(KTSG Online) - Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) mới đây thông báo, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) hôm 14-2 đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với một số sản phẩm đĩa giấy nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.
- Mỹ nhận hồ sơ điều tra chống bán phá giá đĩa giấy nhập khẩu từ Việt Nam
- Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá pin mặt trời Việt Nam
Đây là thông tin được đăng tải trên website của cơ quan này. Sản phẩm bị điều tra gồm đĩa được ép hoặc cắt từ giấy, bìa, loại trừ đĩa được đúc hoặc ép trực tiếp từ bột giấy. Sản phẩm bị điều tra có thể được kê khai nhập khẩu theo mã HS 4823.69.00.40 hoặc mã 4823.61.00.40.
Đối với phạm vi sản phẩm điều tra, DOC sẽ xem xét ý kiến của các bên trước khi ban hành kết luận sơ bộ. Do vậy, Cục Phòng vệ Thương mại đề nghị các bên cần nộp bình luận về phạm vi sản phẩm trước ngày 5-3 (giờ Mỹ) và bình luận phản biện về phạm vi sản phẩm trước ngày 15-3 (giờ Mỹ).
Theo đơn kiện của nguyên đơn, trong giai đoạn từ tháng 12-2022 đến tháng 11-2023, lượng nhập khẩu sản phẩm bị cáo buộc (theo mã HS 4823.69.00.40) từ Việt Nam vào Mỹ là khoảng 3.240 tấn, chiếm khoảng 4% tổng lượng nhập khẩu vào Mỹ.
TTXVN đưa tin, mức biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 153,09-165,27%, thấp hơn mức cáo buộc với Trung Quốc là 154,57-178,80% và cao hơn mức cáo buộc với Thái Lan là 61,03%-73,17%.
Do Mỹ coi Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là nước thay thế do cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất sản phẩm đĩa giấy.
Các bên có thời hạn bình luận về nước thay thế trong vòng 30 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc. Dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận sơ bộ trong vòng 140 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra vụ việc (có thể gia hạn).