Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ và châu Âu tìm phương kế kìm hãm giá dầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mỹ và các đồng minh ở châu Âu đang tìm các phương kế ngăn giá dầu toàn cầu tăng mạnh hơn nữa. Nhưng để làm được điều đó, họ phải cân bằng nỗ lực cắt giảm doanh thu năng lượng của Nga với việc tránh cho nền kinh tế thế giới suy thoái.

Giá xăng trung bình trên toàn quốc ở Mỹ thiết lập kỷ lục mới với 4,92 đô la/gallon (3,78 lít) hôm 7-6. Kìm hãm giá xăng dầu và lạm phạt là hai ưu tiên cho chính sách kinh tế hiện nay của chính quyền Tổng thống Mỹ, Joe Biden.  Ảnh: Daily Mail

Trừng phạt nhưng vẫn cần Nga duy trì dòng chảy dầu ra thị trường

Trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ đã  tham gia các cuộc đàm phán với các đồng minh châu Âu về việc thành lập nhóm các nước cùng mua chung dầu và đặt giới hạn cho giá bán dầu của Nga. Mục tiêu của các cuộc đàm phán là giữ cho dầu của Nga vẫn chảy trên thị trường toàn cầu để đáp ứng nhu cầu của những nước nhập khẩu dầu lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này có thể giúp ổn định giá dầu vốn đang ở mức cao xấp xỉ gấp đôi trước đại dịch, đồng thời xây dựng một cơ chế mà các nước phương Tây có thể sử dụng để hạn chế doanh thu bán dầu của Nga.

Bà Yellen nói: “Tôi nghĩ những gì chúng tôi muốn làm là giữ cho dầu Nga tiếp tục chảy vào thị trường để giúp giá dầu quốc tế giảm và ngăn chặn một đợt tăng giá đột biến, khiến kinh tế toàn cầu suy thoái. Nhưng mục tiêu quan trọng là phải hạn chế doanh thu bán dầu của Nga”.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhập khẩu phần lớn dầu của Nga để trừng phạt nước này vì phát động cuộc chiến ở Ukraine, và EU cũng đang bàn thảo lệnh cấm bán chính sách bảo hiểm cho các chuyến hàng dầu của Nga. Các doanh nghiệp ở châu Âu nhập khẩu một lượng lớn dầu của Nga cũng như vận chuyển và bảo hiểm phần lớn của các lô dầu của Nga trên toàn cầu, nên các thay đổi trong chính sách của họ sẽ có tác động lớn đối với giá toàn cầu.

Một ý tưởng đang được thảo luận giữa nhóm các cường quốc công nghiệp G7 là yêu cầu các công ty bảo hiểm thiết lập một mức giá trần cho các lô hàng dầu của Nga. Các lô hàng dầu thường được bảo hiểm bởi các công ty ở EU hoặc Vương quốc Anh. Theo các nguồn thạo tin, giới chức trách ở châu Âu đang thăm dò giải pháp yêu cầu các công ty bảo hiểm chỉ bảo hiểm cho các chuyến hàng dầu của Nga bán cho các nước ngoài châu Âu với mức dưới giá trần.

Theo một quan chức Bộ Tài chính cấp cao của Mỹ, giá xăng tăng kỷ lục ở Mỹ và lạm phát cao là các vấn đề kinh tế ưu tiên giải quyết của chính quyền Tổng thống Mỹ, Joe Biden. Và quan chức Nhà Trắng đang xem xét các kế sách để ổn định giá dầu toàn cầu nhưng vẫn duy trì sức ép trừng phạt đối với Nga. Họ đang nghiên cứu các chi tiết về chi phí hòa vốn đối với các nhà sản xuất dầu của Nga cũng như cách thức vận chuyển dầu của Nga.

Nếu sản lượng của Nga suy giảm, giá dầu sẽ tăng mạnh

Các quan chức châu Âu cho biết họ vẫn đang thảo luận ở G7 và với Mỹ cùng các nước khác để đảm bảo các lệnh trừng phạt ngành năng lượng Nga không khiến giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng giá.

Một số nhà phân tích lo ngại các động thái trừng phạt của EU sẽ cản trở vĩnh viễn khả năng sản xuất và bán dầu của Nga, tăng áp lực đáng kể lên giá dầu toàn cầu trong dài hạn. Họ nhận định người Nga phải đối mặt với những rào cản hậu cần để bán khối lượng lớn dầu ở nơi khác và cuối cùng buộc phải đóng cửa các giếng dầu khi chúng hết trữ lượng.

Theo Bruegel, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, Nga, nước đang bán dầu với giá chiết khấu khoảng 30 đô la/thùng so với giá chuẩn toàn cầu, sẽ nhận được khoảng 10 tỉ đô la mỗi tháng nhờ bán dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ sang châu Âu. Trước khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, Nga xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày sang EU.

Bob McNally, Chủ tịch Công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group, dự báo xuất khẩu của Nga có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày do tác động của lệnh trừng phạt. Ông nói: “Đó là sự mất mát lớn trong sản xuất dầu toàn cầu”.

Claudio Galimberti, Phó chủ tịch cấp cao của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, cảnh báo việc cắt giảm sản lượng sâu hơn ở Nga có thể đẩy giá dầu toàn cầu lên mức 200 đô la/thùng, và nhấn chìm phần lớn thế giới vào cơn suy thoái kinh tế.

Ông nói: “Việc sản lượng dầu của Nga giảm quá nhanh có thể cực kỳ bất lợi, vì vậy chúng ta phải hết sức thận trọng về điều đó”.

Giá dầu toàn cầu tăng vọt không chỉ làm tăng lạm phát trên toàn thế giới, mà còn có thể cho phép Nga duy trì hoặc thậm chí tăng doanh thu từ việc bán dầu ngay cả khi nước này mất các khách hàng ở phương Tây. Bà Yellen trước đây đã cảnh báo rằng cấm vận của châu Âu đối với dầu mỏ của Nga cuối cùng có thể cho phép Nga kiếm thêm doanh thu từ việc bán dầu của mình khi giá toàn cầu tăng lên.

Một số nhà phân tích khác dự báo Nga sẽ thích ứng với các động thái trừng phạt của EU và có thể tiếp tục bán một lượng dầu tương tự ở các thị trường ngoài châu Âu, có nghĩa là lệnh cấm vận của EU cuối cùng đã không cắt giảm doanh thu dầu mỏ của Nga. Đặc biệt, Ấn Độ đã tăng cường mua dầu của Nga kể từ khi chiến tranh xảy ra ở Ukraine.

Việc đặt ra mức giá trần đối với giá dầu của Nga thông qua các công ty bảo hiểm ở EU và Anh sẽ giới hạn doanh thu mà Nga có thể thu được từ các khách hàng ngoài châu Âu. Một lựa chọn khác để thiết lập giới hạn giá bán dầu của Nga là sử dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đang được Mỹ và các đồng minh châu Âu thảo luận.

Một chế độ trừng phạt thứ cấp sẽ răn đe các nước, cụ thể là Ấn Độ và Trung Quốc, không được mua dầu của Nga với giá vượt mức do Mỹ đặt ra, nếu không họ sẽ mất quyền tiếp cận các tổ chức tài chính của Mỹ. Nhưng một động thái như vậy sẽ đi kèm rủi ro ngoại giao đối với Mỹ trong quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc. Trước đây, ngay cả châu Âu cũng phản đối lại các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới