(KTSG Online) - Dự án xử lý dioxin sân bay Biên Hòa đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành mục tiêu làm sạch 150.000m3 đất ô nhiễm trong năm nay. Chính phủ Mỹ cũng quyết định tăng 130 triệu đô la Mỹ lên 430 triệu đô la Mỹ cho dự án này.
- Tăng cường kiểm tra việc kinh doanh mỹ phẩm trên mạng xã hội
- Bộ TN&MT: Phương án của Hà Nội chưa thể giải quyết hết ô nhiễm sông Tô Lịch
Hôm nay (17-1), Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) cùng ngành chức năng Việt Nam và ông Marc Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam kiểm tra thực tế việc triển khai dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa giai đoạn 1, TTXVN đưa tin.
Tại buổi làm việc, Quân chủng Phòng không - Không quân đã báo cáo những kết quả đạt được. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ông Chiến yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thành các công việc còn dang dở để kịp tổ chức 3 sự kiện quan trọng vào tháng 4, bao gồm khởi công hệ thống xử lý nhiệt, điều chỉnh thỏa thuận viện trợ và hoàn trả mặt bằng.
Trong buổi tiếp, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, thể hiện qua việc kiểm tra dự án xử lý dioxin sân bay Biên Hòa tạo tiền đề thuận lợi cho các hoạt động, sự kiện trong năm 2025 nhân dịp 50 năm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cảm ơn Chính phủ Mỹ tăng nguồn vốn cho dự án xử lý dioxin sân bay Biên Hòa, từ 300 triệu đô la Mỹ lên 430 triệu đô la Mỹ, bổ sung thêm 140 triệu đô la Mỹ để mở rộng phạm vi hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Sau 5 năm triển khai, dự án xử lý dioxin sân bay Biên Hòa đã đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, thiết kế công nghệ nhiệt xử lý đất nhiễm dioxin đợt 1 đã hoàn thành và được Bộ Quốc phòng phê duyệt. Đến nay, dự án đã đào xúc và xử lý hơn 107.000m3 đất, tương đương 13 ha diện tích bị ô nhiễm.
Bộ Quốc phòng yêu cầu Quân chủng Phòng không Không quân và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án, đặc biệt là việc phối hợp với phía Mỹ để xây dựng và lắp đặt hệ thống xử lý nhiệt. Các đơn vị cũng cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hành chính để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong chiến tranh Việt Nam, sân bay Biên Hòa từng là một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ, nơi tập kết và chứa trữ một lượng lớn chất độc hóa học. Từ cuối năm 1969 đến tháng 3-1970, sân bay đã xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học nghiêm trọng tại đây, gây ô nhiễm nặng nề môi trường.
Được các chuyên gia đánh giá là một trong những khu vực ô nhiễm dioxin nhất thế giới, sân bay Biên Hòa dự kiến được xử lý chất độc trong 10 năm với 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, đến năm 2025, cơ quan chức năng sẽ tập trung xử lý 150.000m3 đất bị nhiễm độc.