Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Năm đầu thực hiện EVFTA: Vẫn là vấn nạn dư lượng hóa chất

Nguyễn Duy Nghĩa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) là một trong số các FTA thế hệ mới có tầm ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam, vì EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của ta và vì đó được xem là cái gạch nối giữa quá khứ với hiện tại giữa hai bên, được đặt nền móng từ nhiều thế kỷ trước bởi các đoàn tàu buôn của châu Âu tới các thương cảng Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An, Bến Nghé của ta. Có lẽ vậy, dù mới khởi động EVFTA đã tạo nhiều dấu ấn.

Dư địa lớn, ưu đãi nhiều

Năm 2020, dù chỉ góp sức trong năm tháng, từ tháng 8-2020, song EVFTA đã giúp cho Việt Nam duy trì xuất siêu vào EU tới 22,5 tỉ đô la Mỹ.

Bước vào năm 2021, dịch Covid-19 vẫn hoành hành, song với tiềm lực mạnh EU đã tung ra các gói cứu trợ kinh tế chưa từng có (khoảng 2.364 tỉ euro), nhờ vậy kinh tế EU đã phục hồi khá nhanh và ba quí đầu năm 2021 EU đã nhập khẩu hàng hóa ngoài khối tăng khoảng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó nhập từ Việt Nam chín tháng đầu năm tăng 28,8 tỉ đô la, tăng 11,5% so với chín tháng đầu năm 2020. Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu vào các “bạn hàng cũ” tại Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Ý, Đan Mạch..., mà nay có thể mở sang các nước Bắc Âu, Nam Âu - những thị trường mới, nhiều hứa hẹn.

Một trong những động lực giúp cho xuất khẩu của Việt Nam vào EU tiếp tục sáng là do EVFTA đã dành những ưu đãi cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là hàng chủ lực, dịch vụ thế mạnh.

Một trong những động lực giúp cho xuất khẩu của Việt Nam vào EU tiếp tục sáng là do EVFTA đã dành những ưu đãi cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là hàng chủ lực, dịch vụ thế mạnh. Thực ra, trước khi có EVFTA, các nước thành viên EU đã dành cho ta chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), nhưng EVFTA đã mở rộng những cơ chế ưu đãi mang tính chất bền vững, với giá trị lớn.

Hiện, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR1 lên đến xấp xỉ 20%, là tỷ lệ rất đáng kể. Phần còn lại, đúng ra không được cấp C/O sẽ không được ưu đãi, song vì đang được hưởng GSP thì thuế suất cũng thấp. Bên cạnh đó, các lô hàng xuất khẩu sang EU trị giá dưới 6.000 euro, doanh nghiệp được phép tự chứng nhận xuất xứ, mặc nhiên được ưu đãi.

Nhưng phung phí cơ hội

Việc 30.000 tấn gạo thơm của Việt Nam, gồm chín giống lúa thơm, được hưởng thuế 0% theo cam kết của EVFTA, là cơ hội tăng xuất khẩu cho mặt hàng gạo. Nhưng đáng tiếc, do vướng việc cấp giấy chứng nhận đảm bảo đúng giống gạo thơm nên không ít doanh nghiệp chưa thể tận dụng cơ hội này.

Văn phòng SPS Việt Nam(*) nhận được cảnh báo từ EU đối với đùi ếch đông lạnh do chứa chất nitrofurans (furazolidone) với mức dư lượng 17 µg/kg-ppb, khiến Pháp phải thu hồi sản phẩm đã đưa ra thị trường, còn Thụy Sỹ thì tiêu hủy.

Cùng thời gian này, EU tiếp tục cảnh báo chế phẩm từ bưởi do chứa chất propargite và fenobucarb vượt ngưỡng cho phép, và đã bị Na Uy thu hồi.

Đầu tháng 10-2021, lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ hoàng tại Bỉ qua kiểm tra phát hiện có dư lượng tricyclazolevượt vượt định mức, doanh nghiệp Việt Nam đành phải thu hồi. Cũng trong tháng 10, chôm chôm, mộc nhĩ khô, hạt tiêu đen, bột quế, và một vài loại thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU cũng bị cảnh báo dư lượng các chất có hại.

Sau khi cảnh báo liên tục về an toàn thực phẩm đối với nhiều lô hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam, ngày 3-11, Ủy ban châu Âu đã thông báo sửa đổi Quy định về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm nhập khẩu vào EU. Theo đó, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm và hoa quả của Việt Nam: rau mùi 72%, húng quế 20%, đậu bắp 20-30%, hạt tiêu 20%, thanh long 10% và bắt đầu từ ngày 15-11-2021. Theo định kỳ, sáu tháng một lần, ủy ban này sẽ xem xét các danh sách thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật từ một số nước thứ ba tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn thực phẩm. Những việc trên chẳng những chỉ báo hại cho chính doanh nghiệp đó mà đồng nghiệp sẽ bị vạ lây.

--------

(*) Văn phòng SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

2 BÌNH LUẬN

  1. Chính phủ các nước thành viên EU thực hiện tốt chức năng gác cổng phát hiện và ngăn chặn các thực phẩm hàng nhập khẩu chứa chất độc hại cho sức khỏe người dân nước họ. Tình hình ở Việt Nam thì sao? Mạng sống và sức khỏe người Việt trong nước rẻ hơn hay sao? Ai là người bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tại Việt Nam với các hàng nông sản độc hại này?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới