(KTSG Online) - Sắc lệnh hành pháp, do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành hôm 22-12, cho phép Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhằm vào các ngân hàng nước ngoài đang hỗ trợ thực hiện các giao dịch cung cấp hàng hóa cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Rủi ro lớn hiện nay là nhiều ngân hàng nước ngoài có thể đang hỗ trợ giao dịch cho các công ty bình phong mà Moscow sử dụng để mua các mặt hàng bị phương Tây cấm xuất khẩu sang Nga.
Sắc lệnh trên được thiết kế để trừng phạt các ngân hàng nước ngoài đang “xử lý các giao dịch liên quan đến nền tảng công nghiệp quân sự của Nga”. Theo đó, nếu tiến hành các giao dịch như vậy, các ngân hàng này sẽ bị cắt đứt sự tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ, bao gồm các ngân hàng đại lý. Các ngân hàng đại lý (correspondent bank), chủ yếu ở New York, đóng vai trò trung gian và là trụ cột của hệ thống thanh toán toàn cầu.
Sắc lệnh nhằm bịt những lỗ hổng mà Nga đang sử dụng để mua nguồn nguyên liệu vốn bị ngăn chặn bởi các lệnh trừng phạt quốc tế bằng cách gây sức ép để các ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm xem xét kỹ lưỡng các giao dịch quan trọng với các công ty bình phong hoặc các bên trung gian, mà cuối cùng sẽ chuyển giao những mặt hàng phục vụ lợi ích của quân đội Nga. Ngoài ra, sắc lệnh cũng cấm nhập khẩu một số mặt hàng cụ thể của Nga đặc biệt là kim cương và hải sản, có thể được sửa đổi nhãn mác ở nước thứ ba để che giấu nguồn gốc.
Trong một tài liệu hướng dẫn thực hiện sắc lệnh trên, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng đối với các ngân hàng nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bán hàng gián tiếp hỗ trợ quân đội Nga. Bộ Tài chính Mỹ khuyến cáo, các ngân hàng thực hiện các bước sàng lọc khách hàng có thể có liên hệ với Nga và chủ động tìm hiểu mọi biện pháp trừng phạt hoặc kiểm soát xuất khẩu liên quan đến hàng hóa mà họ đang hỗ trợ giao dịch.
“Chúng tôi hy vọng các tổ chức tài chính sẽ thực hiện mọi nỗ lực để đảm bảo rằng họ không cố ý hoặc vô tình tạo điều kiện cho hành vi gian lận và trốn tránh lệnh trừng phạt (của Nga). Chúng tôi sẽ không ngần ngại sử dụng các công cụ mới do sắc lệnh này cung cấp để thực hiện hành động mang tính quyết định, chống lại các tổ chức tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn cung của cỗ máy quân sự của Nga”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen nói trong một tuyên bố.
“Thông điệp mà chúng tôi đang gửi rõ ràng tới các ngân hàng nước ngoài là họ phải thực hiện thẩm định cần thiết hoặc sẽ gặp rủi ro về khả năng truy cập vào hệ thống tài chính của chúng tôi”, một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ, nói.
Quan chức này cho biết, các ví dụ về các mặt hàng nhạy cảm mà các ngân hàng nên tránh tạo điều kiện giao dịch nếu có liên quan đến Nga, bao gồm bán dẫn, máy công cụ, tiền chất hóa học, vòng bi và hệ thống quang học.
Vị quan chức này nói thêm, đối với hầu hết mọi ngân hàng trên thế giới, nếu đặt ra sự lựa chọn giữa việc tiếp tục bán một lượng hàng hóa khiêm tốn cho tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga hoặc kết nối với hệ thống tài chính của Mỹ, họ sẽ chọn vế thứ hai vì “nền kinh tế của chúng tôi lớn hơn nhiều và đồng tiền của chúng tôi là tiền tệ được sử dụng trên toàn thế giới”.
Tuy nhiên, Nga đang giảm sự phụ thuộc vào đô la Mỹ, euro và yen của Nhật Bản kể từ sau khi cuộc xung đột với Ukraine hồi tháng 2-2022 dẫn đến một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây. Các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đã nhanh chóng cung cấp tín dụng bằng đồng nhân dân dân tệ trị giá hàng tỉ đô la cho các khách hàng ở Nga sau khi các tổ chức tài chính của phương Tây rời nước này.
Vị quan chức cấp cao của Mỹ bày tỏ hy vọng, với sắc lệnh trên, các ngân hàng của châu Âu và Mỹ, dù không còn đầu tư trực tiếp ở Nga, sẽ gây sức ép lên các đối tác vẫn đang hoạt động ở nước này.
Trong năm 2022, Mỹ đã áp các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng hàng đầu của Nga, trong một số trường hợp, đóng băng tài sản mà họ đang gửi ở các tổ chức tài chính của Mỹ, ngăn chặn các thực thể Mỹ tham gia vào hầu hết các loại giao dịch với họ.
Sắc lệnh mới sẽ cho phép thực hiện các biện pháp tương tự nhắm vào các ngân hàng nước ngoài được coi là đang giao dịch thay mặt cho bộ máy quân sự của Nga. Một ngân hàng nước ngoài bị trừng phạt theo sắc lệnh này sẽ bị cắt đứt khỏi phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu.
Trước đây, Mỹ yêu cầu các ngân hàng đảm bảo rằng họ không kinh doanh với các bên bị trừng phạt, chẳng hạn như các nhà tài phiệt hoặc các doanh nghiệp có tên cụ thể. Nhưng Mỹ hiện muốn các ngân hàng tìm hiểu sâu hơn về các sản phẩm cơ bản trong các giao dịch tài chính mà họ xử lý, Kerry Contini, đối tác trong lĩnh vực thương mại quốc tế của hãng luật Baker & McKenzie, cho biết.
Dù chịu áp lực do bị trừng phạt, nền kinh tế Nga vẫn đang trên quỹ đạo tăng trưởng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Nga sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm 2024. Mục tiêu chính của đòn trừng phạt của phương Tây là hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, với việc các cường quốc G7 và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt mức trần giá dầu Nga bán ra thị trường toàn cầu không quá 60 đô la Mỹ/thùng. Những tàu vận chuyển dầu Nga vượt quá mức này không được sử dụng các dịch vụ tài chính, bảo hiểm của phương Tây. Hôm 21-12, Bộ Tài chính Mỹ ước tính, mức trần này đã khiến doanh thu thuế của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế mỏ trong 11 tháng đầu năm giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng các đánh giá khác ít lạc quan hơn về tác động của chính sách áp trần giá dầu Nga. Một nghiên cứu gần đây của Trường Kinh tế Kyiv ở Ukraine cho thấy việc tuân thủ giới hạn giá hầu như không tồn tại do gian lận tràn lan.
Theo AFP, WSJ, Financial Times