Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ đưa công ty vốn mạo hiểm Trung Quốc vào danh sách đen

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lầu Năm Góc đã đưa công ty đầu tư mạo hiểm và quỹ cổ phần tư nhân IDG Capital Partners có trụ sở ở Bắc Kinh vào danh sách đen các thực thể được xem là quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc và có thể bị trừng phạt.

Lầu Năm Góc đã bổ sung tên của IDG Capital Partners và 16 công ty đang hoạt động tại Mỹ được xác định là các thực thể có liên quan đến quân đội Trung Quốc hôm 31-1. Ảnh: Bloomberg

Đối đầu địa chính trị Mỹ - Trung đã lan từ thương mại, sang công nghệ và giờ đây là vốn cho công nghệ. Giới phân tích tin rằng dòng vốn mạo hiểm sẽ không còn “ngây thơ”, ngày càng manh mún sau quyết định này.

Ln đu tiên, mt công ty vn mo him bị trừng phạt

IDG Capital nằm trong số 17 cái tên mới đươc cập nhật của Bộ Quốc phòng, gồm những thực thể được xác định là “công ty quân sự Trung Quốc” hoạt động tại Mỹ. Phía Mỹ nói rằng các công ty này sẽ hỗ trợ “các mục tiêu hiện đại hóa” của quân đội Trung Quốc. Điều này “đảm bảo quân đội có thể tiếp thu công nghệ và kiến thức chuyên môn tiên tiến” được phát triển bởi công ty, trường đại học và chương trình nghiên cứu của Trung Quốc “dường như là các thực thể dân sự”, Lầu Năm Góc nói trong một thông cáo tuần rồi.

Sự xuất hiện của IDG Capital trong danh sách các thực thế có quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc nhấn mạnh rủi ro của quỹ mạo hiểm, buộc họ này phải khống chế và tự giám sát chặt chẽ hơn danh mục đầu tư.

Wilson Zhao là luật sư phụ trách các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu tại hãng luật Steptoe có trụ sở tại Hồng Kông. Ông nói rằng đây là trường hợp đầu tiên một công ty đầu tư lớn có trụ sở tại Trung Quốc bị chính phủ Mỹ thêm vào danh sách trừng phạt.

“Các công ty đầu tư, đặc biệt là những công ty có trụ sở chính tại Trung Quốc, trước đây chỉ phải lo lắng chuyện danh mục họ rót vốn vào có nằm trong danh sách cấm hay không. Bây giờ, họ còn lo lắng là chính họ có thể bị trừng phạt vì đã đầu tư hay đồng đầu tư vào các công ty này”, Zhao nói.

Trong danh sách bổ sung, có tên Hesai Technology là hãng xe tự hành với công nghệ định vị bằng tia laser (lidar). Năm ngoái, Hesai đã thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) lớn nhất của Trung Quốc tại Mỹ. Hãng 360 Security Technology cũng là một danh mục đầu tư của IDG Capital. Hesai đã phản ứng rất nhanh và nói có kế hoạch kiện Lầu Năm Góc ra tòa án ở Washington.

Trong email gửi Bloomberg, người phát ngôn của IDG Capital nói rằng trước đó họ chưa được Bộ Quốc phòng yêu cầu cung cấp thông tin và bác bỏ tuyên bố rằng IDG là một công ty Trung Quốc.

Một nguồn tin thân cận với IDG Capital nói với Nikkei Asia rằng họ sẽ liên hệ với Lầu Năm Góc để xem xét lại quyết định này. Nguồn tin cho biết: “Trên bình diện quốc tế, họ không cho rằng tác động là đáng kể”.

Mỹ chủ yếu trừng phạt các thực thể Trung Quốc thông qua một số cơ quan, bao gồm Bộ Thương mại, Bộ Ngân khố và Lầu Năm Góc.

Lầu Năm Góc cấm các công ty Trung Quốc bị nêu tên cung cấp dịch vụ trực tiếp cho quân đội Mỹ hoặc các nhà cung cấp của quân đội Mỹ. Bộ Ngân khố cấm người Mỹ giao dịch cổ phiếu công khai của các công ty bị liệt tên. Còn Bộ Thương mại yêu cầu các bên muốn kinh doanh với công ty bị trừng phạt phải có giấy phép đặc biệt.

“Việc bị đưa vào danh sách như vậy có thể làm tăng khả năng leo thang các biện pháp trừng phạt trong tương lai đối với thực thể bị nêu tên”, Zhao nói. Ông đồng thời nhắc đến khả năng các cơ quan chính phủ khác sẽ hợp tác để lập danh sách đen mới.

Zhao cho rằng  mối đe dọa trừng phạt khiến IDG bị “tổn hại danh tiếng”, dẫn đến "thiệt hại kinh tế". Bởi nhà đầu tư Mỹ có thể "xem xét lại việc hợp tác đầu tư" với một công ty trong danh sách bị trừng phạt.

Dòng vốn mạo hiểm không còn "thơ ngây" nữa...

Thành lập thập niên 1960 tại Boston ở Mỹ, International Data Corporation Group ban đầu tập trung vào nghiên cứu thông tin thị trường, xuất bản và truyền thông. IDG chuyển sang đầu tư mạo hiểm vào năm 1992. Một năm sau, năm 1993 tập đoàn có mặt tại Trung Quốc với tên IDG Capital và là hãng con chuyên đầu tư vào Trung Quốc trực thuộc tập đoàn mẹ ở Boston. Tỷ lệ cổ phần của IDG Capital tại Bắc Kinh ngày càng áp đảo, và trở thành chủ sở hữu tập đoàn mẹ ở Boston.

IDG Capital hiện đã đầu tư ở hơn 1.600 công ty, có văn phòng 15 thành phố trên thế giới, bao gồm New York, Boston, London, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồng Kông, Seoul…

Người sáng lập IDG ban đầu là doanh nhân Xiong Xiaoge quốc tịch Mỹ, vốn được mệnh danh là "nhà đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Trung Quốc". Ông là ngưởi ủng hộ nhiệt thành việc sớm thành lập các công ty internet hàng đầu Trung Quốc, bao gồm Baidu và Tencent, và sau này là các hãng xe điện Nio và Xpeng.

Các nhà phân tích lý giải rằng, mối liên hệ chặt chẽ với nhiều quỹ chính phủ hàng đầu của Trung Quốc có thể là nguyên nhân khiến IDG Capital bị “tăm tia”, chứ không những công ty nhận nhận đầu tư. Chẳng hạn, hồi tháng 11-2023 Quỹ An sinh xã hội quốc gia Trung Quốc đã ủy quyền cho IDG Captial điều hành 5,1 tỉ nhân dân tệ (7,18 tỉ đô la) trong một quỹ đầu tư vào công nghệ và sản xuất ở Thượng Hải.

Nhưng năm 2021, các cơ quan quản lý Mỹ từng “réo tên” IDG Capital và 360 Securies Technology trong phiên điều trần tại Quốc hội của Ủy ban Đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung.

Han Shen Lin, giám đốc quốc gia Trung Quốc thuộc hãng tư vấn kinh doanh Asia Group tại Mỹ, cho biết tình hình này cho thấy Mỹ đang tập trung điều tra những công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Trung Quốc. "Phía Mỹ muốn tìm kiếm doanh nghiệp và công nghệ có khả năng phát triển có thể được chuyển giao cho Trung Quốc", Lin nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia giải thích, việc ứng dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo đã xóa nhòa lằn ranh giữa việc sử dụng trong quân sự hay dân sự. Bởi không có cách nào để phân định rạch ròi. Việc đưa IDG vào danh sách trừng phạt của Bộ Quốc phòng là dấu hiệu cho thấy “những ngày tháng ngây thơ của dòng vốn mạo hiểm sẽ được thay thế bằng một hệ sinh thái vốn đầu tư cứng nhắc hơn, dễ bị phân mảnh bởi các đối đầu địa chính trị”.

Năm ngoái, dưới sự giám sát ngày càng tăng của Quốc hội Mỹ, công ty vốn mạo hiểm GGV Capital ở Silicon Valley tuyên bố tách riêng mảng kinh doanh ở châu Á. Sequoia Capital China đã đổi tên, trở thành HongShan sau khi tách khỏi công ty mẹ ở Mỹ vào năm 2023 do sức ép từ các cơ quan quản lý Mỹ.

Tuần rồi, một tiểu ban thuộc Quốc hội Mỹ đã cáo buộc GGV Capital, Sequoia Capital China, Qualcomm Ventures, Walden International và GSR Ventures đã đầu tư trị giá ít nhất 3 tỉ đô la vào các hãng công nghệ Trung Quốc.

Theo Nikkei Asia, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới