(KTSG Online) - Hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ đang hồi sinh, giúp cường quốc này gia tăng ảnh hưởng tài chính và quyền lực địa chính trị trên trường quốc tế.
- Mỹ xuất khẩu khối lượng dầu kỷ lục dù nhiên liệu trong nước đang căng thẳng
- Mỹ trở thành nhà xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới
Dầu thô Mỹ trở thành nền tảng an ninh năng lượng của châu Âu
Khi phương Tây ngưng hầu hết các mặt hàng năng lượng của Nga và gây sức ép lên doanh thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin, xuất khẩu dầu thô kỷ lục của Mỹ đã lấp đầy khoảng trống ở châu Âu, giúp khu vực này có lượng dầu cần thiết để sản xuất xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay.
Theo công ty theo dõi tàu Kpler, kể từ tháng 2-2022, lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển trung bình hàng tháng từ Mỹ đến châu Âu tăng 38% so với 12 tháng trước đó. Một đội tàu chở dầu có kích thước khổng lồ với chiều cao như tòa nhà chọc trời đã vận chuyển nhiều dầu thô của Mỹ hơn đến Đức, Pháp và Ý, các nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU), cũng như Tây Ban Nha. Chỉ riêng các quốc gia vừa nêu đã tăng lượng mua dầu thô của Mỹ khoảng 88% trong giai đoạn này.
Các chuyến hàng dầu thô từ bờ biển vùng Vịnh Mexico đến châu Âu tăng mạnh những tháng gần đây, lên đến 1,53 triệu thùng/ngày trong tháng 1, đưa lục địa này vượt châu Á để trở thành điểm đến lớn nhất của dầu thô Mỹ.
Sự tăng trưởng trong xuất khẩu dầu thô đánh dấu cột mốc mới nhất cuộc hồi sinh của ngành công nghiệp sản dầu mỏ ở Mỹ sau nhiều năm thị trường suy giảm. Xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ từng hỗ trợ các nước thuộc phe đồng minh trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới trước đây. Nhưng kể từ sau đó, xuất khẩu dầu của Mỹ giảm, làm làm suy yếu tầm ảnh hưởng của cường quốc trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Giờ đây, cơn bùng nổ dầu đá phiến nhờ công nghệ nứt vỡ thủy lực và khoan ngang đã đưa Mỹ trở lại thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn, với các giếng dầu sẵn sàng tăng công suất để đáp ứng nhu cầu của châu Âu khi khu vực này đoạn tuyệt với dầu thô của Nga.
Theo Nhà Trắng, các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đến châu Âu tăng hơn gấp đôi vào năm ngoái, cung cấp sự hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình và nhà sản xuất của lục địa này sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống. Các nhà phân tích cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ tăng cao đã giúp ổn định thị trường khi phương Tây kìm hãm xuất khẩu năng lượng của Nga bằng các lệnh cấm vận và cơ chế giá trần trong những tháng gần đây.
Daniel Yergin, nhà sử học năng lượng và là Phó chủ tịch của S&P Global, nhận định: “Mỹ đã trở lại vị trí thống trị lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng thế giới kể từ thập niên 1950. Năng lượng của Mỹ hiện trở thành một trong những nền tảng của an ninh năng lượng châu Âu”.
Cơ hội béo bở cho các nhà kinh doanh dầu mỏ
Hoạt động khai thác dầu tại các mỏ dầu Biển Bắc nằm giữa Vương quốc Anh và Na Uy đã suy giảm từ lâu. Trong khi đó, các công ty dầu khí của Mỹ khai thác sản lượng gần kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ tiến lên các mức kỷ lục mới trong năm nay và năm tới.
Trong những tuần gần đây, các cơn bão mùa đông làm tê liệt các nhà máy lọc dầu của Mỹ, khiến công suất chế biến dầu dầu thô giảm so với mức bình thường. Tình trạng gián đoạn hoạt động này khiến lượng dự trữ dầu thương mại trong nước tăng lên hơn 9% so với mức trung bình 5 năm.
Chênh lệch giá ngày càng lớn giữa dầu thô châu Âu và Mỹ đã biến các lô hàng xuyên Đại Tây Dương trở thành cơ hội kinh doanh béo bở cho các nhà kinh doanh và đầu cơ dầu mỏ.
Trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, chỉ cần giá dầu Tây Texas (WTI) của Mỹ chiết khấu 3-4 đô la/thùng so với với giá dầu Brent là đủ các nhà kinh doanh trang trải chi phí vận chuyển đến châu Âu và các chi phí khác. Mức chênh lệch tăng vọt sau cuộc xung đột, có thời điểm lên tới 10 đô la/thùng.
Cuối tuần trước, các hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 cao hơn 6,84 đô la/thùng so với giá dầu WTI, theo dữ liệu của Dow Jones Market Data.
Mức giá chênh lệch đáng kể đó báo hiệu ngày càng nhiều công ty kinh doanh dầu chuyển dầu từ các khu vực dầu đá phiến đến bờ biển vùng Vịnh Mexico của Mỹ để xuất khẩu sang châu Âu.
Nhưng ngay khi các cảng dọc theo bờ biển vùng Vịnh đang mở rộng cơ sở hạ tầng để tăng xuất khẩu năng lượng trong những năm tới, dòng dầu thô của Mỹ đối mặt những bất ổn mới ở trong nước và ngoài nước.
Các công ty dầu khí lớn ở Mỹ đang chi trả cổ tức cao hơn cho các cổ đông, thay vì đầu tư vào sản xuất, đe dọa quỹ đạo tăng trưởng sản lượng của dầu đá phiến. Sự trở lại của nền kinh tế Trung Quốc sau 3 năm đóng cửa kiểm soát đại dịch Covid-19 hứa hẹn đẩy tăng nhu cầu dầu. Ở châu Âu, nhiều nhà hoạch định chính sách đang kêu gọi trợ cấp năng lượng sạch tương tự nhằm thúc đẩy lục địa này rời xa các nhiên liệu hóa thạch.
Gregory Brew, nhà phân tích năng lượng tại hãng tư vấn địa chính trị Eurasia Group, nói: “Mỹ sẽ tiếp tục sản xuất dầu với số lượng lớn trong tương lai. Câu hỏi lớn hơn là châu Âu sẽ tự quyết định tương lai năng lượng của khu vực này như thế nào?”
Theo WSJ