Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ yêu cầu EU trì hoãn lệnh cấm các sản phẩm liên quan đến phá rừng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ Mỹ yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) trì hoãn thực thi lệnh cấm nhập khẩu 7 mặt hàng nông nghiệp gồm cà phê, cao su, đậu nành, dầu cọ, bò, cao su và gỗ cũng như các sản phẩm có nguồn gốc từ chúng nếu có liên quan đến phá rừng. Washington cho rằng lệnh cấm này sẽ gây tổn thương các doanh nghiệp Mỹ,  đặc biệt là các nhà sản xuất chocolate, tã giấy, khăn giấy.

Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) ảnh hưởng đến 7 mặt hàng nông nghiệp gồm dầu cọ, đậu nành, gỗ, cacao, cà phê, bò và cao su. Ảnh: global-traceability.com

Tờ Financial Times hôm 20-6 đưa tin, trong thư gửi cho Ủy ban châu Âu (EC) đề ngày 30-5, các quan chức Mỹ gồm Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Bộ trưởng Nông nghiệp Thomas Vilsack và Đại diện Thương mại Katherine Tai yêu cầu trì hoãn lệnh thực thi Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) đặt ra lệnh cấm nói trên. Theo kế hoạch, EU sẽ thực hiện EUDR vào ngày 30-12-2024.

EUDR bắt buộc các nhà giao dịch phải cung cấp tài liệu chứng minh rằng 7 mặt hàng nông nghiệp liên quan được sản xuất ở những trang trại không phải hình thành từ đất rừng bị phá sau năm 2020.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng, yêu cầu này sẽ áp đặt những “thách thức lớn” lên các nhà sản xuất Mỹ. “Do đó, chúng tôi kêu gọi EC trì hoãn việc thực hiện quy định này và thực thi các hình phạt cho đến khi những thách thức được giải quyết”, bức thư viết.

Các nhà kinh doanh giấy của Mỹ đang xem xét cắt giảm hợp đồng xuất khẩu sang EU vì không thể chứng minh giấy của họ không phải có nguồn gốc từ đất rừng bị phá. Các đối tác thương mại khác của EU, đặc biệt là hai nước sản xuất dầu cọ lớn Indonesia và Malaysia, cũng kêu gọi Brussels hoãn thực thi EUDR.

Các ngành sản xuất của Mỹ, đối tác nhập khẩu lớn thứ hai của EU, bị ảnh hưởng nhiều nhất là là gỗ, giấy và bột giấy. Theo số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) , EU nhập khẩu khoảng 3,5 tỉ đô la các sản phẩm này của Mỹ trong năm 2022.

EUDR yêu cầu bằng chứng cho thấy các sản phẩm liên quan đến từ vùng đất không bị phá rừng sau năm 2020, bao gồm dữ liệu định vị địa lý. Nhưng Hiệp hội Giấy và rừng Mỹ (AF&PA) cho rằng, các thành viên của họ không thể tuân thủ yêu cầu như vậy vì giấy và bột giấy được sản xuất các phụ phẩm từ xưởng cưa và chúng thường được trộn từ nhiều nguồn khác nhau.

“Truy nguồn gốc từng mảnh gỗ riêng lẻ là không thể. Ngoài ra, hiện nay không có công nghệ cần thiết để theo dõi đường đi của gỗ để tuân thủ EUDR”, AF&PA cho biết.

Hiệp hội này cho rằng, EUDR có thể ảnh hưởng đến các sản phẩm cụ thể như khăn giấy và băng vệ sinh vì Mỹ cung cấp 85% bột giấy sử dụng ở các sản phẩm này trên toàn cầu.

Hồi tháng 10 năm ngoái, 66 thành viên của Quốc hội Mỹ viết thư gửi Đại diện Thương mại Mỹ Katherine. Nội dung bức thư kêu gọi bà nêu ra với Brussels những thách thức mà các nhà sản xuất giấy và bột giấy của Mỹ đối mặt do luật chống phá rừng của EU.

Nội dung bức thư cho biết, EUDR áp đặt các yêu cầu không thực tế, hạn chế thương mại một cách không cần thiết đối với các sản phẩm từ các nước có rủi ro phá rừng thấp và có chuỗi cung ứng được quản lý chặt chẽ, chẳng hạn như Mỹ.

Nội bộ EU cũng có những ý kiến phản đối về vấn đề này. Cao ủy phụ trách đối tác quốc tế EU Jutta Urpilainen và Cao ủy phụ trách nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski cũng như phần lớn Bộ trưởng Nông nghiệp của các nước EU đã kêu gọi trì hoãn thực hiện EUDR. Họ đề xuất miễn trừ áp dụng EUDR cho các nông dân sản xuất quy mô nhỏ.

Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), một cơ quan được Liên hợp quốc hậu thuẫn, EUDR có thể loại bỏ các nhà sản xuất  nông nghiệp nhỏ từ các nước đang phát triển khỏi thị trường EU. Bởi ITC cho rằng, họ thiếu công nghệ để xác minh rằng hàng hóa không sản xuất trên đất rừng bị phá.

EUDR yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra 9% sản phẩm nhập khẩu liên quan đến từ các nước có nguy cơ phá rừng cao và 3% sản phẩm từ các nước có rủi ro phá rừng trung bình. Tuy nhiên, do sức ép từ các nước sản xuất, EC tạm thời phân loại rủi ro phá rừng ở mức trung bình đối với tất cả các nước để họ có thời gian thích ứng với quy định mới.

Hồi đầu năm, Cao ủy phụ trách môi trường EU Virginijus Sinkevičius đã thực hiện chuyến công du tới các nước Mỹ Latin và châu Phi để xoa dịu các lo ngại liên quan đến EUDR.

Theo Financial Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới