(KTSG Online) - Washington đã nêu quan ngại về việc ba nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc đàm phán để xây dựng nhà máy ở Mexico, nước láng giềng và là đối tác tự do thương mại của Mỹ.
- Xe điện làm tăng căng thẳng giữa EU và Trung Quốc
- Vì sao xe điện giá rẻ của Trung Quốc vắng bóng tại Mỹ?
Theo các nguồn thạo tin, trong năm nay, ba hãng xe điện Trung Quốc gồm MG, BYD và Chery đã đàm phán với các quan chức ở Mexico để tìm địa điểm xây dựng nhà máy lắp ráp. Một công ty khác của Trung Quốc cũng đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin trị giá 12 tỉ đô la Mỹ ở Mexico.
Động thái này có thể mang lại cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc một chỗ đứng có giá trị trong khu vực và đặt nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latin vào tâm điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Các nguồn tin cho biết, trong các cuộc gặp với những người đồng cấp Mexico, các quan chức Mỹ đã đặt nhiều câu hỏi về đầu tư của Trung Quốc. Giới chức Mexico thừa nhận, họ phải thận trọng khi xem xét các khoản đầu tư của Trung Quốc vì có nguy cơ khiến Mỹ phật lòng.
Mexico, nhà sản xuất ô tô lớn thứ bảy thế giới, là một trong những nước được hưởng lợi lớn nhất từ sự biến động trong chuỗi cung ứng toàn cầu do tình trạng gián đoạn của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Mexico có nguồn lao động giá rẻ và chuỗi cung ứng ô tô sâu rộng cũng như khả năng tiếp cận Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA) giữa Mỹ, Canada và Mexico.
Francisco Bautista, đối tác quản lý của chi nhánh hãng kiểm toán Ernst & Young ở Mỹ, tiết lộ hãng đang làm việc với bốn công ty xe điện Trung Quốc muốn thiết lập cơ sở sản xuất tại Mexico. “Sự quan tâm của các công ty Trung Quốc tại thị trường Mexico đã tăng lên theo cấp số nhân”, ông đánh giá.
Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc để giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất xe điện. Thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), Washinhton đưa ra các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm loại bỏ xe điện, pin cũng như các linh kiện và vật liệu khác do các công ty Trung Quốc sản xuất khỏi chuỗi cung ứng ở Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden lo ngại, các hãng xe điện Trung Quốc sẽ có thể lách các biện pháp và lách thuế nhập khẩu 27,5% bằng cách sản xuất ô tô ở Mexico.
Tín dụng thuế tiêu dùng của IRA dành cho xe điện đòi hỏi ít nhất 50% linh kiện của pin xe điện phải được sản xuất ở Bắc Mỹ và 40% khoáng chất được sử dụng để sản xuất pin phải đến từ các nguồn trong nước hoặc từ đối tác tự do thương mại của Mỹ. Hai rào cản này sẽ tăng dần cho đến năm 2029.
Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, các hãng xe điện Trung Quốc vẫn có thể đủ điều kiện nhận tín dụng từ IRA nếu họ đi theo chiến lược cho người tiêu dùng Mỹ thuê xe điện. IRA cũng cung cấp tín dụng thuế cho người thuê xe điện nhưng không đặt ra các hạn chế về linh kiện và khoáng chất của pin đối với xe điện thuê. Ngoài ra, khi sản xuất ở Mexico, các hãng xe Trung Quốc cũng có thể tránh được khoản thuế 27,5% mà Mỹ áp vào ô tô xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong một bức thư gần đây, các thành viên của Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc ở hạ viện Mỹ bày tỏ lo ngại các công ty Trung Quốc sẽ sử dụng Mexico làm “cửa sau” vào thị trường Mỹ.
Trung Quốc là nhà sản xuất xe điện và pin lớn nhất thế giới. Các hãng xe nước này đang đẩy mạnh xuất khẩu các mẫu xe giá rẻ ra khắp thế giới khi đối mặt với tình trạng dư thừa công suất tại các nhà máy trong nước.
MG, thuộc sở hữu của SAIC, tập đoàn ô tô nhà nước Trung Quốc, có kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 1,5 -2 tỉ đô la ở Mexico. Trong khi đó, BYD đang chuẩn bị triển khai khoản đầu tư xây dựng nhà máy trị giá hàng trăm triệu đô la trong giai đoạn đầu ở nước này.
Tháng trước, các đại diện của BYD đã gặp quan chức từ bốn bang của Mexico để thảo luận về việc xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện.
Samuel García, Thống đốc của bang Nuevo León, tiết lộ BYD đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy ở bang này nhưng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đạt mức tăng trưởng vượt bậc ở Mexico trong những năm gần đây, chiếm gần 20% doanh số xe ở đây, tăng từ mức gần như bằng 0 cách đây sáu năm.
Các quan chức Mỹ nói họ không tìm cách ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc vào Mexico. Nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng các quy tắc thương mại một cách đúng đắn, bao gồm cả thỏa thuận gần đây của Mỹ với Mexico nhằm tăng cường sàng lọc đầu tư nước ngoài.
Mexico phụ thuộc nhiều vào Mỹ, nơi tiêu thụ hơn 2/3 hàng hóa xuất khẩu của nước này. 37 triệu người gốc Mexico đang sinh sống và làm việc ở Mỹ, gửi về quê nhà gần 60 tỉ đô la Mỹ kiều hối mỗi năm.
Khi được hỏi liệu thỏa thuận sàng lọc đầu tư có thể gây tổn hại cho quan hệ kinh doanh Mexico-Trung Quốc hay không, Bộ trưởng Tài chính Mexico, Rogelio Ramírez de la O nói: ““Mối quan hệ thương mại và tài chính của chúng tôi với Mỹ hoàn toàn vượt trội. Việc dành thời gian cho các nước khác ngoài Mỹ không phải là ưu tiên lớn”.
Năm nay, Mexico đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, khi Washington thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn ở Bắc Mỹ, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp xanh.
Mexico được IRA hỗ trợ tín dụng thuế tiêu dùng để đẩy nhanh việc triển khai xe điện. Nhưng điều đó đòi hỏi các mẫu xe điện sản xuất ở Mexico phải sử dụng nguồn khoảng sản cũng như linh kiện pin từ các nước có ký kết hiệp định thương mại tự do với Mỹ.
Michael Dunne, CEO của hãng tư vấn ô tô Dunne Insights, cho biết các công ty Trung Quốc đã nhìn nhận thực tế rằng tâm lý chống Trung Quốc ở Washington đe dọa ngăn chặn khả năng tiếp cận các khoản trợ cấp xe điện hào phóng của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Theo Finacial Times