh” dội vào các nhà phát triển năng lượng tái tạo Mỹ, những bên từ lâu phụ thuộc vào nguồn cung thiết bị năng lượng mặt trời giá rẻ từ nước ngoài.
Theo Công ty tài chính Năng lượng mới Bloomberg (BloombergNEF), Mỹ nhập 12,9 tỉ đô la thiết bị năng lượng mặt trời từ Campuchia, Malaysia và Thái Lan và Việt Nam trong năm ngoái, chiếm tới 77% tổng lượng module pin mặt trời nhập khẩu.
Chưa hết, các mức thuế mới còn cộng dồn với loạt thuế quan đối ứng do Tổng thống Donald Trump áp đặt, đe dọa làm đảo lộn chuỗi cung ứng và thị trường thiết bị năng lượng mặt trời toàn cầu.
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), được thông qua dưới thời Tổng thống Joe Biden khơi dậy làn sóng đầu tư vào các nhà máy sản xuất pin mặt trời mới khắp nước Mỹ. Thế nhưng, các sản xuất cảnh báo, những nhà máy này đang bị đe dọa bởi các đối thủ ngoại bán phá giá.
“Đây là thắng lợi quyết định cho ngành sản xuất tấm pin mặt trời của Mỹ” Tim Brightbill, đồng chủ tịch nhóm luật thương mại quốc tế của hãng luật Wiley Rein bình luận. Ông khẳng định các công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã “đánh lừa hệ thống” bằng cách chuyển sản xuất sang Đông Nam Á đế né thuế quan của Mỹ, làm suy yếu doanh nghiệp pin mặt trời Mỹ.
Các công ty pin mặt trời Trung Quốc đang chuyển sản xuất sang các nước chưa bị Mỹ áp thuế như Indonesia và Lào. Theo BloombergNEF, Indonesia dự kiến đạt 20 GW công suất sản xuất pin mặt trời do nước ngoài sở hữu vào giữa năm nay, từ mức chỉ 1 GW vào cuối 2022.
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu pin mặt trời ở các nước như Ấn Độ, Indonesia, Lào có thể bị Mỹ nhắm đến trong đợt thuế mới vào cuối năm nay, theo công ty tư vấn đầu tư Roth Industries.
JA Solar, có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết đang theo dõi sát sao tình hình thuế quan và đẩy mạnh toàn cầu hóa, với nhà máy mới tại Oman sẽ vận hành cuối 2025, có công suất pin và module tổng cộng 9GW.
Theo Bloomberg, Reuters