(KTSG Online) – Xuất khẩu là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Thế nhưng, trước những diễn biến của tình hình thế giới, dự báo đầu tư công sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023, theo chuyên gia kinh tế.
- Kinh tế Việt Nam trước các trào lưu mới của thế giới
- Việt Nam trước nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái
Tại buổi họp mặt hội viên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ vào hôm nay, 19-7, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI, cho biết làn sóng Covid-19 năm ngoái đã khiến hơn 11.500 doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động.
Đây là năm có số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể nhiều nhất qua các năm. “Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, ĐBSCL có mức tăng trưởng GRDP thấp nhất, chỉ tăng 2,32% năm 2020 và âm 1,42% trong năm 2021”, ông Thành cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Thành, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất kinh doanh từ những tháng đầu năm 2022, đã giúp đưa nền kinh tế phục hồi nhanh chóng.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL 6 tháng đầu năm tăng 5,58% so với cùng kỳ, xuất khẩu từ các doanh nghiệp ĐBSCL 6 tháng đạt 12,75 tỉ đô la Mỹ, tăng 29%. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động trong 6 tháng đạt 8.526 doanh nghiệp, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp giải thể giảm 4%, số doanh nghiệp ngừng hoạt động giảm 17% so với củng kỳ. Cả vùng cũng thu hút được 43 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn khoảng 390 triệu đô la Mỹ.
“Những số liệu trên cho thấy sự khởi sắc trở lại của ĐBSCL, trong đó, vai trò của doanh nghiệp trong vùng là hết sức quan trọng. Chính nhờ sự linh hoạt và năng động của doanh nghiệp, kinh tế đã khởi sắc”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia trường chính sách công và quản lý Fulbright, phân tích, đến thời điểm này, động lực cho tăng trưởng là sản xuất phục vụ cho xuất khẩu.
Năm ngoái tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 19% và trong 6 tháng đầu năm nay đạt 17,8%. “Đặc biệt, ĐBSCL tăng mạnh, hơn 20% và là vùng có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước”, ông nhấn mạnh và cho rằng kết quả này có được là nhờ vào tăng xuất khẩu thuỷ sản.
Nhìn vào con số cũng như chủng loại mặt hàng xuất khẩu, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay đều tăng cao, nhưng có sự khác biệt.
Theo đó, năm ngoái tăng mạnh ở các mặt hàng máy móc thiết bị (tăng 40,9%), thép (124,2%), xe cơ giới (16,8%), còn trong 6 tháng đầu năm nay, những mặt hàng truyền thống lại gia tăng, mà cụ thể ở các trung tâm công nghịệp là dệt may (tăng 20,8%), giày dép (13,5%). Đặc biệt, mặt hàng thuỷ sản là thế mạnh của ĐBSCL tăng đến 38,4%.
Sự dịch chuyển mặt hàng xuất khẩu như nêu trên cho thấy khi kinh tế phục hồi thì nhu cầu tiêu dùng đã trở lại, trong khi đó, người dân ra đường nhiều hơn, kích thích nhu cầu mua sắm giày dép, áo quần cũng gia tăng.
Khi nhu cầu thị trường thế giới quay trở lại cũng là thời điểm Việt Nam mở cửa, cho nên đã tận dụng rất tốt cơ hội để gia tăng xuất khẩu, mà cụ thể tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 186 tỉ đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 17,3%.
Ngoài ra, chiến tranh Nga - Ukraine khiến Nga không xuất khẩu được cá tuyết sang Liên minh châu Âu (EU), cho nên người tiêu dùng đã chuyển từ cá tuyết sang cá tra. Nhờ vậy trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra của ĐBSCL đạt 1,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 83%.
Trong khi đó, Trung Quốc đóng cửa do Covid-19 khiến các cơ sở chế biến thuỷ sản của quốc gia này phải tạm ngưng hoạt động, nhưng người dân vẫn phải tiêu dùng lương thực, thực phẩm và thuỷ sản nên giúp các đơn hàng đối với những loại mặt hàng của Việt Nam tăng lên.
“Nếu chúng ta vẫn duy trì được sự thông thoáng, không đứt gãy chuỗi cung ứng logistics, thì xuất khẩu sẽ là mũi nhọn trong tăng trưởng kinh tế trong năm nay”, ông nhận xét.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng 2023 sẽ là một năm đầy thách thức khi mặt bằng lãi suất tăng. Bởi, điều này dẫn đến khả năng cao là nền kinh tế của Mỹ và EU sẽ rơi vào suy thoái trong một vài quí nhất định, kéo theo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 sẽ rất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, lĩnh vực sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng là đầu tư công. Nhờ giải ngân đầu tư công, những ngành như xây dựng, phát triển hạ tầng sẽ giúp cho phát triển của năm sau.
Ông Võ Tân Thành nhận định, kinh tế Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang có những diễn biến mới, khó lường trước như chiến tranh Nga– Ukraine, giá xăng dầu leo thang, lạm phát ở nhiều nước chưa được khống chế.
Trong khi đó, ở trong nước, chính sách tín dụng đang siết chặt để đảm bảo các mục tiêu kinh tế vĩ mô, đang gây khó khăn tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Giá nguyên liệu, vật tư cho sản xuất biến động mạnh, nhân lực vẫn còn thiếu hụt sau đại dịch… làm cho các doanh nghiệp phải xoay xở và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, thậm chí thu hẹp hoạt động.