(KTSG Online) - Mặc dù thỏa thuận giảm thuế Mỹ- Trung đã có hiệu lực nhưng mức thuế nền 10% của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong ngắn hạn.
- Tin nóng hôm nay: Mỹ-Trung Quốc hoãn áp thuế 90 ngày; Giá vàng về mốc 120 triệu đồng/lượng; Thí điểm mua bán xe không phải công chứng
- Bộ Công Thương làm việc với nhiều tập đoàn lớn của Mỹ

Hàng Việt vẫn tăng tốc vào Mỹ
Trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng thương mại, Mỹ và Trung Quốc gần đây đã đạt được thỏa thuận giảm thuế nhập khẩu đáng kể. Cụ thể, Mỹ đồng ý giảm thuế đối với hàng Trung Quốc từ mức 145% xuống còn 30%, trong khi hàng Mỹ nhập vào Trung Quốc cũng được giảm xuống còn 10%. Thỏa thuận này kéo dài trong vòng 90 ngày, tạo ra một giai đoạn “ân hạn” cho các doanh nghiệp để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chuẩn bị cho những thay đổi chính sách có thể xảy ra sau đó.
Điều này khiến không ít doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, lo lắng về khả năng cạnh tranh trong thị trường Mỹ. Bởi lẽ, trong thời gian này, các nhà nhập khẩu Mỹ có xu hướng tận dụng thuế thấp để tăng cường nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm tích trữ nguồn hàng, giảm thiểu chi phí, đồng thời chuẩn bị cho các chính sách thuế mới có thể áp dụng sau thời gian ân hạn.
Chính vì vậy, nhiều dự báo cho rằng, thời gian này không phải là thời điểm tốt để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đơn hàng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một bức tranh khác. Bởi lẽ theo các chuyên gia, mặc dù thỏa thuận giảm thuế Mỹ- Trung đã có hiệu lực, nhưng mức thuế nền của Việt Nam vẫn còn duy trì ở mức 10%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh trong thị trường Mỹ, đặc biệt trong ngắn hạn.
Chẳng hạn, theo số liệu từ báo cáo của VIS Rating - đơn vị xếp hạng tín nhiệm uy tín, ước tính, trong nửa cuối tháng 4, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam đã tăng lên đến 25% so với nửa đầu tháng.
Các doanh nghiệp như Công ty Việt Thắng Jeans, một trong những doanh nghiệp dệt may lớn, đã tuyển thêm lao động, đẩy mạnh sản xuất để kịp tiến độ đơn hàng. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT công ty này, chia sẻ rằng Mỹ chiếm khoảng 35% doanh thu của công ty.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất là các doanh nghiệp chưa thể chắc chắn về chính sách thuế chính thức sau 90 ngày, và nếu mức thuế áp dụng cao hơn dự kiến, lợi thế cạnh tranh của hàng Việt sẽ bị thu hẹp nghiêm trọng.
“Nếu Mỹ áp thuế cao trở lại, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ giảm sút, thậm chí có thể giảm tới 50% xuất khẩu trong các tháng cuối năm”, ông Việt lo lắng. Đây cũng là nỗi lo chung của doanh nghiệp nhiều ngành hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ.
Chính vì vậy, chiến lược dài hạn của Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường, cải thiện chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa, đồng thời đẩy mạnh hội nhập sâu rộng hơn nữa để giảm phụ thuộc vào một thị trường đơn lẻ.
Chủ động thích ứng với thương chiến
Động thái "hạ nhiệt" thuế quan thời trong 90 ngày giữa hai cường quốc kinh tế, các chuyên gia nhận định đã tạm thời giúp chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định hơn, nhưng lại đặt ra những thách thức mới cho các nền kinh tế như Việt Nam.
Trong ngắn hạn, việc giảm thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc giúp ổn định thị trường tài chính nhưng về lâu dài, điều này có thể gây bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng, chính sách giảm thuế của Mỹ không nhằm gây căng thẳng song phương, mà chủ yếu để kiểm soát và cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, thúc đẩy quá trình chuyển dịch hoạt động sản xuất sang các nước như Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc.

TS. Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì đơn hàng do hợp đồng đã ký kết và thị trường còn lớn, nhưng nếu chính sách thuế của Mỹ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, khả năng các nhà thương mại và doanh nghiệp Mỹ sẽ tìm kiếm các đối tác khác như Ấn Độ hoặc các quốc gia khác, làm giảm khả năng xuất khẩu của Việt Nam.
Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt cần chủ động đa dạng hóa thị trường, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm và giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Chính phủ cũng đang thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm thiểu rủi ro từ biến động chính sách quốc tế.
Về mặt chính sách thuế, theo TS. Nguyễn Hữu Huân, cho rằng mức thuế Mỹ áp cho Trung Quốc vẫn cao hơn Việt Nam. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt chưa bị ảnh hưởng rõ rệt, nhưng nếu trong tương lai mức thuế của Việt Nam vượt qua Trung Quốc, sẽ gây tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Do đó, Việt Nam cần theo dõi sát sao các chính sách thuế, nâng cao khả năng đàm phán để giữ mức thuế thấp hơn Trung Quốc, chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và triệt tiêu các yếu tố nguồn gốc từ Trung Quốc nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh.
Trong trường hợp đàm phán thành công, mức thuế của Việt Nam có thể giảm còn khoảng 20% so với mức 46%, giúp các doanh nghiệp cạnh tranh dễ dàng hơn hàng hóa Trung Quốc trên thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông, thách thức lớn hơn đến từ các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh, Brazil, Ấn Độ, với mức thuế thấp hơn, buộc doanh nghiệp Việt phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Về thu hút đầu tư, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chủ yếu tập trung khai thác thị trường Mỹ. Để giữ chân nhà đầu tư lâu dài, theo TS. Huân, Việt Nam cần nâng cao khả năng đàm phán, cải thiện nguồn gốc xuất xứ và đa dạng hóa thị trường.
Trong dài hạn, dù Trung Quốc vẫn giữ vị trí “xưởng của thế giới” nhờ quy mô sản xuất lớn, công nghệ tiên tiến và năng suất cao, theo các chuyên gia Việt Nam vẫn có thể duy trì mức thuế trung bình của thế giới để thu hút FDI.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, không thể dựa hoàn toàn vào cơ hội thời thế, Việt Nam cần xây dựng chiến lược rõ ràng, tập trung nâng cao nội lực, chuyển đổi từ gia công giá rẻ sang sản xuất dựa trên công nghệ, giá trị gia tăng cao. Qua đó, vừa tận dụng các chính sách của Mỹ, vừa nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu trong dài hạn.
Thỏa thuận Mỹ – Trung "hạ nhiệt" thuế quan mở ra những cơ hội mới cho Việt Nam trong việc phát triển xuất khẩu và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp nhìn nhận lại chiến lược của mình, chuẩn bị sẵn sàng cho những biến động có thể xảy ra trong tương lai.