(KTSG Online) - Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam trong tháng đầu năm 2024 đã có một bước lội ngược dòng ngoạn mục sau khi bị sụt giảm mạnh của năm 2023. Đáng chú ý là thị trường Mỹ với mức tăng hơn 123% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Doanh nghiệp sản xuất khởi đầu lạc quan nhưng khó khăn vẫn còn phía trước
- Một năm 'đạp gió rẽ sóng' ngoạn mục của doanh nghiệp
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, trong tháng đầu năm nay xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,47 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 83,1% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 9,7% so với tháng trước đó.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đây cũng là mặt hàng duy nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỉ đô la chỉ trong 1 tháng. Kết quả xuất khẩu của mặt hàng tiềm năng này chiếm 29% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp trong nước.
Hầu hết các thị trường lớn đều tăng cao nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam trong tháng vừa qua. Cụ thể theo số liệu của cơ quan hải quan, Mỹ đã chi 821 triệu đô la nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, tăng 123,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất mặt hàng này của Việt Nam, chiếm khoảng 56% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường tỉ dân Trung Quốc đứng vị trí thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu là 170 triệu đô la, tăng 35,3% so với cùng kỳ. Kế đến là thị trường Nhật Bản với 163 triệu đô la, tăng 27,3%; Hàn Quốc đạt khoảng 70 triệu đô la, tăng 9,7%... so với cùng kỳ năm trước.
Một số thị trường nhập khẩu khác dù giá trị không lớn nhưng lại có mức tăng trưởng mạnh. Đơn cử như thị trường Hà Lan ước đạt 9,2 triệu đô la, tăng 93,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đại diện các hiệp hội đồ gỗ các tỉnh thành, đây là thành quả bước đầu trong nỗ lực xoay xở mở rộng thị trường của các doanh nghiệp trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu của ngành này bị sụt giảm mạnh trong hơn 1 năm qua.
Cụ thể, cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, nội thất dù chỉ đạt 16 tỉ đô la, giảm 14,6% so với năm 2022, song vẫn có những thị trường tăng trưởng tốt như Ấn Độ tăng 288%, Peru tăng 111%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 90%, Na Uy tăng 52%...
Trao đổi với KTSG Online, một số doanh nghiệp hoạt động ngành này cho biết, đơn hàng sản xuất đang tăng nhẹ trở lại trong những tháng đầu năm, nhưng tình hình thị trường dự báo vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Do đó, kết quả tăng trưởng đột biến kim ngạch xuất khẩu tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái chưa thể lạc quan được, nhất là những yêu cầu đơn hàng sản xuất của nhà nhập khẩu ngày càng nhỏ lẻ và khắt khe hơn.
Trong khi đó, các nước nhập khẩu con đưa ra các quy định mới về "xanh hóa" sản xuất, nguyên phụ liệu như là "hàng rào kỹ thuật" nhập khẩu nhóm mặt hàng này khiến không ít doanh nghiệp trong nước đối diện thêm thách thức.
Bước sang năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu quay về đỉnh cũ năm 2022, tức 17,5 tỉ đô la.