Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Năm học mới và chuyện căn bếp của ông Dưỡng

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hành trình học để làm người thầy, chuyên gia kinh tế và là nhà cố vấn chính sách phát triển, không hẳn là khởi đầu từ sách vở, mà từ việc... làm bếp. Đó là điều thú vị về tinh thần học và hành (hay nói một cách bóng bẩy là “giáo dục hướng đến thực hành”) trong kinh nghiệm cá nhân của nhà giáo, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng vào đầu năm học mới 2024-2025, nhân dịp ông ra mắt cuốn sách thứ hai của mình với nhan đề “Nhàn đàm giáo dục - Từ trải nghiệm riêng” (Phanbook & NXB Dân Trí ấn hành, 2024).

Ông Phan Chánh Dưỡng giao lưu với bạn đọc nhân dịp ra mắt sách Nhàn đàm giáo dục - Từ trải nghiệm riêng.

“Tôi mười lăm tuổi, mẹ tôi đã giao cho trách nhiệm dọn dẹp, trông coi bếp núc. Tôi học cách rửa sạch ly, chén, xoong nồi, đặt ngăn nắp đúng chỗ sau khi ăn xong, chăm sóc nhà bếp lúc nào cũng gọn gàng sạch sẽ. Tôi cũng được giao việc nấu nướng cho cả nhà, biết tính toán bữa nào ăn gì, liệu cơm gắp mắm trong thời ở quê ai cũng khó khăn. Một đứa trẻ vào tuổi đó, phải làm đi làm lại một việc bắt buộc, ban đầu là hình thành thói quen, sau là định hình ý thức trách nhiệm. Tôi sớm biết cách xoay xở, tổ chức thời gian cân bằng giữa vui chơi và công việc... Sau này, khi thời cuộc xô đẩy, có lúc phải ly tán do giặc giã, phải lên Sài Gòn mưu sinh, tôi đã có vốn liếng là sự tự lập, thích ứng tốt...”, ông Dưỡng kể trong chia sẻ về bài học quan trọng trong đời mình. Với ông, sự học ban đầu là thích nghi để tồn tại - tồn tại còn có nghĩa cụ thể là thoát chết trong thời tao loạn - sau đó, là học để nâng cao hiểu biết, rồi thực hành cái học được để mà thoát nghèo trong thời đại mới.

Sinh năm 1948, quê Minh Hải, Cà Mau, trong một gia đình gốc Hoa, chàng thiếu niên Phan Chánh Dưỡng lên Sài Gòn tìm cơ hội học hành chỉ với 2.000 đồng trong túi. Ông làm nhiều nghề kiếm sống để quyết đeo đuổi việc học, từ bồi bàn đến nhân viên nhà sách, thi đỗ vào khoa Điện tử trường Đại học Khoa học Sài Gòn, sau đó trở thành một giáo viên Vật lý, một hiệu trưởng... Cuộc đời kinh qua nhiều khúc quanh của thời cuộc và lịch sử của ông được ghi lại chân thực và hấp dẫn trong cuốn sách Ký ức theo dòng đời (Phanbook & NXB Đà Nẵng ấn hành, 2022).

Nhìn lại toàn bộ quá trình đó, ông Dưỡng cho rằng, giáo dục là cốt lõi hình thành nên phẩm giá một cá nhân, sức mạnh một quốc gia. Giáo dục giúp con người sống đúng với “Nhân đạo” và “Thiên đạo”. “Mục tiêu của giáo dục thật sự rất rõ ràng không có gì phải tranh cãi, đó là dạy làm người, nghĩa là đạo đức và nhân cách con người. Đồng thời giáo dục cung cấp kiến thức kỹ năng để con người xây dựng cuộc sống văn minh, hạnh phúc. Thế thì nền giáo dục nước ta phải đề ra các mục tiêu cụ thể, phương châm, biện pháp nào để đạt được hai mục tiêu cơ bản và tối cao nêu trên” (tr. 13).

Như những đúc rút kinh nghiệm từ quá trình học, tự học và những cơ hội thụ hưởng giáo dục từ trong cuộc sống khắc nghiệt, ông Phan Chánh Dưỡng trình bày những yếu tính của giáo dục gia đình và sự tự giáo dục của bản thân trong cuốn sách mới. Ông cho rằng, trong bối cảnh xã hội công nghiệp, đời sống khấm khá, nhiều người có tâm lý bảo bọc con cái thái quá, mọi bài học hình thành phẩm giá lệ thuộc hoàn toàn vào kiến thức nhà trường với những chương trình học đối phó dày đặc nhưng bọn trẻ bị tước mất cơ hội suy ngẫm, thực hành và phản biện các kiến thức được học, đồng thời, cũng bị tước mất cơ hội được học những bài học từ chính trong cuộc sống.

Ông cho rằng vai trò cha mẹ vô cùng quan trọng trong giáo dục con cái ở giai đoạn từ mới sinh cho đến tiểu học, nên gia đình là “điểm khởi đầu, có ảnh hưởng mạnh nhất với tâm lý trưởng thành”. Ông nhìn về truyền thống gia giáo phương Đông với các giá trị bất biến trong giáo dục con cái về phẩm hạnh, đạo lý, lễ độ và nhận thức sống. Ông cũng khảo sát và nghiền ngẫm kỹ việc tiếp nhận hiểu biết thông qua các phương tiện truyền thông, cách quyến rũ của công nghệ giải trí đang xâm nhập vào các gia đình, thách đố những nỗ lực giáo dục của phụ huynh đối với con em.

“Cuộc đời tôi được định dạng từ cái nghèo và sự nắm bắt mọi cơ hội học hành trong đời sống”, ông nói về quá trình tự rèn luyện bản thân bằng chính kinh nghiệm của mình. Học quan sát người thợ đóng cái ghe, rồi tìm hiểu vì sao nó nổi trên sông, đến chuyện thợ mộc làm cái giường, hay những suy luận xoay quanh một định đề vật lý... cho đến một tâm thế học bạn bè anh em, học cuộc đời không ngừng. Niềm đam mê học không ngừng đó đã trở thành một “tính cách” đặc biệt.

Nhưng ở đây, câu hỏi đặt ra là làm sao khơi dậy những đam mê hiểu biết nơi mỗi cá nhân, khi mà sự học ngày nay đem lại cho học sinh quá nhiều áp lực?

Vai trò nhà trường và xã hội cũng được ông đề cập rất kỹ trong cuốn sách Nhàn đàm giáo dục. Vị giảng viên Thực hành của Đại học Fulbright cho rằng giáo dục nhà trường là “bài toán tổng thể của quốc gia, dân tộc”, “giáo dục quyết định vận mệnh của từng con người và sự hưng vong của một quốc gia dân tộc”.

Trong buổi ra mắt sách, ông kể về một người thầy có dấu ấn quan trọng đầu đời của mình, người bị tình nghi hoạt động kháng chiến, tự dưng rơi vào sống trong gia đình mình. Và suốt những tháng năm ông bị thầy quản thúc, giữa ranh giới sự sống và cái chết, ông ta đã truyền lại cho đám trẻ những bài học kiến thức quý giá. Ông kể lại để nói tới vai trò người dạy, sự ký thác trong một sứ mệnh lớn, gửi gắm hy vọng vào tương lai.

Câu chuyện được kể thêm bên lề những phân tích về chương trình giáo khoa, hoạt động sư phạm, tổ chức thi cử... đề cập trong sách làm minh định thêm những kinh nghiệm quý giá mà tác giả đã viết trên từng trang sách.

Từng kinh qua các chức vụ quan trọng: Giám đốc Cholimex, Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận kiêm Phó giám đốc Công ty liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận và Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, ông Phan Chánh Dưỡng còn được biết đến là “thủ lĩnh” Nhóm Thứ Sáu (tư vấn chính sách phát triển dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Nhiều cố vấn phát triển của ông và bạn bè trong Nhóm Thứ Sáu đã thúc đẩy, tạo nên các đột phá chính sách mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng xã hội.

Nhàn đàm giáo dục là cuốn sách kiến giải về quá trình phát triển cá nhân của một con người trí thức có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng, nhưng sâu xa hơn, là một quan điểm chính trực gửi gắm vào tương lai giáo dục trong bối cảnh giáo dục là một lĩnh vực còn quá nhiều bất cập, chưa đáp ứng được kỳ vọng của một xã hội phát triển trong thời đại mới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới