Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ dừng cấp phép dự án xuất khẩu khí đốt mới, châu Âu lo lắng

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trước áp lực của các tổ chức bảo vệ môi trường, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo tạm dừng quy trình cấp phép cho các dự án xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) mới để phân tích tác động đối với biến đổi khí hậu, kinh tế và an ninh quốc gia. Động thái này là thắng lợi lớn cho các nhóm vận động vì môi trường, nhưng đang tạo ra sự bất an ở bên ngoài nước Mỹ, đặc biệt là châu Âu, về nguồn cung năng lượng trong tương lai.

Một kho cảng cảng xuất khẩu LNG ở bang Louisiana, Mỹ. Ảnh: Mitsui

Trong tuyên bố hôm 26-1, Tổng thống Joe Biden giải thích, quyết định tạm dừng cấp phép dự án xuất khẩu LNG mới liên đến cuộc khủng hoảng khí hậu, vốn đang làm nhiệt độ toàn cầu tăng mạnh và gây ra thời tiết khắc nghiệt. Ông nói thêm, trong giai đoạn này, chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng tác động của xuất khẩu LNG đối với chi phí và  an ninh năng lượng cũng như môi trường của Mỹ.

Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm và Cố vấn Khí hậu quốc gia Nhà Trắng Ali Zaidi cho biết, sự bùng nổ gần đây trong xuất khẩu LNG của Mỹ, đáng chú ý là sang châu Âu, sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, đã thúc đẩy nhu cầu phân tích kỹ lưỡng toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất LNG ở Mỹ, vốn chưa chưa được thực hiện kể từ năm 2018.

Họ nói rằng, cuộc đánh giá sắp tới sẽ kiểm tra xem liệu các nhà sản xuất Mỹ có bán quá nhiều khí đốt tự nhiên ra nước ngoài, thay vì sử dụng ở trong nước để cung cấp năng lượng cho lưới điện hay không.

“Việc tạm dừng cấp phép các dự án xuất khẩu LNG mới không ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu đã phê duyệt cũng như không ảnh hưởng đến khả năng cung cấp cho các đồng minh của chúng tôi ở châu Âu và châu Á”, Bộ trưởng Jennifer Granholm nói với báo chí.

Bà Granholm giải thích, các dự án khí LNG hiện đang được xây dựng ở Mỹ sẽ tăng gấp ba lần công suất xuất khẩu hiện tại của đất nước.

Khí đốt tự nhiên là ngành kinh doanh lớn của lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch ở Mỹ. Năm ngoái, Mỹ vượt qua Úc và Qatar để trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga vào năm 2022 khiến giá năng lượng ở châu Âu tăng vọt, đặc biệt là năng lượng điện, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các công ty năng lượng Mỹ đã vào cuộc để lấp đầy khoảng trống đó. Họ nén khí đốt bằng nhiệt độ siêu lạnh tại các kho cảng xuất khẩu và vận chuyển nhiên liệu này qua đại dương bằng những con tàu khổng lồ. Nguồn cung LNG từ Mỹ góp phần quan trọng giúp châu Âu tránh lặp lại khủng hoảng khí đốt trong mùa đông của năm trước và năm nay. Vì vậy, quyết định trên của Mỹ có nguy cơ gây bất ổn cho thị trường năng lượng châu Âu

“Tôi nghĩ các đồng minh và đối tác thương mại của Mỹ sẽ có một số lo ngại vì trong hai năm qua, LNG xuất khẩu của Mỹ thực sự đã giúp ích lớn cho an ninh năng lượng toàn cầu”, Ben Cahill, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, bình luận

Fredrik Persson, Chủ tịch của Liên đoàn doanh nghiệp châu Âu (BusinessEurope), cũng cho rằng, các hạn chế tiềm tàng đối với nguồn cung cấp khí đốt từ Mỹ sẽ gây “mối lo ngại lớn”.

Theo Công ty dữ liệu Kpler, từ năm 2021 đến năm 2022, xuất khẩu khí đốt của Mỹ sang châu Âu đã tăng hơn gấp đôi, lên khoảng 52 triệu tấn, và sau đó, tăng nhẹ vào năm 2023. Năm ngoái, 60% LNG xuất khẩu của Mỹ đến châu Âu. Ông Persson cho rằng, những lô hàng LNG của Mỹ đã giúp châu Âu vô hiệu hóa chiến thuật của Nga sử dụng năng lượng như vũ khí địa chính trị.

Sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, các nước châu Âu gồm Đức, Hà Lan và Hy Lạp đã chạy đua xây dựng kho cảng nhập khẩu LNG mới và tìm cách ký các thỏa thuận mua LNG của Mỹ. Didier Holleaux, Chủ tịch của Eurogas, tổ chức đại chiến cho các công ty kinh doanh khí đốt ở châu Âu, nhận định, những nghi ngờ về sự ổn định của nguồn cung LNG từ Mỹ có thể khiến các kế hoạch đó gặp rủi ro, làm dấy lên mối lo ngại về rủi ro biến động giá hơn nữa.

Theo các nhà phân tích, điều có thể khiến các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là ở châu Âu, lo lắng là họ có thể không còn tin tưởng chắc chắn vào nguồn cung LNG từ Mỹ trong những năm tới.

“Vấn đề lớn đối với châu Âu là khu vực này không còn nhiều sự lựa chọn nguồn cung LNG thay thế”, Henning Gloystein, giám đốc năng lượng và biến đổi khí hậu của hãng tư vấn rủi ro địa chính trị Eurasia Group, nói.

Ngoài Mỹ, nhà sản xuất LNG lớn khác có khả năng bổ sung nguồn cung cho châu Âu là Qatar ở Trung Đông. Tuy nhiên, Gloystein cho biết LNG của Mỹ đặc biệt hấp dẫn đối với khách hàng châu Âu vì khoảng cách vận chuyển từ Bắc Mỹ tương đối ngắn và các điều kiện mà các nhà cung cấp Mỹ đưa ra linh hoạt hơn nhiều so với hầu hết các nguồn khác. Ví dụ, họ thường cho phép người mua dễ dàng bán lại khí đốt, trong khi các cường quốc khí đốt khác như Qatar thường áp đặt các hạn chế.

Theo NY Times, CNN

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới