Chủ Nhật, 25/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ siết chặt chống hàng giả trên các trang thương mại điện tử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ siết chặt chống hàng giả trên các trang thương mại điện tử

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phát động cuộc chiến chống hàng giả bán trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử bao gồm Amazon. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc với điều khoản đòi hỏi hai nước chống tình trạng hàng giả tràn lan bằng cách triển khai các hành động hiệu quả nếu các nền tảng thương mại điện tử không ngăn chặn các vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.

Mỹ siết chặt chống hàng giả trên các trang thương mại điện tử
Các nhân viên Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ kiểm tra các kiện hàng giả ở một nhà kho ở Kearny, bang New Jersey, Mỹ. Ảnh: AP

Hôm 24-1, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) công bố báo cáo cho hay các cơ quan thực thi luật pháp của Mỹ sẽ lên kế hoạch hành động ngay lập tức để xác định các trường hợp hàng giả bán trực tuyến và sẽ tìm cách áp dụng các biện pháp xử phạt dân sự và các hình thức xử phạt khác đối với bên vi phạm.

Báo cáo kêu gọi ban hành luật mới, cho phép chính phủ áp dụng các biện pháp khẩn cấp để chống lại các nền tảng bán hàng của bên thứ ba và các trung gian buôn bán hàng giả ở Mỹ. Theo báo cáo, các cơ quan thực thi luật pháp Mỹ sẽ được trao quyền lực lớn hơn trong hoạt động kiểm tra nhà kho và trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên khắp nước Mỹ. Họ sẽ thông báo cho các chủ quản lý nhà kho và trung tâm hoàn thiện đơn hàng về các trường hợp hàng giả và yêu cầu họ tiêu hủy chúng.

Báo cáo trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trong đó, yêu cầu hai bên hành động chống hàng giả nếu các nền tảng thương mại điện tử không ngăn chặn được tình trạng vi phạm bản quyến sở hữu trí tuệ.

Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ có thẩm quyền kiểm tra tờ khai nhập khẩu chính thức của bất cứ mặt hàng nào nếu điều này cần thiết để thực thi hoạt động hải quan hiệu quả.

Theo dữ liệu của DHS, chính phủ Mỹ đã thu giữ 33.810 lô hàng giả ở biên giới Mỹ trong năm 2018, tăng so với con số 3.244 vào năm 2000. Báo cáo của DHS cho biết DHS, Cục Hải quan và Biên phòng cùng Cục Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ đặt ra 10 hành động khẩn cấp để tiến hành chống hàng giả bán trực tuyến cũng như 10 thực hành tốt áp dụng cho các nền tảng thương mai điện tử.

Ba cơ quan trên đề xuất các nền tảng thương mại điện tử ở Mỹ phải thông báo rõ trong điều khoản dịch vụ của họ về việc cấm bán hàng giả; phải nâng cao quy trình thẩm định bên bán hàng thứ ba đồng thời đơn giản hóa các quy định đối với bên giữ bản quyền sở hữu trí tuệ của hàng hoá, cho phép họ dễ dàng khiếu nại vấn đề hàng giả và yêu cầu gỡ bỏ hàng giả đang niêm yết bán trực tuyến.

Theo báo cáo, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thu thập dữ liệu về các nhà kho và trung tâm hoàn thiện đơn hàng ở trong nước đối với một số giao dịch nhất định với bên bán hàng thứ ba để tìm kiếm các biện pháp xử phạt tài chính đối với bên thứ ba tiếp tay cho việc nhập khẩu hàng giả.

Báo cáo cũng kêu gọi các nền tảng thương mại điện tử thực hiện chính sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng bán hàng giả của người bán nước ngoài.

Peter Navarro, Giám đốc Hội đồng thương mại quốc gia Nhà Trắng, cho biết chính sách mới không nhắm đến một nền tảng thương mại điện tử riêng lẻ nào nhưng Tổng thống Donald Trump thường xuyên lên án Amazon và người sáng lập Jeff Bezos vì cho rằng Amazon không trả thuế đúng mức, lợi dụng Cơ quan Dịch vụ bưu chính Mỹ bằng thỏa thuận gửi hàng giá rẻ. Trong khi đó, Amazon chỉ trích các cuộc công kích ở hậu trường của ông Trump đã khiến Amazon vuột mất hợp đồng dịch vụ điện toán đám mây 10 tỉ đô la của Bộ Quốc phòng Mỹ vào tay Microsoft.
Amazon đang đối mặt với làn sóng chỉ trích vì không ngăn chặn vấn nạn hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử của tập đoàn này. Dù Amazon cho biết đang áp dụng chính sách nghiêm cấm tuyệt đối với hàng giả và hàng nhái đồng thời phát triển các công cụ giúp kiểm soát vấn đế này, nền tảng dành cho người bán hàng thứ ba của Amazon tiếp tục là nơi bày bán hàng giả tràn lan.

Trong báo cáo hàng năm công bố hồi tháng 2, Amazon cảnh báo giới đầu tư rằng Amazon có thể không đủ khả năng ngăn chặn người bán hàng thứ ba bán hàng giả, hàng nhái và hàng ăn cắp trên nền tảng của Amazon.

Hồi đầu tháng này, Amazon cho biết sẽ tăng cường báo cáo các trường hợp bán hàng giả cho các cơ quan thực thi luật pháp với mong muốn hỗ trợ họ bắt giữ nhiều tội phạm buôn bán hàng giả hơn.

Tại cuộc họp báo giới thiệu báo cáo của DHS, ông Navarro cho biết kế hoạch chống hàng giả mới sẽ chuyển gánh nặng trách nhiệm từ chính phủ sang các nền tảng thương mại điện tử bán hàng giả. Ông Navarro nói dù các công ty thương mại điện tử đã phát triển nhiều công cụ hơn để chống hàng giả, vấn đề này vẫn ngày càng trầm trọng hơn.

“Không có ai ở Mỹ đủ khả năng chống lại vấn đề hàng giả ngoại trừ một số nền tảng thương mại điện tử đang kiếm lợi nhuận lớn từ hàng giả”.

Amazon không phải là nền tảng thương mại điện tử duy nhất đối mặt với sự giám sát về vấn đề hàng giả. Năm 2018, báo cáo của Văn phòng Giải trình trách nhiệm chính phủ, một cơ quan điều tra của Quốc hội Mỹ, phát hiện thấy rằng hàng giả lọt vào Mỹ với mức độ nghiêm trọng. Các nhà điều tra đã mua 47 sản phẩm tiêu dùng từ những bên bán hàng thứ ba ở các nền tảng trực tuyến của Amazon, Walmart, eBay, Sears Marketplace và Newegg. Sau khi kiểm tra, họ phát hiện có đến 20 sản phẩm là hàng giả bao gồm các mỹ phẩm thương hiệu Urban Decay, ly giữ nhiệt và sạc điện thoại di động thương hiệu Yeti.

Chính phủ Mỹ ước tính trị giá thương mại toàn cầu của hàng giả và hàng nhái có thể tăng lên mức 500 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, trong đó, 20% của con số này vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Theo CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới