Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ đàm phán thiết lập các tuyến xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và các nước liên quan khác để giúp thiết lập các tuyến xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Nỗ lực của Mỹ diễn ra sau khi Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc ra thị trường toàn cầu thông qua biển này.

Một bến cảng xuất khẩu ngũ cốc tại cảng Constanta của Romania ở Biển Đen. Cảng này là điểm trung chuyển cho ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine. Ảnh: Getty

Kế hoạch do Mỹ hậu thuẫn liên quan đến mục tiêu tăng năng lực xuất xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine lên 4 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng qua tuyến đường sông Danube kể từ tháng 10 tới. Với chiều dài 2.850 km, Danube là sông dài thứ hai ở châu Âu, bắt nguồn từ vùng Rừng Đen của Đức và chảy qua nhiều nước Trung Âu, Đông Âu trước khi đổ vào Biển Đen.

Theo kế hoạch, phần lớn ngũ cốc của Ukraine sẽ được vận chuyển dọc sông Danube, đi qua Biển Đen, rồi đến các cảng lân cận ở Romania, trước khi vận chuyển đến những nơi khác. Dù dài hơn và tốn kém hơn, tuyến đường này sẽ hoạt động như một giải pháp thay thế cho hành lang vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen được thiết lập vào năm ngoái theo thỏa thuận giữa Ukraine và Nga thông qua sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc.

Hồi tháng 7, Nga đã rút khỏi thỏa thuận này, khiến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ 3 cảng xung quanh vùng Odesa bị tạm dừng, đồng thời dẫn đến xung đột leo thang ở Biển Đen. Các lực lượng Nga đã phát động làn sóng tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các cảng của Ukraine trong những tuần gần đây. Hôm 14-8, một tàu chiến của Nga đã bắn cảnh cáo nhằm vào một tàu thương mại hướng đến Ukraine.

Kế hoạch của phương Tây về các lựa chọn thay thế cho sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen cho thấy Mỹ, Ukraine và các nước châu Âu đang chuẩn bị cho kịch bản Nga không tham gia lại sáng kiến kịp thời để cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc trong vụ thu hoạch mùa hè và mùa thu.

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đóng vai trò quan trọng để giúp giữ giá lương thực toàn cầu ở mức thấp, vì Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì, bắp và dầu hướng dương hàng đầu thế giới.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, giá lương thực đã tăng 10% kể từ khi Nga rút khỏi sáng kiến này vào tháng trước.

Nỗ lực tăng năng lực xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua sông Danube diễn ra song song với nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc nhằm thuyết phục Nga quay trở lại sáng kiến ngũ cốc Biển Đen

Các nhà ngoại giao cho biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang chịu áp lực phải khôi phục sáng kiến trước khi ngũ cốc Ukraine thu hoạch bắt đầu chất đống trong các nhà kho vào đầu tháng 9.

Trong khi đó, Mỹ đang xem xét tất cả các giải pháp tiềm năng, bao gồm cả giải pháp quân sự, để bảo vệ các tàu đến và đi từ các cảng ở phần sông Danube chảy qua Ukraine, một quan chức ở Washington cho biết.

“Chúng tôi sẽ xem xét mọi thứ”, vị  quan chức này nói về những nỗ lực bảo vệ tuyến đường vận chuyển ngũ cốc trên sông Danube.

Các quan chức cấp cao của Mỹ đã thảo luận nỗ lực này với các nhà lãnh đạo từ Ukraine, Moldova và Romania, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại một cuộc họp ở thành phố Galati của Romania hôm 11-8. Bộ trưởng Giao thông vận tải Romania sau đó nói với các phóng viên rằng Romania sẽ cho phép Ukraine tăng gấp đôi sản lượng ngũ cốc trung chuyển ở nước này, lên 4 triệu tấn mỗi tháng.

Kế hoạch của Mỹ sẽ dựa vào một phần sáng kiến của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thiết lập các tuyến đường bộ, đường sắt và đường biển, được gọi là “các tuyến đường đoàn kết”, để đưa ngũ cốc và các hàng hóa khác vào và ra khỏi Ukraine một cách thuận lợi nhất có thể.

EU đã đưa ra sáng kiến trong những tháng đầu tiên sau chiến sự Ukraine, trong đó, nhất trí vận chuyển hàng hóa quá cảnh bằng đường bộ không cần giấy phép giữa Ukraine, Moldova và EU. Kể từ đó, EU đã đầu tư vào một loạt các dự án cơ sở hạ tầng để tạo ra các tuyến đường xuất khẩu nhanh hơn và đơn giản hóa các thủ tục hải quan.

Kể từ tháng 5-2022, các tuyến đường này đã giúp vận chuyển 41 triệu tấn ngũ cốc từ Ukraine, nhiều hơn đáng kể so với lượng ngũ cốc mà Ukraine xuất khẩu thông qua sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.

Tháng trước, Cao ủy Nông nghiệp của EU, Janusz Wojciechowski cho biết, trong vòng vài tháng, các tuyến đường đoàn kết của khối có thể thay thế cho tất cả các tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen của Ukraine.

Các quan chức EU tin rằng khối này có thể cho phép Ukraine xuất khẩu trung bình từ 5 -5,5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng. Con số cao nhất mà EU đạt được cho đến nay là hỗ trợ Ukraine xuất khẩu 4,2 triệu tấn ngũ cốc vào tháng 11 năm ngoái. Trong tháng 6, Ukraine chỉ xuất khẩu 3 triệu tấn ngũ cốc thông qua sáng kiến của EU. Theo các quan chức EU, tuyến đường sông Danube chiếm phần lớn lượng hàng xuất khẩu này, khoảng 60%. Vào thời kỳ đỉnh cao, sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cho phép Ukraine xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng từ ba cảng xung quanh Odesa vào năm ngoái.

Tuy nhiên, các tuyến đường đoàn kết cũng đối mặt vô vàn thách thức. Một số tuyến đường này không đủ nhân sự và nguồn lực để nhanh chóng thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và  thủ tục hải quan cần thiết đối với hàng hóa. Điều này đôi lúc gây ra tình trạng tồn đọng, khiến chi phí vận chuyển đường bộ tăng cao, đẩy tăng giá ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine. Đã có những cuộc tranh cãi, hiện đã được giải quyết, giữa Ukraine và Romania về việc Ukraine nạo vét các kênh vận chuyển ở đồng bằng sông Danube.

Các quan chức Mỹ cho biết, họ đang thảo luận về việc cải thiện hiệu quả của tuyến đường sống Danube để cho phép các tàu lớn hơn vận hành.

Kể từ khi Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, sông Danube là tuyến xuất khẩu ngũ cốc duy nhất còn lại của Ukraine qua Biển Đen, với các tàu nhỏ hơn thường lệ vận chuyển ngũ cốc đến cảng ở Romania, Bulgaria và các địa điểm khác trước khi đưa ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, Nga đang đe dọa phong tỏa tuyến đường sông Danube và đã phát động tấn công bằng máy không người lái vào cảng Izmail ở con sông này hồi đầu tháng. Nga cũng đe dọa tất cả các tàu thương mại đến Ukraine, điều mà các nhà phân tích quân sự cho rằng thực chất là nhằm ngăn chặn hoạt động vận chuyển dân sự đến và đi từ cảng của Ukraine.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới